Giáo viên ngại học bồi dưỡng tiếng Anh

Giáo viên quen với tâm lý người đi dạy chứ không phải đi học khiến những giờ học bồi dưỡng không đạt hiệu quả

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa công bố danh sách 43 giáo viên (GV) thuộc khối THPT không tham gia khóa bồi dưỡng bổ sung theo đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM giai đoạn 2011-2020”. Khóa bồi dưỡng bổ sung này chủ yếu rèn luyện kỹ năng nghe, nói, luyện giải đề thi. Theo một lãnh đạo sở, mỗi đợt bồi dưỡng tập trung, không ít GV không chịu tham gia.

Rút lui vì không theo kịp chuẩn

Cô H.T, GV tiếng Anh một trường THPT tại quận Bình Thạnh, cho hay những ngày đầu học lớp bồi dưỡng, phần lớn GV tham gia đều hẫng vì lâu nay việc dạy và học đang theo chuẩn Việt Nam, tức là theo A, B, C… nay chuyển qua chuẩn quốc tế, phương pháp dạy cũng chủ yếu rèn luyện kỹ năng nghe - nói nên nhiều GV choáng, có những GV lớn tuổi sau vài buổi học không theo nổi nên rút lui.

Giáo viên tiếng Anh trong giờ ôn bài cho học sinh lớp 12. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

“Có những giờ học với GV bản ngữ nhưng nhiều GV của mình không giao tiếp được. Phương pháp của họ cũng linh hoạt, thông qua các trò chơi, hình thức vận động nhưng GV của ta lại khá ù lì, thụ động. Qua các bài kiểm tra, những phần đọc - viết thì GV qua hết, còn số rớt lại chủ yếu chỉ là kỹ năng nghe - nói chưa đạt yêu cầu” - cô T. nói.

Theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, để GV chịu đi bồi dưỡng là cả một quá trình gian nan, từ động viên, thuyết phục đến những biện pháp mạnh hơn bởi tâm lý GV lâu nay quen đi dạy chứ không phải đi học.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sau khi tham gia bồi dưỡng, hầu hết GV tiếng Anh tại TP HCM đều lên bậc nhưng chính nguyên nhân GV ngại đi học là trở ngại lớn nhất của đề án. Kinh phí bồi dưỡng do ngân sách TP cấp, sở cũng yêu cầu các trường tạo mọi điều kiện cho GV, như sắp xếp giờ dạy hợp lý, thậm chí đào tạo trực tuyến, bồi dưỡng vào buổi tối nhưng vẫn có không ít GV chưa thật sự nhiệt tình vì có thể họ còn vừa đi học vừa đi dạy thêm.

ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2), cho biết trường có 7 GV tiếng Anh đi bồi dưỡng thì có 3 GV đã đạt chuẩn mong muốn là trình độ C1; 4 GV còn lại đang tiếp tục học. Ở giai đoạn đầu, GV có phàn nàn chưa quen với phương pháp, nhà ở xa nhưng nhà trường luôn động viên các thầy cô đi học, trước hết là vì học trò, thứ hai là vì mình. Khi GV tự tin với trình độ thì đứng trước lớp hay ở môi trường nào cũng giao tiếp được.

Ngại bồi dưỡng khi thi cử không đổi mới

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 10 nêu thực trạng: Đang có sự vênh nhau rất lớn giữa bồi dưỡng GV theo Đề án ngoại ngữ 2020 của bộ và Đề án ngoại ngữ của TP HCM. Vì thế, không thể tránh tâm lý so sánh giữa 2 hình thức bồi dưỡng. Theo Đề án 2020, tại TP HCM, GV được lựa chọn 2 đơn vị khảo sát, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ là Trường ĐH Sư phạm TP HCM và Trung tâm SEAMEO. Trong khi theo đề án của TP, đòi hỏi phải theo chuẩn được quốc tế công nhận.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng, khi TP thực hiện đề án ngoại ngữ, việc đầu tiên là khảo sát trình độ GV. TP HCM dù là địa phương lớn, có thế mạnh về ngoại ngữ nhưng trình độ vẫn thấp quá. Kết quả thấp cũng có nguyên nhân vì bài khảo sát cũng thực hiện theo chuẩn quốc tế. GV tiếng Anh ở TP HCM cũng cực hơn GV các địa phương khác do bồi dưỡng theo chuẩn riêng của TP nhưng lại nảy sinh vấn đề gay go là quá trình thi cử hiện nay không như khi bồi dưỡng GV theo phương pháp mới nên có chuyện GV học xong lại cứ lo nơm nớp hình thức thi ra sao.

Thực tế là việc thi cử vẫn thống nhất theo chuẩn của Bộ GD-ĐT, vẫn chỉ tập trung viết và đọc. Nguyên tắc thi cái gì thì học cái đó khiến nhiều GV cho rằng dạy học sinh nghe - nói cũng chẳng để làm gì, GV cũng không cần bồi dưỡng làm gì. Mà tiếng Anh thì cần môi trường giao tiếp, cần quá trình thực hành liên tục, bền bỉ chứ không thể ngày một ngày hai. Vì thế, chỉ cần cải tiến thi cử, tăng cường phần nghe - nói, điều đó sẽ là động lực thúc đẩy GV.

Theo ThS Hà Hữu Thạch, vấn đề không phải GV ngại được bồi dưỡng mà họ chỉ sợ sau khi đi học về, dạy theo phương pháp mới thì được lợi lộc gì, học sinh của họ được gì khi thi cử hiện nay không đổi mới? Chẳng may sai hướng, học sinh lớp này thua kém lớp kia, trường này thua trường kia thì trách nhiệm đa phần đổ hết lên đầu người thầy. “Mọi công tác bồi dưỡng GV, kể cả đề án ngoại ngữ hay phương pháp dạy tích hợp liên môn chỉ có thể đạt hiệu quả khi hình thức thi cử được đổi mới” - ThS Thạch kết luận.

Không dễ đạt chuẩn ngay được

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, nhìn nhận tiếng Anh không thể ngày một ngày hai bắt GV đạt chuẩn. Sở cũng buộc phải chấp nhận thực tế, không thể đòi hỏi cao hơn nữa ở một bộ phận GV, họ có tuổi, họ chấp nhận đi học bồi dưỡng là rất tốt. Nhưng sở, ngành vẫn cứ phải đặt mục tiêu, vẫn phải “hô hào” để GV phấn đấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN