Gặp nhà giáo 82 tuổi dạy học miễn phí suốt 17 năm cho trẻ khuyết tật

Một nhà giáo ở tuổi 82 vẫn miệt mài mở lớp dạy học cho trẻ khuyết tật suốt 17 năm nay.

Nhân dịp nhà giáo Hồ Hương Nam (Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) được vinh danh Công dân ưu tú Thủ đô năm 2014, chúng tôi đã tới thăm và được bà chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị.

Gặp nhà giáo 82 tuổi dạy học miễn phí suốt 17 năm cho trẻ khuyết tật - 1

Nhà giáo, công dân ưu tú Hồ Hương Nam

“Họ nói tôi bị hâm”

Bà vốn là giáo viên Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Sau khi nghỉ hưu, bà làm công tác dân số tại phường Yên Phụ. Ở đây bà thấy có trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ nhưng không được đi học. Bà quyết tâm mở lớp dạy cho những đứa trẻ đặc biệt này.

“Ngày đầu vận động các cháu đi học rất khó, tôi bị đuổi ra khỏi nhà, họ nói tôi bị hâm. Nhà nghèo không lo làm ăn còn đi dạy dỗ làm phúc, có người nghi tôi mở lớp để thu tiền, thiếu học sinh bình thường nên lôi kéo trẻ khuyết tật” .

Tuy thời gian đầu mở lớp rất khó khăn nhưng bà Nam vẫn không bỏ cuộc. “Tôi vẫn theo đuổi, vận động các gia đình cho trẻ khuyết tật đi học. Họ tỏ thái độ xua đuổi. Nhiều lúc tôi cũng buồn nhưng trong tâm trí lại hiện 4 chữ “tình thương và trách nhiệm” khiến tôi không đành lòng”, bà Nam chia sẻ.

May mắn bà Nam được con cháu trong gia đình ủng hộ. Bà mượn trụ sở tuần tra của phường Yên Phụ làm lớp học. Được sự giúp đỡ của trường THCS An Dương (Yên Phụ) từ 2002 đến nay bà và những đứa trẻ khuyết tật đã có một lớp học khang trang.

Suốt 17 năm nay, ngày nào bà Nam cũng đi bộ gần 4km dạy miễn phí cho 18 trẻ khuyết tật trong số đó có 3 trẻ câm điếc, 3 cháu tự kỷ, 4 cháu bị bệnh down, 4 cháu thiểu năng trí tuệ, 3 cháu khuyết tật vận động.

Hàng ngày bà phải chia lớp thành ấy thành từng nhóm: Nhóm học chữ “O”, nhóm học ghép vần., nhóm học ghép chữ. Có cháu 16 năm rồi vẫn theo học bà và đã biết các phép tính, cộng, trừ, nhân chia.

Bà Nam nhớ nhất một kỷ niệm thôi thúc bà gắn bó với những đứa trẻ đặc biệt. “Ngày 20/11 cách đây 3 năm, mỗi cháu trong lớp mua tặng tôi 1 bông hoa và nói: “Bà ơi, hôm nay là ngày của bà”. Tôi hỏi, tiền đâu các cháu mua?” Các cháu nói, tiền ăn quà sáng. Tôi đã khóc”.

Dạy bằng phương pháp “bản năng”

Trả lời câu hỏi của phóng viên, dạy trẻ khuyết tật bà có phương pháp gì đặc biệt không?. Bà Nam chia sẻ, tôi dạy trẻ theo phương pháp “bản năng", chứ không theo giáo án sư phạm. Hàng ngày tôi vẫn soạn giáo án theo cách của mình. Giáo án theo từng lứa tuổi, theo từng nhóm học sinh. Giáo án này phải đưa ra mục tiêu cụ thể với từng cháu.

Gặp nhà giáo 82 tuổi dạy học miễn phí suốt 17 năm cho trẻ khuyết tật - 2

Bà Nam soạn giáo án theo từng lứa tuổi, theo từng nhóm học sinh.

Bà nói thêm,  dạy để lấy thành tích sẽ không thành công. Thay vào đó, người dạy phải kiên trì, quyết tâm, đi sâu vào tâm lý các cháu. Những học sinh ban đầu đến lớp không biết tiếp thu bài vở nhưng giờ đã biết làm toán, viết chữ.

Nhà giáo Hồ Hương Nam kể, có người đề nghị bà dạy trẻ lành lặn để lấy tiền. Bà Nam chia sẻ, chữ “tâm” khác chữ “tiền”. Bà theo cái tâm. Lao động là có tiền chứ tiền không mua được “tâm”.

“Tôi đang có 2 lương: Lương hưu và lương tâm. Tôi dạy trẻ khuyết tật là vui với đời, tiền nong không bao giờ nghĩ đến”, bà nói.

Chia sẻ cảm xúc của người được vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, bà Nam cho biết, lúc này bà vừa buồn vừa vui. Bà buồn vì sợ không có nhiều cơ hội giúp những trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Bà ước bà còn trẻ hơn để cổng hiến nhiều hơn.

Nhà giáo ưu tú cho rằng thời gian 17 năm dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật còn ngắn ngủi quá. Tuy vậy, bà Nam cũng rất bất ngờ vì công việc thầm lặng của mình được xã hội vinh danh.

“Đó là niềm an ủi, động viên chứ khen “thành tích” tôi lại không vui. Dẫu sao, Cuối đời mình cũng được ghi nhận là người có ích cho cộng đồng”, bà Nam chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN