Dừng đề án 322 vì hết... kinh phí

11h ngày 21/5, hàng loạt ứng viên học bổng 322 trúng tuyển có nguy cơ....dừng học đã có buổi đối thoại trực tiếp với Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Vang. Buổi đối thoại kéo dài gần 2 giờ với lời hứa "Có việc này là do nguồn kinh phí của nhà nước có khó khăn. Hướng giải quyết đã được lãnh đạo Bộ ký gửi Chính phủ xem xét..."

Hết kinh phí

Theo Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Vang, đối với những ứng viên trúng tuyển nhưng chưa đi học Bộ đã trình phương án để Chính phủ xem xét.

Ngoài 2 phương án đã thông báo còn phương án nữa là ngày 10/5 vừa rồi, Bộ GD-ĐT tiếp tục trình Chính phủ xin chuyển nốt 463 tiến sĩ sang đề án 911. Như vậy, đề án 322 vẫn còn 463 chỉ tiêu nữa để cử nốt những người đã trúng tuyển đi học năm 2012 và tuyển mới số đoạt giải olympic quốc tế và điểm cao thi ĐH năm nay. Chúng tôi chưa muốn đưa thông tin này ra bởi vô hình chung lại ép Chính phủ, bởi Bộ đã 2 lần trình lên.

Hiện nay đang chờ Chính phủ xem xét tiếp cho những người đi học. Những người đang vướng chủ yếu là ứng viên cử đi học ĐH và học bổng thạc sĩ chỉ muộn thôi. Sang năm mới có tiền.

Đến nay, đề án 322 đã dùng tương đối nhiều tiền của Chính phủ rồi. Dù chúng tôi đã cố gắng đàm phán các trường nước ngoài, tiết kiệm chi phí cho nhà nước.

Tại sao vượt chỉ tiêu, khi thông báo tuyển sinh đã tính tới gói đề án 911, đề án đào tạo tiến sĩ tăng cường giảng viên cho khối ĐH, nên thời gian vừa rồi số lượng tiến sĩ tăng để chuyển sang 911. Vì tăng số lượng giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài nên chỉ tiêu mới tăng như vậy.

Tại cuộc họp tổng kết 322 chúng tôi xin kéo dài 322 cho năm nay nhưng Chính phủ không chấp nhận, yêu cầu kết thúc và làm đề án mới. Tháng 12/2011 có văn bản trình lên, 6/3 và 10/5 lại có văn bản trình nữa. Nên khi có ý kiến của Chính phủ - nếu Chính phủ đồng ý với ý kiến của bộ thì mọi vấn đề bức xúc sẽ được giải quyết.

Phụ huynh bức xúc

Đại diện cho nhóm ứng viên trúng tuyển đi học ĐH ở nước ngoài theo Đề án 322, phụ huynh của học viên Ngô Mai Hạnh nêu ý kiến, các ứng viên trúng tuyển đi học ĐH đã đáp ứng các tiêu chí tuyển chọn. Nhà nước đầu tư học bổng căn cứ theo chỉ tiêu. Gia đình đã đầu tư toàn bộ công sức, tiền của 2 năm đi học ngoại ngữ mà đột ngột nhận thông báo "thay đổi nguyện vọng" nên phụ huynh rất bất ngờ. Mặc dù có hướng giải quyết nhưng cách giải quyết theo hai hướng đưa ra không khác đánh đố vì không được đi học đúng nguyện vọng.

Dừng đề án 322 vì hết... kinh phí - 1

Ứng viên đặt câu hỏi với Cục trưởng (Ảnh K.O)

Ý kiến khác đặt vấn đề, một đề án được nghiên cứu kỹ và Bộ GD-ĐT được giao hướng dẫn lập hồ sơ, chỉ tiêu khớp với kinh phí nhà nước giao. Vậy tại sao lại có thể tuyển vượt 598 người? Số tuyển vượt đều là tiến sĩ thì tại sao lại ảnh hưởng đến việc đi học ĐH của các ứng viên?

Ứng viên Ngô Thị Hồng Nhung trúng tuyển thạc sĩ năm 2011 cho biết, đến nay, nhiều người trong nhóm trúng tuyển đi học thạc sĩ tại Pháp theo đề án 322 đã được cơ sở ở nước ngoài chấp nhận, thậm chí đã chuẩn bị nhà ở...thì nay nhận quyết định dừng giải quyết thủ tục cho ứng viên học bổng 322 chúng tôi thấy không thỏa đáng?

Về các ý kiến phụ huynh nêu Cục trưởng Nguyễn Xuân Vang giải đáp: theo quy định ứng viên ĐH có 6 đối tượng trúng tuyển. Đề án 322 chỉ bao cấp được đối tượng 1, 2 và 3 - đó là những ứng viên xuất sắc đoạt giải olympic quốc tế, thủ khoa đại học và đứng đầu thi tốt nghiệp THPT toàn quốc. Các đối tượng thuộc diện 4 (dân tộc), 5 (con em thương binh), 6 (vùng sâu vùng xa) diện chính sách đi theo đề án xử lý nợ với Liên Bang Nga.

Diện chưa đi chủ yếu thuộc đối tượng 4, 5, 6. Còn đối tượng 1 chưa đi chỉ có 6 người, đối tượng 2 có 2 người và đối tượng 3 có 1 người.

Việc này không ai muốn vì nhà nước, Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT đã có tờ trình Chính phủ xem xét giải quyết cho những người trúng tuyển năm 2010 và 2011 đi học. Đề án mới - tương tự như đề án 322 cũng đã có vấn đề là chúng ta đi "chuyến xe này" hay đi "chuyến xe sau".

Nếu đi "chuyến xe này" đi trong năm 2012 thì phải thay đổi nguyện vọng - chấp nhận đi học các học bổng theo hiệp định. Còn nếu đi đúng ngành học, nước học thì phải chờ ý kiến của Chính phủ.

Có việc này là do nguồn kinh phí của nhà nước có khó khăn chứ không phải chúng tôi tự ý làm. Hướng giải quyết đã được lãnh đạo Bộ ký gửi Chính phủ xem xét giải quyết sớm cho những ứng viên trúng tuyển nhưng chưa đi học.

Với những ứng viên chuyển nguyện vọng khác gửi email cho Cục để có cơ sở báo cáo Bộ để xử lý. Việc chuyển nguyện vọng nhà nước vẫn cấp kinh phí cho các ứng viên đi học ngay trong năm 2012. Còn với những ứng viên có nguyện vọng đi học nước ngoài thì chúng tôi cũng sẽ tập hợp để xem xét đưa đi học trong năm tới.

Ý kiến phải gửi về Cục đào tạo với nước ngoài trước 1/6.

Muốn đi học đúng nguyện vọng?

Số đông ứng viên trúng tuyển ĐH và thạc sĩ đi học nước ngoài theo đề án 322 vẫn chưa thỏa mãn với những giải đáp của Cục trưởng. Nguyện vọng duy nhất là họ đều muốn đi học đúng ngành và nước đăng ký. Còn nếu đợi thì đợi đến khi nào?

Dừng đề án 322 vì hết... kinh phí - 2

Hầu hết ứng viên đều muốn được xử lý đi học đúng hạn (K.O)

Theo ông Vang: "Bộ GD-ĐT đã và đang làm hết sức, không vô cảm với bức xúc của ứng viên. Chúng tôi đã có tờ trình gửi Chính phủ xem xét, nếu được các ứng viên sẽ đi đúng lịch trình. Đừng nghĩ chúng tôi không đứng về phía các bạn. Nếu không vì các ứng viên thì nhận 1 tin nhắn gửi tối qua (20/5) tôi đã không gặp và đối thoại với các bạn..."

Tuy nhiên, kết thúc buổi đối thoại, nhiều ứng viên vẫn chưa cảm thấy được giải đáp thỏa đáng. Bởi "phải chờ đến bao giờ?" thì vẫn chưa nhận được câu trả lời chính xác từ phía Cục trưởng. Hầu hết các ý kiến đều mong muốn Chính phủ kéo dài thêm thời gian thực hiện Đề án 322 và sớm giải quyết cho các ứng viên đi học đúng nguyện vọng.

Một học viên băn khoăn, theo công văn do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký gửi các ứng viên yêu cầu, phải đăng ký trước 1/6 nếu không thì không có nhu cầu đi học nữa. Với ứng viên là thạc sĩ, tiến sĩ trong thời gian chờ còn có thể quan về cơ quan làm việc, còn chúng em không đi được đúng hạn, đúng ngành và nước theo học thì coi như không đi được. Mà ĐH không đi được thì phải quay lại ĐH trong nước học từ năm thứ nhất, coi như phí hai năm "tu luyện"....

Đề án 322 phê duyệt từ năm 2000, giai đoạn một 2000-2005, giai đoạn 2006-2010, và kết thúc vào năm 2014.

Đề án 322 giai đoạn 2 theo quyết định 356 cử tổng số 2000 người đi học. Đến hết 2011 có 2598 người cử đi học. Theo nghị định Chính phủ, Bộ Tài chính dứt khoát chỉ có 2.000 chỉ tiêu đi. Chính vì thế, Bộ đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2011 và tháng 3/2012 xin chuyển toàn bộ giảng viên đi học tiến sĩ theo đề án 322 trong hai năm 2010 và 2011 là 1061 người chuyển sang Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 (đề án 911), để đề án 322 còn chỉ tiêu cho số ứng viên đã trúng tuyển 2010 và 2011 đi học năm 2012.

Căn cứ vào số liệu của Bộ GD-ĐT gửi lên, Chính phủ chỉ cho chuyển số dư ra so đề án 322 là 598 sang đề án 911.

Như vậy đề án 322 hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh và Bộ GD-ĐT xây đề án mới trình Chính phủ thay thế đề án 322, hiện đã xây dựng hòm hòm tháng 6 này trình lên trong đó có đối tượng tương tự như 322.

Tra TỈ LỆ CHỌI của Đại Học – Cao Đẳng 2012. Nhanh Nhất – Chính Xác Nhất!
Soạn tin: CHOI MãTrường Năm gửi đến 8502

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiều Oanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN