Du học sinh Việt chỉ ra bí quyết để sánh vai với sinh viên quốc tế
"Em nghĩ sinh viên Việt Nam hãy cứ là chính mình, cùng với sự tự tin về bản thân và sự cố gắng cải thiện không ngừng nghỉ thì việc sánh vai cùng sinh viên quốc tế là hoàn toàn có thể", một du học sinh Việt cho hay.
Qua buổi trò chuyện cùng PV báo Infonet, em Vũ Khánh Vân (SN 1996), sinh viên trường Đại học Ứng dụng Laurea (Phần Lan) chuyên ngành Quản trị kinh doanh, đã chỉ ra bí quyết để sinh viên Việt có thể sánh vai với sinh viên quốc tế.
Em Vũ Khánh Vân sinh viên trường Đại học Ứng dụng Laurea (Phần Lan) cùng mẹ mình
Được biết, em là một trong số du học sinh khá xuất sắc tại Phần Lan. Em có thể chia sẻ những khó khăn mà sinh viên Việt Nam vấp phải khi sang học tại Phần Lan là gì?
Trong những năm gần đây, Phần Lan đã trở thành một điểm đến du học phổ biến đối với học sinh Việt Nam. Thời gian đầu khi sang học tại đây, bản thân em nói riêng và các bạn du học sinh khác nói chung đều có những khó khăn nhất định.
Khó khăn đầu tiên là việc tìm nhà thuê cho sinh viên. Lí do là vì cùng một đợt tuyển có hàng ngàn du học sinh đến Phần Lan dẫn đến nhu cầu về nhà ở cho sinh viên tăng cao, công ty nhà ở khó có thể cung cấp cho tất cả sinh viên một chỗ ở ngay lập tức. Nếu đăng kí luyện thi đi du học Phần Lan qua các trung tâm thì khả năng có nhà ở sẽ cao hơn.
Khó khăn tiếp theo em nghĩ chính là giao tiếp. Mặc dù ngôn ngữ chính tại Phần Lan là tiếng Phần Lan nhưng 90% người dân ở đây có thể giao tiếp bằng tiếng Anh trôi chảy. Sinh viên Việt Nam tuy có thế mạnh về mặt ngữ pháp nhưng xét về khía cạnh giao tiếp thì lại hơi kém hơn các bạn du học sinh ở các nước khác.
Một khó khăn nữa khá phổ biến đối với sinh viên Việt Nam tại Phần Lan là nhiều bạn lúc mới sang phải trải qua cú sốc văn hóa khá lớn. Bản thân em khi mới sang cũng mất tầm một tháng để làm quen với cuộc sống và môi trường mới, vì ở đây thật sự khác Việt Nam rất nhiều và cũng vì em chưa có cơ hội đi nước ngoài nhiều để tích lũy kinh nghiệm.
Em đã có bước chuẩn bị về mặt ngôn ngữ thế nào trước khi đi du học? Theo em, tiếng Anh đóng vai trò thế nào đối với thế hệ trẻ?
Thực ra em đã ấp ủ dự định đi du học từ những năm cấp 3, tuy nhiên em đã quyết định học 1 năm ở Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ - (Đại học Quốc gia Hà Nội) để củng cố khả năng tiếng Anh của mình hơn trước khi chính thức nộp đơn đi du học.
Về quá trình học, thật sự em rất tiếc khi bắt đầu học tiếng Anh muộn hơn so với các bạn khác. Cho đến năm lớp 8, em chỉ đơn thuần học Tiếng Anh trên lớp và không hề học hay tìm hiểu thêm về môn ngoại ngữ này.
Cho đến năm lớp 8, với mong muốn thi vào trường Chuyên Ngoại ngữ, em bắt đầu tìm lớp học thêm tiếng Anh. Và đó cũng là lúc em gặp thầy Đỗ Minh Trung. Thực sự em rất biêt ơn thầy trong suốt 5 năm đã góp phần rất lớn giúp em từ một đứa học sinh gần như không biết gì về tiếng Anh trở thành một du học sinh thành công như bây giờ.
Trong suốt quá trình đó, thực sự đã có lúc em phải học 2 lớp cùng 1 lúc để có thể theo kịp các bạn. Thời gian đó em rất nản khi nhìn thấy khoảng cách quá xa giữa mình và các bạn cùng lớp. Thầy Trung với phương pháp dạy hiệu quả và sáng tạo đã giúp em vượt qua giai đoạn đó và ngày càng tự tin hơn với khả năng Tiếng Anh của mình.
Đối với thế hệ trẻ ngày nay, em nghĩ tiếng Anh đã trở thành một kĩ năng không thể thiếu. Đó là chìa khóa để các em có thể tìm đến những cơ hội phát triển bản thân cả trong và ngoài nước, là điều kiện cơ bản để trở thành 1 công dân toàn cầu.
Em có thể chia sẻ một số kinh nghiệm dành học bổng? Theo em, để có những học bổng giá trị, sinh viên Việt cần làm gì?
Thực sự em không có nhiều kinh nghiệm dành học bổng vì kì thi đầu vào của các trường đại học bên Phần Lan khác với những học bổng của Mĩ hay Úc. Tuy nhiên cho dù là dạng học bổng nào thì theo quan điểm của em, điều cần thiết vẫn chính là phải chuẩn bị cho mình trước hết là kĩ năng tiếng Anh khá giỏi, cả về mặt ngữ pháp lẫn giao tiếp.
Bên cạnh đó, các bạn sinh viên Việt Nam cần phải xác định rõ mình muốn học cái gì và mục tiêu học bổng của mình là gì. Khi đó các bạn mới có thể tập trung hoàn toàn vào việc chinh phục mục tiêu đó, lần lượt bồi đắp kĩ năng để đáp ứng các tiêu chuẩn được đưa ra.
Dự định trong tương lai của em là gì?
Hiện tại em đang tìm cho mình công ty phù hợp để bắt đầu kì thực tập vào mùa thu năm nay. Về kế hoạch dài hơn thì có lẽ sau khi tốt nghiệp, em sẽ về Việt Nam một thời gian để dành thời gian cho gia đình cũng như chuẩn bị cho con đường sự nghiệp sắp tới. Sau đó nếu em tìm được cơ hội làm việc phù hợp và đúng với niềm đam mê của em, em sẵn sàng ở lại.
Nhiều người nói sinh viên Việt Nam giỏi học lý thuyết nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng thực tế? Qua quá trình học 2 năm tại Phần Lan em suy nghĩ gì về điều đó? Theo em, sinh viên Việt cần có những tố chất gì để có thể sánh vai cùng sinh viên nhiều quốc gia khác?
Em đồng ý một phần với nhận định trên. Khi ra nước ngoài và được tiếp xúc với các bạn học quốc tế, em nhận ra phần lớn sinh viên Việt Nam thiếu sót kĩ năng thực tế khi bàn luận về những vấn đề xã hội hay chính trị, khi tham gia những cuộc tranh luận hay các buổi thuyết trình…
Tuy nhiên thế hệ bọn em bây giờ phần nào cũng đã nhận thức được thiếu sót đó nên ngày càng có những bạn trẻ có kĩ năng đáng nể ở cả 2 mảng lí thuyết và thực tế.
Nói về mặt tố chất thì học sinh mỗi quốc gia đều có những sở trường và điểm mạnh riêng. Em nghĩ sinh viên Việt Nam hãy cứ là chính mình, cùng với sự tự tin về bản thân và sự cố gắng cải thiện không ngừng nghỉ thì việc sánh vai cùng sinh viên quốc tế là hoàn toàn có thể.
Cảm ơn em. Chúc em tìm được công việc mình mong muốn trong thời gian tới!