Điểm chuẩn ĐH sẽ cao hơn năm trước
Đề thi khối B, C, D ở đợt 2 kỳ thi ĐH-CĐ 2012 tiếp tục được đánh giá nhẹ nhàng, vừa sức với thí sinh nên ngay sau khi kết thúc đợt thi thứ hai, nhiều trường ĐH đã đưa ra dự kiến điểm chuẩn.
Kết thúc giờ thi môn hóa khối B, tại điểm thi Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) thuộc hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhiều thí sinh rời trường thi với gương mặt tươi tắn, thoải mái. Nhiều thí sinh cho biết làm bài môn hóa khá tốt.
Khối B tăng
Thí sinh Trần Ngọc Anh Khoa (Quảng Nam), học sinh chuyên hóa, dự thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhận định: “Em thấy đề hóa như vậy vừa phải, dễ hơn cả khối A, nhất là các câu lý thuyết tương đối dễ. Trong 50 câu của đề thi em làm được hầu hết, chỉ ba câu không tự tin lắm. Em dự đoán có thể đạt được trên 8 điểm môn hóa”.
PGS.TS Lý Văn Xuân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, dự báo điểm chuẩn trúng tuyển hầu hết các ngành của trường này năm nay không thấp hơn năm 2011. “Một số người cho rằng đề thi khối B năm nay có dễ hơn nhưng qua quan sát của chúng tôi, phần lớn thí sinh làm bài cũng đạt mức độ như năm trước. Năm nay số thí sinh đăng ký dự thi vào trường giảm 2.000, đồng thời chỉ tiêu của trường cũng giảm 150 nhưng tỉ lệ dự thi cao hơn năm ngoái 0,5%” - ông Xuân cho biết.
TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho biết theo nhận định của các chuyên gia, đề thi khối B năm nay dễ hơn năm trước. Vì vậy khả năng phổ điểm của thí sinh có thể tăng nhẹ và điểm chuẩn các ngành tuyển sinh khối B của trường sẽ nhích lên một chút. Đối với các ngành tuyển khối B của trường này có điểm chuẩn cao trong năm qua như công nghệ sinh học với số thí sinh dự thi vẫn tăng nhẹ. Như vậy khả năng điểm chuẩn ngành này dự báo sẽ tăng với mức không thấp hơn 20 điểm. Ngành công nghệ môi trường có số thí sinh dự thi giảm 1/4, do đó điểm chuẩn sẽ xấp xỉ năm trước là 19 điểm. Trong khi ngành khoa học môi trường số thí sinh cũng tăng, nên dự kiến điểm chuẩn ngành này cao hơn mức điểm của năm ngoái là 17,5 điểm.
Tăng 0,5-1 điểm
Theo ThS Hứa Minh Tuấn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing, khả năng điểm sàn khối D1 năm nay sẽ nhích lên một chút. “Tình hình thí sinh làm bài môn văn khá tốt, đề toán không quá khó, môn tiếng Anh cũng nhẹ nhàng. Vì thế điểm sàn khối D1 nhiều khả năng sẽ tăng lên 1 điểm. Riêng điểm chuẩn các ngành tuyển khối D1 của trường chúng tôi sẽ tăng 0,5-1 điểm” - ông Tuấn nói.
Trong khi đó ông Phạm Thái Sơn - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết đề thi khối B năm nay chỉ dài một chút nhưng lại không quá khó. Qua tham khảo tình hình làm bài của thí sinh dự thi khối B, D1 vào trường tương đối tốt. Trong đợt 2 số thí sinh khối B của trường bỏ thi rất ít, trong khi khối D1 không có thí sinh nào bỏ thi.
Do đó ông Sơn dự báo điểm chuẩn các ngành khối B của trường có thể cao hơn năm ngoái 0,5 điểm. Riêng các ngành tuyển khối D1 sẽ có điểm chuẩn tương đương năm ngoái. “Với mức độ đề thi như vậy, phổ điểm khối B của trường năm nay sẽ ở mức 15 điểm, khối D1 khoảng 14 điểm” - ông Sơn dự báo.
Điểm chuẩn tăng ở trường “tốp giữa”
Theo ông Phạm Văn Điển - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Lâm nghiệp, ngay tại thời điểm hiện tại cũng có thể xác định điểm chuẩn vào các ngành của trường năm 2012 có thể tăng hơn một chút so với năm trước. Năm 2011, điểm chuẩn xét tuyển vào trường phân theo các ngành dao động 13-18 điểm. Tuy nhiên, ông Điển cũng xác định nhà trường sẽ dành đến 40% chỉ tiêu để tuyển nguyện vọng 2.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điều dưỡng Nam Định - khẳng định căn cứ vào đề thi tỉ lệ “chọi” giữa số dự thi thực tế và chỉ tiêu của trường khoảng 1:10, điểm chuẩn vào trường năm nay có thể tăng từ 17 điểm năm 2011 lên 17,5-18 điểm.
“Năm nay bộ cho phép các trường được linh hoạt xét tuyển, xét tuyển nhiều đợt, nên trường dự kiến sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh. Năm 2011 trường dành 20% chỉ tiêu để tuyển nguyện vọng 2 vì không thể hạ điểm chuẩn, hạ xuống một chút cũng sẽ bị thừa chỉ tiêu. Năm nay trường dự kiến chỉ lấy thí sinh của nguyện vọng 1 vì bộ cho phép các trường chủ động gọi thí sinh trúng tuyển cho đến khi đủ chỉ tiêu thì thôi” - ông Tùng cho biết.
Tại Trường ĐH Hà Nội, hội đồng thi của trường cho biết việc xác định điểm chuẩn sẽ có những biến động theo từng ngành, phụ thuộc sự chọn lựa của thí sinh. Theo ông Lê Quốc Hạnh - trưởng phòng đào tạo nhà trường, thí sinh thi vào trường thường căn cứ điểm xét tuyển của năm trước, điểm chuẩn năm trước cao thì “né”, điểm chuẩn năm trước thấp thì số dự thi năm sau lại tăng.
“Đó là lý do khiến việc xét điểm chuẩn các ngành thi tuyển khối D trong đợt 2 cũng như khối A trong đợt 1 của trường phụ thuộc từng ngành, vào sự “quan tâm” cụ thể của thí sinh. Chẳng hạn ngành công nghệ thông tin bằng tiếng Anh năm ngoái điểm chuẩn thấp thì năm nay số dự thi tăng gấp bốn lần khiến điểm chuẩn dự kiến tăng 1-2 điểm với khối D và tăng khoảng 3 điểm với khối A” - ông Hạnh nói.
Cũng theo quy luật này, ông Hạnh dự kiến ngành tiếng Anh điểm chuẩn sẽ thấp hơn do năm ngoái điểm đầu vào cao đến 27 điểm, trong khi các ngành tiếng Nhật, tiếng Ý, tiếng Trung điểm chuẩn sẽ cao hơn năm ngoái.
“Tốp trên” không biến động nhiều Điểm chuẩn của nhiều trường được xác định sẽ tăng theo xu hướng đề thi được ra vừa sức, song ở một số trường vốn có điểm chuẩn cao, hội đồng tuyển sinh lại cho rằng điểm thi sẽ không có nhiều biến động. Ông Tô Ngọc Hưng, giám đốc Học viện Ngân hàng, xác nhận: “Đề thi được đánh giá nhẹ nhàng, nhưng là nhẹ nhàng để giành điểm trung bình, chứ để đạt điểm 7-8 trở lên thí sinh vẫn phải căn cứ vào sức học thật sự của mình do đề phân loại rất tốt. Như vậy, nếu điểm chuẩn trước nay sàn sàn 14-15 thì có thể nâng lên cao hơn, chứ với trường, với ngành có điểm chuẩn cao chắc sẽ không có biến động lớn”. |