Đề thi lớp 10 ra theo hướng đổi mới

Cả 3 môn toán, văn, ngoại ngữ trong kỳ thi vào lớp 10 sẽ được ra theo hướng đổi mới, giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đề thi lớp 10 ra theo hướng đổi mới - 1

Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Tố, TP HCM đang ôn thi cho kỳ thi lớp 10. Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết trong kỳ thi lớp 10 năm học 2016-2017, toàn TP HCM có 68.932 thí sinh dự thi, với 123 hội đồng thi. Trong đó có 113 hội đồng thi vào lớp 10 thường và 10 hội đồng thi vào lớp 10 chuyên, hiện công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất.

Trễ 15 phút sẽ không được dự thi

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, lưu ý những điểm quan trọng của kỳ thi mà thí sinh không nên bỏ qua, như môn thi đầu tiên, thí sinh phải có mặt lúc 6 giờ 30 phút để làm lễ khai mạc, các môn sau, thí sinh chỉ cần có mặt trước giờ làm bài 30 phút. Thí sinh đi trễ quá 15 phút tính từ thời điểm làm bài sẽ không được dự thi.

Kỳ thi lớp 10 năm nay tại TP HCM diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-6. Sáng 11, thí sinh sẽ dự thi môn văn, chiều thi môn ngoại ngữ. Sáng 12-6 sẽ dự thi môn toán. Đối với học sinh thi chuyên, lịch thi cũng như lớp 10 thường, riêng chiều 12-6 sẽ thi thêm môn chuyên đã đăng ký. Thời gian làm bài 2 môn toán và ngữ văn là 120 phút, môn ngoại ngữ là 60 phút. Với thí sinh thi chuyên, thời gian làm bài môn hóa học và ngoại ngữ là 120 phút, các môn còn lại là 150 phút.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, đề thi năm nay sẽ tiếp tục được ra theo hướng đổi mới, kể cả 3 môn. Chủ trương ra đề thi môn tiếng Anh trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay nghiêng về khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh trong thực tiễn. Với môn toán, yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn.

Với môn văn, đề thi sẽ đánh giá đúng tư duy, năng lực của học sinh. Phần đọc - hiểu (3 điểm) yêu cầu trả lời các câu hỏi tự luận ngắn về văn bản đã học trong sách giáo khoa hoặc văn bản ngoài sách giáo khoa có chủ đề tương tự, phù hợp; trả lời các câu hỏi tự luận ngắn về tiếng Việt; giải bài tập tiếng Việt theo yêu cầu. Phần đọc - hiểu cũng có thể yêu cầu học sinh tìm, đặt một nhan đề mới; hoàn thành văn bản với một kết thúc mới; sáng tạo cách dùng từ, đặt câu mới; đề ra phương pháp, cách đọc hiểu và vận dụng kiến thức mới.

Ở phần tạo lập văn bản (7 điểm, trong đó nghị luận xã hội 3 điểm và nghị luận văn học 4 điểm), hình thức nội dung, đánh giá của phần này là viết bài nghị luận xã hội ngắn về một tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng đời sống gần gũi, phù hợp với lứa tuổi; viết bài nghị luận văn học về văn bản thơ hoặc truyện đã học trong chương trình ngữ văn 9. Từ đó, có những yêu cầu vận dụng cao như: So sánh, liên hệ với văn bản trong và ngoài sách giáo khoa có chủ đề, thể loại tương tự; rút ra các vấn đề mang tính khái quát về nội dung và hình thức văn học; vận dụng kiến thức để giải quyết một tình huống cụ thể trong đời sống...

Công bố điểm hệ chuyên trước

Ngày 3-6, hơn 5.000 thí sinh đã dự thi vào Trường THPT chuyên - ĐH Sư phạm Hà Nội. Cho đoạn trích khoảng 10 câu trong tác phẩm “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân, đề văn của trường yêu cầu thí sinh viết suy nghĩ về việc nhiều bạn trẻ sa vào sống ảo, ham mê Facebook mà quên mất cuộc đời thực. Theo ý kiến của nhiều thầy cô giáo dạy văn thì đây là đề thi hay, học sinh dễ dàng kiếm 6-7 điểm mà không phải là học sinh giỏi văn. Trên thực tế có rất nhiều em nghiện mạng ảo này, đây chính là cơ hội để các em được trình bày quan điểm, suy nghĩ của mình về một vấn đề hết sức gần gũi với các em.

Ngày 8-6, hơn 81.000 học sinh lớp 9 của Hà Nội sẽ chính thức bước vào cuộc thi tuyển sinh lớp 10 THPT. Học sinh đăng ký vào lớp 10 chuyên sẽ thi thêm các môn chuyên và môn ngoại ngữ trong 2 ngày tiếp theo là 9-6, buổi sáng thi môn ngoại ngữ không chuyên; buổi chiều và sáng 10-6 thi các môn chuyên theo lịch. Do kỳ thi mang tính cạnh tranh cao, nhiều trường THCS ở Hà Nội vẫn tổ chức ôn tập cho học sinh đến phút chót với hy vọng đạt kết quả cao nhất.

Dù khá mệt mỏi do thời tiết nắng nóng tới 40 độ C nhưng vì lo cho kết quả kỳ thi sắp tới nên cả thầy và trò một trường THCS đóng tại quận Đống Đa đều ôn tập liên tục từ thứ hai đến thứ bảy, mỗi ngày 2 tiết toán, 2 tiết ngữ văn. Học sinh trường này còn phải trải qua ít nhất 3 kỳ thi thử để làm quen với kỳ thi nhiều áp lực sắp diễn ra. Năm nay, Hà Nội chỉ đáp ứng hơn 60% thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 được vào trường công lập nên kỳ thi gây áp lực tâm lý khá lớn với học sinh, phụ huynh và cả thầy cô bậc THCS.

Theo ông Ngô Văn Chất, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hà Nội, điểm mới trong tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016-2017 là Sở GD-ĐT Hà Nội quyết định công bố điểm thi, điểm chuẩn ở các trường THPT chuyên trên địa bàn TP Hà Nội cùng một ngày, thí sinh sẽ tập trung đăng ký vào khối chuyên trước. Khối không chuyên công bố điểm chuẩn sau, tránh phải điều chỉnh điểm chuẩn nhiều lần do học sinh thay đổi nguyện vọng.

Ôn thi nước rút

Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm này, nhiều trường THCS tại TP HCM vẫn tổ chức ôn thi cho học sinh đến phút chót. Chị Đỗ Phượng, có con học tại Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, cho biết năm nay con chị dự thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Gia Định, hiện đang ôn cả 3 môn tại trường, môn toán đến ngày 7-6 sẽ kết thúc. Riêng 2 môn còn lại, giáo viên chưa thông báo nghỉ. Ngoài học thêm tại trường, với môn tiếng Anh, chị còn cho con học thêm với một giảng viên tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM.

Phó hiệu trưởng một trường THCS tại quận 10 cho biết do đối tượng học sinh của trường khá đồng đều nên trường tổ chức ôn thi tập trung cho các em. Trường cũng không bắt buộc học sinh phải ôn thi ngay tại trường mà tùy theo nguyện vọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh - Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN