Đề thi đại học có nhiều câu "lạ"

Theo một số giảng viên, giáo viên, đề thi ĐH môn toán và vật lý năm nay tương đương năm 2011, một số câu có phần nhẹ hơn.

Tuy nhiên, một số nội dung ít được ra thi ĐH trước đây thì năm nay đã được đưa vào đề thi khiến thí sinh bỡ ngỡ. Trong khi đó, câu số 6 của đề toán được đánh giá là quá khó.

Theo TS Nguyễn Viết Đông - khoa toán tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đề thi ĐH môn toán bám sát chương trình sách giáo khoa, đảm bảo tính chất phân loại học sinh trong kỳ thi tuyển sinh. Độ khó tương đương đề thi năm 2011. Học sinh học lực trung bình có thể làm được câu 1, câu 2, câu 4 và câu 8. Câu 7 không khó nhưng nằm trong chương trình lớp 10 nên các em học khá trở lên mới có thể làm được. Câu 9a là câu không khó, tuy nhiên nội dung nằm trong chương trình lớp 11 và từ năm 2009 đến nay đề thi ĐH không có dạng này nên có thể gây bất ngờ cho các em vừa thi tốt nghiệp THPT. Đề thi có hai câu mang tính chất phân loại là câu 3, đặc biệt câu 6 rất khó. Với đề thi này, phổ điểm tập trung ở mức 4-6 điểm.

Môn toán: nhiều câu “lạ” và khó

ThS Phan Thiện Danh - khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nhận định: câu 9a phần tự chọn của chương trình chuẩn gây bất ngờ và khó khăn cho phần lớn thí sinh. Mặc dù đề thi câu này không khó nhưng kiến thức lại nằm ở chương trình lớp 11 nên nhiều học sinh chủ quan, bỏ qua phần này.

Vì phần tự chọn của chương trình chuẩn có phần “lạ” nên khó hơn chương trình nâng cao. Và để tránh câu 9a, nhiều thí sinh có thể sẽ chọn làm phần nâng cao. Nội dung phần nâng cao cũng không quá khó. Đặc biệt, đề thi năm nay có một câu cực khó là câu 6. Để làm được câu này, thí sinh phải thật xuất sắc. “Học sinh thi tốt nghiệp THPT đạt 8, 9 điểm mới mong đạt được điểm 4, 5 ở đề thi ĐH năm nay. Những câu tương đối đơn giản thí sinh dễ lấy điểm là câu 1, câu 4 và câu 9b. Phổ điểm tập trung chủ yếu ở mức 4 điểm” - thầy Danh nói thêm.

Trong khi đó, TS Nguyễn Cam, khoa toán Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Đa số các câu hỏi đều phù hợp với tính chất của kỳ thi tuyển sinh. Thế nhưng, riêng câu số 6 là dạng toán lạ, những thí sinh có trình độ nhưng nếu không luyện thi, chưa từng giải dạng bài này rất dễ... chào thua. Đây không hẳn là câu đánh đố nhưng thí sinh phải dùng mẹo thuật để giải”. TS Nguyễn Cam lập luận: “Kỳ thi tuyển sinh nhằm tìm người có năng lực toán để học ĐH, thế nhưng không cần thiết phải ra đề dạng như câu 6 vì nó không đòi hỏi học sinh có năng lực suy luận tốt mà lại đòi hỏi biết mẹo thuật. Đương nhiên, đề thi tuyển sinh thì phải phân loại thí sinh nhưng cách phân tầng như câu 6 là chưa thuyết phục. Tôi cho rằng sẽ có nhiều điểm 7, 8, 9 nhưng 10 điểm sẽ rất ít”.

Môn vật lý: khó đạt điểm cao

ThS Nguyễn Hữu Lộc - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết đề thi năm nay về độ khó có phần tương đương năm trước nhưng khá hay. Một số câu khó tập trung vào phần cơ và điện. Học sinh phải học kỹ lý thuyết và rèn luyện nhiều kỹ năng tính toán, nhiều dạng bài tập mới có thể làm tốt được bài thi. Phần lý thuyết có khoảng 12 câu và khá nhẹ nhàng, trong khi phần bài tập khó hơn nhiều. Hầu hết bài tập phần cơ học đều phải trải qua hai, ba bước trở lên mới ra được kết quả. Trong số này có một số câu khá khó như câu 1, 12, rất dễ khiến thí sinh hiểu nhầm đề và dẫn đến sai kết quả. Đặc biệt đề thi năm nay có phần nội dung về tụ xoay, góc xoay. Nội dung này đã không ra trong đề thi ĐH cả chục năm nay nên thí sinh thường sẽ chủ quan và bỏ qua hoặc chỉ học sơ sài nên cũng khó làm được. Với đề thi này, học sinh giỏi kèm với việc rèn luyện nhiều phần bài tập thì có thể đạt 9 điểm, học sinh khá đạt 6 điểm. Do phần lý thuyết tương đối dễ nên học sinh nắm vững lý thuyết cũng có thể đạt điểm 3, 4.

Tương tự, Th.S Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo ĐH Sài Gòn - cho rằng đề thi môn vật lý năm nay có độ dài và khó tương đương đề thi năm 2011. Ngoài ra, đề thi còn có một số câu hỏi hay yêu cầu thí sinh phải tư duy tốt, biết suy luận và thuộc diện thông minh mới giải được. Đây là đề thi đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng tính toán nhanh và chính xác. Tóm lại, thí sinh sẽ rất khó đạt điểm 10.

Thí sinh than đề khó

Kết thúc ngày thi đầu tiên, nhiều thí sinh than thở đề thi tuyển sinh ĐH “khó xơi”. Tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), bạn Lê Văn Thắng (Trường THPT Phan Thanh Giản, huyện Ba Tri, Bến Tre) đánh giá: “Đề lý năm nay khó, đặc biệt là phần điện xoay chiều. Các câu hỏi phần quang, cơ tương đối dễ chịu, nhưng nếu tính toán không cẩn thận sẽ dễ sai sót”. Tại hội đồng thi Trường THPT Diên Hồng (Q.10), các thí sinh dự thi vào Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) than đề khó, các câu hỏi lý thuyết thường định tính, giải thích, ai nắm chắc kiến thức mới có thể làm được. Cũng như bạn Lê Văn Thắng, nhiều thí sinh tại hội đồng này đánh giá những câu hỏi phần điện hơi khó, đặc biệt là điện xoay chiều.

Tương tự, nhiều thí sinh cho biết không làm hết đề thi môn toán. Thí sinh dự thi ở nhiều trường ĐH trong cả nước khi được hỏi đều lắc đầu than đề khó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.Giảng - H.Hương ([Tên nguồn])
Đáp án, đề thi đại học cao đẳng 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN