Đề án đổi mới SGK gần 35 nghìn tỷ đồng: Bộ GD nói gì?

Bộ GD&ĐT cho biết, con số 34.275 tỷ đồng dự trù cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 thì chỉ có khoảng 5.000 tỷ đồng dành cho việc đổi mới sách, còn lại 29.000 tỷ để đào tạo đội ngũ giáo viên và khoảng 8 hạng mục khác nằm trong đề án.

Trong cuộc họp báo chiều ngày 15/4 tại Bộ GD&ĐT, ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, những ai đang hiểu về đề án đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 hết trên 34.275 tỷ đồng là chưa đúng.

Trong đề án, số tiền dành cho việc đổi mới sách chỉ có khoảng 5.000 tỷ đồng. Còn lại 29.000 tỷ dành cho việc đào tạo đội ngũ giáo viên và 8 hạng mục khác nằm trong đề án. Riêng việc đào tạo đội ngũ giáo viên, sẽ có hàng triệu giáo viên đang đứng lớp của 35.000 trường trong cả nước. Thời gian đào tạo đội ngũ giáo viên này khoảng 10 năm trời.

Theo ông Thống, đề án đổi mới sách giáo khoa mới chỉ là khái toán ban đầu, vì đề án cần có hình dung về kinh phí để thực hiện. Việc này Bộ mới chỉ đưa ra đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện tại, Bộ cũng mới là dự trù kinh phí, còn tất cả quá trình khác còn phải chờ Bộ tài chính thẩm định, Quốc hội thông qua, rồi rất nhiều cơ quan khác nữa.

Đề án đổi mới SGK gần 35 nghìn tỷ đồng: Bộ GD nói gì? - 1

Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT

“Khi thực hiện việc đổi mới, chúng tôi sẽ tận dụng những trang thiết bị hiện có, tránh việc mua quá nhiều gây tốn kém. Và cái quan trọng hơn, chúng tôi không chỉ đổi mới ở nội dung sách mà còn phải kết hợp với việc đổi mới cách dạy và học. Khi đó, Bộ sẽ đưa ra những điều kiện tối thiểu cho các trường học khi thực hiện đổi mới”, ông Thống chia sẻ.

Ngoài ra, việc đổi mới cũng sẽ chuyển cách tiếp cận nội dung, kiến thức thông thường  sang hẳn  cách dạy học sinh hình thành năng lực phẩm chất. Bản chất của việc này yêu cầu học không chỉ biết kiến thức mà quan trọng hơn phải biết làm gì khi vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống.

Ông Thống cho biết thêm, sách giáo khoa khi đổi mới, thời gian thực hành ở các môn học sẽ được tăng lên để học sinh vận dụng kiến thức vào thực tế. Phương pháp, cách kiểm tra đánh giá theo năng lực của học sinh cũng thay đổi. Bộ GD sẽ thực hiện việc kiểm tra này theo lộ trình. Sách giáo khoa khi đổi mới sẽ giảm bớt số tiết, giảm gánh nặng cho học sinh. Tức là các em sẽ học ít môn bắt buộc, còn lại các môn khác các em sẽ tự chọn.

Một số ý kiến nói rằng Bộ GD-ĐT có thể cân nhắc sử dụng sách giáo khoa nước ngoài đối với các môn tự nhiên để giảm chi phí trong việc đổi mới. Ông Thống cho hay, tinh thần của Bộ là phải hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, dứt khoát Việt Nam sẽ phải xây dựng chương trình hệ thống sách giáo khoa của riêng mình. Song song với đó Bộ sẽ học hỏi một cách có hệ thống, cơ bản để hòa nhập với quốc tế.

Ngày 14/4, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội,  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Thứ trưởng Hiển cho hay, khi xây dựng đề án, Bộ GD-ĐT dự trù kinh phí 34.275 tỉ đồng, bao gồm: thực hiện công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên… Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi nghe Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trình bày dự thảo đã lo ngại về tính khả thi của đề án này. Còn một số nhà quản lý giáo dục đặt câu hỏi, dự trù kinh phí cho việc đổi mới sách giáo khoa có quá cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN