Dậy sóng đưa 'sao bóng đá' vào đề thi

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều giáo viên cho rằng, sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, một loạt các đề thi học kỳ 1 môn Ngữ văn sử dụng hình ảnh của HLV Park Hang Seo cùng đội tuyển bóng đá quốc gia vào đề thi là theo kiểu trào lưu mới nhưng chưa được chắt lọc.

Dậy sóng đưa 'sao bóng đá' vào đề thi - 1

Đề Ngữ văn gây tranh luận của Trường THPT Nguyễn Du

Theo trào lưu nhưng thiếu chắt lọc?

Gần đây, sau chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018, một loạt các đề thi học kỳ 1 môn Ngữ văn sử dụng hình ảnh của HLV Park Hang Seo cùng đội tuyển bóng đá quốc gia làm ngữ liệu cho câu  hỏi nghị luận.

Cụ thể, trong đề thi học kỳ môn Văn tại trường THPT Nguyễn Du ( TP.HCM), câu hỏi 2 điểm nằm trong phần làm văn với nội dung “Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ: yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.

Chia sẻ với báo chí, Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Tổ trưởng Tổ Văn nhà trường, đồng thời cũng là người ra đề Văn, chia sẻ, trước trận chung kết lượt đi diễn ra vào ngày 11/12, hàng trăm học sinh của trường đã tham gia buổi cổ động, cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam.

“Tổ Văn lồng ghép nội dung này vào đề thi để các em có cảm hứng làm bài, đồng thời gửi gắm để học trò hiểu rằng, muốn giành được chiến thắng vinh quang đó, các cầu thủ đã phải học tập, rèn luyện rất nhiều”- cô Oanh cho biết.

Nhận định về vấn đề này, cô Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên Văn trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng, kiểu ra đề này theo kiểu trào lưu với nhưng đề ra chưa được chắt lọc.

Cũng theo cô Thủy, bản thân phần đề này quá rườm rà, ôm đồm kiến thức, không phù hợp với dạng câu hỏi 2 điểm.

“Đương nhiên, dựa vào sự kiện này vẫn có thể ra đề cho học sinh đưa quan điểm, tuy nhiên, câu hỏi dành cho học sinh nhưng phải cho ngắn gọn hơn như chỉ là câu hỏi xoáy vừa vặn ý, vào một khía cạnh nào đó thôi”- cô Thủy ý kiến.

Bản thân cô Thủy cũng cho biết, cô đã cho học sinh viết một vài về đội tuyển U23 của Việt Nam qua bài viết của thầy Chu Văn Sơn. Tuy nhiên, cô chỉ hướng học sinh nói về nghị lực, nỗ lực vượt qua thử thách của người trẻ.

“Theo tôi, đề cho theo sự kiện thời sự cũng được nhưng thông tin cần chính thống, có ý nghĩa cộng đồng. Câu hỏi xoáy vào một khía cạnh cụ thể, phù hợp với lứa tuổi thanh niên”.

Thú vị hay không thú vị?

Gần đây nhất, một loạt các đề thi môn văn sử dụng hình ảnh của HLV Park Hang Seo cùng đội tuyển bóng đá Quốc gia làm đề nghị luận.

Ví dụ: đề thi học kì 1 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Sơn La sử dụng một status cá nhân viết về Park Hang Seo và BTS làm ngữ liệu đọc hiểu và sau đó yêu cầu viết đoạn văn bày tỏ suy nghĩ về thông điệp " Love Yourself" ( Hãy biết yêu bản thân mình) của ban nhạc BTS.

Đặc biệt, một đề thi khác của THPT Nguyễn Du ( TP.HCM) yêu cầu viết đoạn văn, trình bày suy nghĩ về "sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018, lứa cầu thủ: yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động, học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần."

Về vấn đề này, cô giáo Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Văn của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, cần phải xác định rõ là đề nghị luận xã hội cập nhật hay bất cập.

Cũng theo cô Tuyết, những đề thi yêu cầu học sinh luận bàn về các hiện tượng có thật của đời sống xã hội ngày càng trở nên quen thuộc, đem lại sự hứng thú cho thí sinh, góp phần đưa văn chương tới gần với cuộc sống.

Với đề thi học kì 1 môn văn của trường Nguyễn Du ( TP.HCM), cô Tuyết cho rằng, lại khiến người đọc đề và nhất là người phải thưc hiện yêu cầu nghị luận của đề không khỏi bối rối vì tính chất khiến cưỡng tới mức khó chấp nhận.

Cũng theo cô Tuyết, các cầu thủ, với thành tích, sự nỗ lực phi thường, những biểu hiện đáng yêu trong gia đình, trên sân cỏ, tự họ đã xứng đáng là biểu tượng đẹp cho thể thao Việt Nam, con người Việt Nam! Và dù mỗi người Việt Nam yêu nước đều có ý thức sâu sắc về chủ quyền lãnh thổ đất nước, nhưng để tôn vinh các cầu thủ sau một giải đấu thể thao, có nhất thiết phải đẩy lên thành "ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc" hay không?

“Từ những câu nghị luận xã hội trong mấy năm gần đây, có thể rút ra bài học quan trọng cho việc ra đề: cần tôn trọng học trò và cuộc sống, tuyệt đối không “sáng tạo” những đề bài khiến học trò thấy mơ hồ, nghi hoặc về trí tuệ thầy cô và những giá trị trong cuộc sống con người- cô Tuyết nhấn mạnh.

Trả lời trên báo chí, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn - Chương trình Giáo dục phổ thông mới, cũng chia sẻ sự không hài lòng khi nhiều tờ báo khen ngợi hết lời một số đề kiểm tra học kỳ I liên quan tới đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Theo ông Thống, có những đề thi mà lập trường và tư tưởng của người ra đề đã lấn át khoa học, làm cho đề văn vừa dài dòng vừa sai về nội dung bàn luận.

“Nghị luận xã hội yêu cầu học sinh phải biết thể hiện tình cảm và suy nghĩ của mình trước 1 ý kiến, 1 vấn đề hay 1 sự kiện của đời sống. Đó là đổi mới đáng trân trọng của chương trình Ngữ văn hiện hành. Việc yêu cầu học sinh phát biểu xung quanh sự kiện đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 không sai. Nhưng, ví dụ như với đề của Trường THPT Nguyễn Du, lẽ ra đề chỉ nên nêu là: “Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cống hiến hết mình của những cầu thủ vừa đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018” là đủ và đúng (hay thì chưa phải). Tuy nhiên, có lẽ do sợ nêu như thế chưa thể hiện được lập trường, tư tưởng yêu nước, tự hào dân tộc… nên người ra đề cho thêm phần sau rất dài để làm rõ đặc điểm, phẩm chất của “lứa cầu thủ” này" - ông Thống phân tích.

Theo ông Thống, chính vì thế mà thành đề hỏng. "Bởi thứ nhất, câu nghị luận xã hội chỉ 2/10 điểm và học sinh chỉ có khoảng 20 phút để viết; vậy làm sao mà phát biểu tình cảm và suy nghĩ về nhiều vấn đề thế được? Trong khi lẽ ra chỉ tập trung vào 1 ý, đó là “sự cống hiến hết mình của các cầu thủ”, thì học sinh sẽ phải bàn sang cả “tình yêu quê hương đất nước, tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, lao động và học tập để khẳng định bản lĩnh, tài năng cá nhân và phục vụ cống hiến cho đất nước, sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần”.

Chưa kể, nội dung nêu thêm vế sau như thế sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi: lẽ nào chỉ lứa cầu thủ này mới yêu nước và tự hào, tự tôn dân tộc như thế, còn tất cả các cầu thủ trước đây thì không?

Thứ ba, bóng đá chỉ là bóng đá thôi. Đành rằng các cầu thủ vào trận với tất cả sự hăng say, quyết thắng bởi màu cờ sắc áo… và đó cũng là biểu hiện của lòng yêu nước. Nhưng đừng vội khái quát, khoác lên cho trận đấu bóng nhiều mỹ từ bóng lộn, nhiều chữ nghĩa thiêng liêng như “ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc”...

Đề thi theo “Hot Trend”: Được lòng học sinh, nhưng không nên lạm dụng

Sau chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018, HLV Park Hang Seo và đội tuyển Việt Nam bất ngờ xuất hiện trong đề thi học kỳ I của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN