Cử tuyển: Dễ đầu vào, khó đầu ra

Phải bồi hoàn chi phí đào tạo nếu được cử đi học theo chế độ cử tuyển nhưng không chấp hành phân công công tác sau khi tốt nghiệp.

Từ những năm 1990, Bộ GD&ĐT đã có chính sách tuyển sinh, mở các lớp riêng hệ cử tuyển tại một số trường ĐH, CĐ, TCCN nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về cán bộ là người dân tộc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Tháng 11/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 134 quy định chế độ cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động cử tuyển.

Mất cân đối ngành nghề

Tại Hội nghị sơ kết sáu năm thực hiện Nghị định 134 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 11/9, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Sau sáu năm (2007-2013), tổng số HS được cử tuyển vào các trường ĐH, CĐ là hơn 12.800 HS, đạt 88% so với tổng chỉ tiêu hơn 14.600.

Tuy nhiên, ông Ga thống kê: “Các tỉnh cử HS đi học không đồng đều ở các lĩnh vực, tập trung quá nhiều vào nhóm ngành y tế rồi đến sư phạm, kinh tế, kỹ thuật, nông lâm… Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ theo chế độ cử tuyển nên việc cử tuyển cũng gây ra mất cân đối ngành nghề”.

Cử tuyển: Dễ đầu vào, khó đầu ra - 1

Ngành y luôn được HS cử tuyển chọn học nhiều. Trong ảnh: SV Trường ĐH Y Dược TP.HCM trong giờ thực hành thí nghiệm. Ảnh: Quốc Dũng

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, góp ý: “Hằng năm khoa Y của ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ có 100 chỉ tiêu, điểm đầu vào lại rất cao nhưng năm nào hệ cử tuyển cũng rất nhiều. Năm ngoái, có trường phổ thông nội trú xin 20 chỉ tiêu, chúng tôi không thể đáp ứng”.

Kết quả học tập kém

Theo đại diện nhiều trường, sinh viên (SV) hệ cử tuyển sau thời gian một năm học dự bị sẽ được học chính thức và học chung với SV hệ chính quy. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều cho rằng do kiến thức phổ thông kém, khả năng tiếp thu của HS chậm dẫn đến kết quả học tập hầu hết chỉ đạt loại trung bình, tỉ lệ SV đạt học lực loại khá chỉ chiếm 3%-5%.

ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Công tác SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, dẫn chứng: “Thống kê tốt nghiệp cho thấy năm 2010 tỉ lệ tốt nghiệp 75%, đến năm 2011 giảm còn 45%, sang năm 2012 chỉ 28% và năm 2013 thì chỉ có 2/44 SV tốt nghiệp”. Đại diện Trường ĐH Dược Hà Nội cũng cho hay: “Kết quả của hầu hết SV không tốt, đặc biệt là các môn học thuộc nhóm khoa học tự nhiên nên nhiều SV buộc phải thôi học”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay: “Bộ sẽ tăng cường đầu tư cho các trường phổ thông nội trú để nâng cao chất lượng, tạo nguồn tuyển. Địa phương phải công bố công khai tiêu chí tuyển chọn để tạo sự công bằng trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chú ý không cử HS về các trường tốp đầu có điểm thi đầu vào quá cao”.

Được cử đi học nhưng không bố trí việc làm

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mặc dù được đào tạo theo địa chỉ sử dụng rất rõ ràng, thế nhưng khi trở về địa phương, chỉ hơn 60% SV được bố trí việc làm. Thêm vào đó, tại một số địa phương SV sau khi tốt nghiệp không trở về công tác tại địa phương nhưng địa phương, không cương quyết trong việc bồi hoàn kinh phí đào tạo, mặt khác chính sách không có chế tài nên khó thực hiện.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Để thực hiện tốt chính sách cử tuyển, những người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp không chấp hành phân công công tác theo quy định phải bồi hoàn chi phí đào tạo”.

Cử tuyển sai đối tượng

Trong thực tế quá trình thực hiện việc xét tuyển của một số địa phương còn thiếu chặt chẽ, thiếu chính xác, tuyển sai khu vực, không đúng đối tượng… Một số tỉnh đã xét tuyển tỉ lệ HS người Kinh cao hơn quy định. Chẳng hạn năm 2011 Lâm Đồng cử 22/60 HS người Kinh; Đắk Nông cử 38/117 HS người Kinh; một số tỉnh ĐBSCL vì không có người đồng bào dân tộc đã cử hoàn toàn người Kinh đi học... Chế độ cử tuyển của một số địa phương còn thiếu công khai, các thông tin về các kỳ cử tuyển không đến được với HS. Do vậy việc chọn lựa và việc cử tuyển trên diện hẹp, chưa thực sự chọn được các HS có năng lực để cử đi học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN