Có phải mọi trẻ tự kỷ được huấn luyện sẽ trở thành kỷ lục gia hay thiên tài?

Sự kiện: Bệnh tự kỷ

Những trẻ tự kỷ có thể phát triển thành "thiên tài" hay "thần đồng" về lĩnh vực nào đó, thực sự là có nhưng rất hiếm.

Vừa qua trên một diễn đàn dành cho phụ huynh có con mắc hội chứng tự kỷ, xuất hiện những thông tin phản ánh việc dạy học tại một trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở tầng 3 khu KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh (TX Từ Sơn, Bắc Ninh) mang tên Tâm Việt.

Hàng loạt phụ huynh chia sẻ trung tâm quảng cáo với những lời hết sức hấp dẫn như: “Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia’; ‘Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì’…

Rất hiếm trẻ tự kỷ phát triển thành "thiên tài" hay "thần đồng"

Là một chuyên gia về căn bệnh tự kỷ, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec, nguyên GĐ BV Nhi Trung ương cho rằng, để “huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia” là hoang đường.

Một giờ tập của học viên Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt (Nguồn: Fanpage trung tâm)

Một giờ tập của học viên Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt (Nguồn: Fanpage trung tâm)

“Cho đến nay, chưa có một phương pháp nào chữa khỏi hẳn được bệnh tự kỷ. Tất cả phương pháp điều trị hiện nay đều nhằm đến mục đích giúp cho trẻ tự kỷ có được kỹ năng sống cần thiết nhất để có khả năng sống độc lập”, GS Liêm nói.

Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, trên thế giới đã có một vài trường hợp tự kỷ trở thành thiên tài chứ không phải tất cả trẻ tự kỷ đem ra đào tạo đều trở thành thiên tài. Những trường hợp tự kỷ trở thành thiên tài là do những người đó có năng khiếu rất đặc biệt.

Ths tâm lý Nguyễn Thu Hà, Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết,  có một số trẻ tự kỷ thuộc vào trẻ tự kỷ chức năng cao nghĩa là mặc dù về giao tiếp tương tác của trẻ có một số khó khăn nhưng trẻ nổi trội về mặt trí tuệ nào đó và phát huy được để cân bằng hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, tỷ lệ này không cao. Trên thế giới chỉ có một vài trường hợp.

Theo đó, thông thường, tự kỷ có 2 loại đó là tự kỷ trí tuệ kém và tự kỷ trí tuệ khá hoặc trung bình. Trong đó tự kỷ chậm trí tuệ chiếm phần lớn. Có khoảng 5-7% trẻ có chứng tự kỷ chức năng cao.

Những trẻ tự kỷ được gọi là chức năng cao khi trẻ có trí tuệ vào loại khá, nhiều trẻ có năng khiếu đặc biệt như biết đọc số, đọc chữ từ rất sớm hoặc cộng, trừ nhân chia giỏi, có thể nhớ số điện thoại rất tốt. Nhưng đọc xong trẻ không hiểu, trẻ tính toán rất nhanh nhưng đó chỉ là sự máy móc.

Một số trẻ có năng khiếu đặc biệt về điện tử, hội họa, đàn và âm nhạc, toán học nhưng không quan tâm tới bất cứ lĩnh vực xã hội nào khác mà chỉ biết và yêu thích một lĩnh vực nhất định trẻ có năng khiếu.

Điều này được lý giải là do sự phát triển không đều và sự liên kết rời rạc, lỏng lẻo giữa các vùng của não trẻ tự kỷ. Thông thường, ở những đứa trẻ bình thường có những vùng não phát triển tốt hoặc phát triển không cân bằng nhau nhưng sự liên hệ giữa các vùng thì chặt chẽ và logic.

Tuy nhiên, ở những trẻ tự kỷ có khả năng đặc biệt có vùng não nào đó phát triển tốt nhưng giữa các vùng của não liên hệ với nhau rất kém. Não có nhiều vùng như: vùng trán, vùng chẩm, vùng thái dương, vùng trung tâm, vùng cảm giác, vùng vận động…

Trong những đứa trẻ tự kỷ chức năng cao để phát triển thành "thiên tài" hay "thần đồng" về lĩnh vực nào đó, thực sự là có nhưng rất hiếm. Phần lớn trẻ chỉ có khả năng nhớ máy móc, có năng khiếu về khía cạnh nào trong thời gian không ổn định chứ không toàn diện.

Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là từ 24 – 36 tháng

Theo Ths.Bs Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ tự kỷ cần được can thiệp càng sớm càng tốt.

Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là từ 24 – 36 tháng, để trẻ lớn hơn, khi đã có hành vi định hình thì việc can thiệp thay đổi sẽ rất khó khăn. Và để hiệu quả can thiệp được tốt nhất, cần có sự tham gia của cha mẹ và các nhà chuyên môn như bác sĩ, nhà tâm lý, các nhà giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên cha mẹ vẫn đóng vai trò then chốt.

BS Hương cho biết, bệnh tự kỷ được coi là một rối loạn phát triển lan tỏa xuất hiện từ rất sớm và ảnh hưởng kéo dài đến cuộc đời của trẻ. Trẻ bị bệnh vẫn khỏe mạnh, nhưng luôn có các hành động bất thường. Các hành động này xuất hiện trong 3 lĩnh vực là ngôn ngữ, giao tiếp xã hội và hành vi lặp đi lặp lại với tư duy cứng nhắc thiếu trí tưởng tượng.

Một khó khăn lớn đối với gia đình có trẻ tự kỷ là khó khăn trong việc tìm chỗ học phù hợp cho con sau khi được can thiệp tại bệnh viện Nhi Trung ương. Nguyên nhân chính là sự không đồng bộ của hệ thống giáo dục dành cho trẻ tự kỷ và trẻ chậm phát triển tại các địa phương.

Nhiều gia đình ở các tỉnh xa xôi, điều kiện kinh tế khó khăn vẫn phải đưa con ra điều trị tại tuyến Trung ương cũng là một trở ngại không nhỏ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của trẻ.

Theo Ths Nguyễn Thu Hà, cha mẹ phải dạy cho trẻ cách hòa nhập với cộng đồng, bạn bè và môi trường xung quanh thì con người mới phát triển toàn diện được. Không thể để trẻ cả đời chỉ mỗi chơi đàn hay vẽ tranh hay học Toán.

Đối với những trẻ có năng khiếu đặc biệt nếu được bồi dưỡng trẻ sẽ phát triển tốt hơn. Trẻ tự kỷ không phát triển toàn diện được như những trẻ khác nhưng cần động viên khuyến khích tài năng của trẻ để trẻ tự tin hơn.

Bên cạnh đó, cha mẹ vẫn phải hướng dẫn trẻ hòa nhập với cuộc sống bình thường một cách tối thiểu nhất chứ không thể sống riêng một mình trong xã hội được.

Các bậc phụ huynh cần tích cực dành thời gian cho con, đi học lớp hướng dẫn nuôi dạy trẻ tự kỷ để biết cách chơi với con, không nên để con chơi một mình. Cần giảm bớt thời gian xem ti vi điện thoại….

Vì sao nên can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ trước 3 tuổi?

Tự kỷ là một dạng rối loạn chức năng phức tạp trong quá trình phát triển, thường xuất hiện sớm trong 3 năm đầu của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Bệnh tự kỷ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN