Chuyên gia Bệnh viện Nhi TW hướng dẫn cha mẹ chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi đi học

Sự kiện: Giáo dục

Khi đi học trở lại, cuộc sống và sinh hoạt của trẻ có nhiều thay đổi do trước đó trẻ đã ở nhà trong một thời gian dài.

Sau một thời gian dài học tập tại nhà, các cấp Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông sẽ quay trở lại trường học khi đại dịch COVID-19 dần ổn định.

Đây là niềm vui và cũng là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh, không chỉ vì dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn xung quanh chúng ta mà còn vì sự thay đổi tâm lý của trẻ khi một lần nữa phải chuyển đổi môi trường học. Vậy cha mẹ cần chuẩn bị như thế nào để trẻ quay lại trường tốt nhất?

TS.BS Đỗ Minh Loan tư vấn cho cha mẹ cách hỗ trợ và chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi quay lại trường (Ảnh: Lê Hiếu).

TS.BS Đỗ Minh Loan tư vấn cho cha mẹ cách hỗ trợ và chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi quay lại trường (Ảnh: Lê Hiếu).

Trẻ có thể gặp những vấn đề tâm lý gì khi quay trở lại trường học?

“Lần đầu tiên sau 8 tháng học ở nhà mà không đến trường, khi quay lại trường con cảm thấy mọi thứ đều xa lạ, con gần như quên hết gần một nửa số bạn ở lớp của con, cảm giác này chưa bao giờ con trải qua kể từ khi con học lớp một đến giờ” đó là chia sẻ của bạn Phan G.M một học sinh lớp 7, ở Hà Nội.

TS.BS Đỗ Minh Loan – Trưởng khoa Sức khoẻ Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi đi học trở lại, cuộc sống và sinh hoạt của trẻ có nhiều thay đổi do trước đó trẻ đã ở nhà trong một thời gian dài. Tuỳ độ tuổi, tâm lý của trẻ sẽ có sự biến động khi chuyển từ môi trường này sang môi trường khác.

Với một số trẻ nhỏ cấp tiểu học, trẻ đã quen với việc học ở nhà, có bố mẹ chăm sóc, bao bọc, kèm cặp thì tới đây, khi đến trường học, trẻ phải làm quen với môi trường mới. Trẻ sẽ không còn là trung tâm của mọi hoạt động vì một cô giáo sẽ cùng chăm sóc cho nhiều bạn. Đây cũng là một sang chấn tâm lý đối với trẻ, khiến trẻ gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn trong thời gian đầu mới quay trở lại trường.

Ở lứa tuổi THCS, THPT, việc trở lại trường học có phần dễ dàng hơn vì trước đó, trẻ đã có thời gian dài học trực tiếp, vui chơi cùng thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu mới đi học trở lại, trẻ cũng sẽ gặp những khó khăn trong việc tái hoà nhập cộng đồng, với những tương tác trực tiếp cùng bạn bè trong lớp.

Để trẻ có thể đến trường một cách an toàn và nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường mới thì vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng. Cha mẹ ngoài trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để phòng dịch thì cần chuẩn bị cho trẻ về mặt tâm lý trước và trong những ngày đầu đi học lại.

Chuẩn bị tâm lý cho trẻ – Yếu tố quan trọng giúp trẻ quay lại trường tốt nhất

Theo TS. BS Đỗ Minh Loan, chuẩn bị tâm lý vững vàng cho trẻ trước khi đến trường là hết sức cần thiết. Nhiều trẻ tỏ ra hứng thú khi được đến trường học tập, vui chơi giao lưu cùng thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên, không ít trẻ tỏ ra hụt hẫng sau thời gian quá dài học trực tuyến và nghỉ Tết. Vì vậy, cha mẹ cần chia sẻ và trò chuyện với con về thông tin quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết và việc đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh. Hãy cho trẻ biết một số vấn đề có thể gặp phải khi quay trở lại trường học như:

Phải dậy sớm hơn để có thời gian vệ sinh cá nhân, chuẩn bị quần áo, cặp sách đi học vì thế cần đi ngủ sớm hơn để đảm bảo đủ thời gian ngủ, tránh bị mệt mỏi, buồn ngủ khi đến lớp.

Có thể sẽ ăn bán trú ở trường, thức ăn sẽ được nấu và chế biến khác với đồ ăn do cha mẹ chuẩn bị ở nhà.

Trao đổi và cùng trẻ xây dựng thời gian biểu cho việc học tập và sinh hoạt hàng ngày phù hợp với việc học trực tiếp ở trường.

Cung cấp cho con thông tin đầy đủ, chính xác và dễ hiểu nhất về dịch bệnh, tránh cho con tâm lý hoang mang, lo lắng khi đến trường học trực tiếp.

Hướng dẫn con các quy tắc phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang và sát khuẩn tay để đảm bảo an toàn cho bản thân và bạn bè, thầy cô.

Cha mẹ nên theo sát con đặc biệt là trong 1-2 tuần đầu con đi học, nếu có vấn đề tâm lý bất thường cần tâm sự trò chuyện với trẻ để có thể tư vấn cho con hợp lý.

Trẻ em ở độ tuổi tiểu học có thể gặp tính trạng dễ sợ hãi, hung hăng, đeo bám, gặp ác mộng, trốn học, kém tập trung, và rút lui khỏi các hoạt động và bạn bè.

Trẻ Vị thành niên có thể bị rối loạn ăn và ngủ, kích động hoặc buồn bã, gia tăng xung đột, phàn nàn về thể chất, từ chối đi học, kém tập trung trong việc học tập.

Quá trình thích nghi cần một thời gian do đó cha mẹ cũng không nên trầm trọng hoá vấn đề khiến trẻ càng thêm lo lắng mà chỉ để trẻ hiểu rằng đó là những kỹ năng, cách thức bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh.

COVID-19 đã tác động không nhỏ tới nền giáo dục của Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, cha mẹ hãy quan tâm đến con trẻ nhiều hơn để có những phương pháp hỗ trợ cho trẻ kịp thời và đúng cách nhất.

“Luôn khuyến khích con học tập, trở thành bạn thân thiết của con để chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong học tập. Bởi học tập là một quá trình dài, cha mẹ không nên quá áp đặt hay trách mắng trẻ. Hãy học cùng con, chơi cùng con và giúp con quay lại trường lớp sau dịch bệnh một cách thoải mái, an toàn và khỏe mạnh nhất. Khi thấy con có biểu hiệu bất thường về tâm lý mà cha mẹ không thể giải quyết được cho con thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ. Tránh để lâu sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập của con sau này”, Tiến sĩ Loan khuyến cáo.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội yêu cầu các trường không gây quá tải với học sinh khi đi học trực tiếp

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi, phù hợp, tránh gây quá tải đối với học sinh khi trở lại trường học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hương Hiếu - Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN