Chương trình giáo dục phổ thông mới bị 'vạch lỗi': Ban soạn thảo lí giải gì?

Sự kiện: Giáo dục

Sau hơn 1 tháng công bố, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhận được rất nhiều ý kiến 'vạch lỗi'. Hôm qua 22/5, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã chính thức lí giải nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bị 'vạch lỗi': Ban soạn thảo lí giải gì? - 1

Theo Ban soạn thảo, bên cạnh những ý kiến đồng thuận, nhất trí với dự thảo, cũng còn những ý kiến phản biện, đề nghị giải thích, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình, tập trung chủ yếu vào các vấn đề sau:

Về hệ thống môn học và hoạt động giáo dục: Nên phân chia các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình mới thành 2 loại: bắt buộc và tự chọn (thay thế cho 4 loại trong dự thảo chương trình tổng thể), đồng thời trong kế hoạch giáo dục của mỗi cấp học tách riêng các môn học với các hoạt động giáo dục.

Rà soát, điều chỉnh hệ thống và tên môn học, hoạt động giáo dục cùng với phân bổ thời lượng giáo dục bảo đảm tính khoa học, khả thi, tường minh, dễ hiểu, dễ nhớ và giảm tải cho học sinh.

Thực hiện dạy học phân hóa từ lớp 10; điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở các lớp 10, 11, 12 bảo đảm thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện Việt Nam; điều chỉnh cách thức học sinh tự chọn môn học để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường.

Về thời lượng giáo dục: Nên quy định thời lượng 1 tiết học thống nhất từ lớp 1 đến lớp 5: trung bình mỗi tiết học 35 phút (thay thế quy định trong dự thảo chương trình tổng thể: mỗi tiết học cho các lớp 1, 2 từ 30 phút đến 35 phút, cho các lớp 3, 4 và 5 từ 35 phút đến 40 phút).        

Điều chỉnh giảm thời lượng/năm học của một số môn học bảo đảm thời lượng giáo dục trung bình của các lớp trong chương trình mới không cao hơn chương trình hiện hành.

Điều chỉnh kế hoạch giáo dục hướng tới dạy học 2 buổi/ngày nhưng phải bảo đảm cho các trường chỉ có điều kiện dạy học 5 buổi/tuần (tối đa 25 tiết/tuần) vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc thống nhất trong toàn quốc, đồng thời chương trình có phần mở dành cho các trường tổ chức học 2 buổi/ngày ở các địa phương có các điều kiện đảm bảo.

Về điều kiện thực hiện chương trình mới: Cần giải thích rõ việc đã và đang chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất ở các cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện được chương trình mới.

Về lộ trình thực hiện: Có những ý kiến còn băn khoăn hiện nay đang xây dựng chương trình tổng thể, tiếp theo còn xây dựng chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa. Vậy có kịp triển khai áp dụng chương trình (CT), sách giáo khoa (SGK) mới từ năm học 2018-2019 theo Nghị quyết của Quốc hội không.

Ban soạn thảo lí giải thế nào?

Hôm qua, 22/5, Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã chính thức lí giải về một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình.

Ban soạn thảo cho rằng, chương trình tổng thể sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân trong thời gian vừa qua.

Hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục sẽ được rà soát, chỉnh sửa bảo đảm tính khoa học, liên thông, đồng bộ và khả thi; điều chỉnh tên môn học, hoạt động giáo dục và cách phân loại bảo đảm tường minh, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ; số lượng môn học, số tiết từng môn học điều chỉnh theo hướng giảm tải.

Trong đó, ở cấp tiểu học, điều chỉnh thiết kế chương trình hướng tới dạy học 2 buổi/ngày nhưng sẽ bảo đảm cho các trường chỉ có điều kiện dạy học 5 buổi/tuần vẫn thực hiện được đầy đủ nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc thống nhất trong toàn quốc, đồng thời chương trình có phần mở dành cho các trường học 2 buổi/ ngày ở các địa phương có các điều kiện đảm bảo.

Ở cấp trung học cơ sở, môn học và hoạt động giáo dục sẽ được thiết kế đảm bảo tính tiếp nối, kế thừa cấp tiểu học và đáp ứng yêu cầu giai đoạn giáo dục cơ bản và phân luồng sau trung học cơ sở.

Ở cấp trung học phổ thông, thực hiện dạy học phân hóa từ lớp 10; điều chỉnh hệ thống môn học bắt buộc, tự chọn ở các lớp 10, 11, 12 bảo đảm thống nhất theo yêu cầu định hướng nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện Việt Nam; điều chỉnh cách thức học sinh tự chọn môn học để vừa đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh vừa có tính khả thi đối với khả năng vận dụng linh hoạt của nhà trường.

Về điều kiện thực hiện chương trình mới, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong cả nước, trên cơ sở đó sẽ tiến hành các bước tiếp theo về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như có phương án bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó ưu tiên tận dụng cơ sở vật chất sẵn có.

Việc xây dựng CT, SGK mới đã và đang được tiến hành theo kế hoạch tổng thể. Quá trình triển khai thực hiện bám sát lộ trình đề ra song không nóng vội, duy ý chí mà đặt ưu tiên cao nhất là đảm bảo chất lượng, hiệu quả của chương trình.

20/5 là ngày kết thúc thời gian tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (PTTT), kể từ khi công bố vào ngày 12/4. Trong thời gian lấy ý kiến, Ban soạn thảo đã nhận được ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và 63/63 sở GD&ĐT.

Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN.

Dự kiến giảm môn học trong chương trình phổ thông mới

20/5 là ngày kết thúc thời gian tiếp thu ý kiến góp ý cho dự thảo chương trình GD phổ thông tổng thể, kể từ khi công bố...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN