Chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh: Không nên tuyệt đối hóa

Sự kiện: Giáo dục

Chứng chỉ ngoại ngữ đang được coi là một trong những điều kiện cần để tuyển sinh đại học (ĐH). Thời gian gần đây, nó đã lan xuống bậc phổ thông.

Khoảng 6 năm trở lại, xét chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những phương thức chính của các trường ĐH khi tuyển sinh. PGS. TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại Thương cho biết, trường bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế từ năm 2018 và các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như SAT, ACT từ năm 2020, bổ sung chứng chỉ A-level từ năm 2021 để xét tuyển ĐH. Lý do là các chứng chỉ này đã được áp dụng hiệu quả ở các trường ĐH uy tín ở nhiều nước/khu vực trên thế giới như Mỹ, Úc, Canada, châu Âu, châu Á,…

Hơn nữa xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp với các chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ mang tính hội nhập cao của Nhà trường, cần yêu cầu thí sinh có đủ năng lực tối thiểu để học tập, nghiên cứu, thực hành bằng ngoại ngữ. Trường ĐH Ngoại thương hiện có 20 trên tổng số 35 chương trình được giảng dạy bằng ngoại ngữ.

Tuy nhiên, chứng chỉ ngoại ngữ hay chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế chỉ là một điều kiện cần khi xét tuyển kết hợp của Trường ĐH Ngoại thương. Ngoài các chứng chỉ này, thí sinh cần những điều kiện khác như kết quả học tập THPT hoặc kết quả thi tốt nghiệp THPT. Để trúng tuyển, thí sinh phải đạt điểm chứng chỉ IELTS ít nhất từ 7.0 đến 7.5 trở lên…

Chứng chỉ ngoại ngữ được coi là một lợi thế khi xét tuyển. Ảnh: Nghiêm Huê

Chứng chỉ ngoại ngữ được coi là một lợi thế khi xét tuyển. Ảnh: Nghiêm Huê

Tương tự, tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ là một lợi thế lớn vì có nhiều cơ hội xét tuyển như kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia; điểm thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Hoặc chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT hai môn (trong đó có 1 môn Toán) đối với học sinh Trường THPT chuyên.

Tuy vậy, điểm trúng tuyển năm qua với phương thức này khá cao với yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh IELTS phải đạt từ 6.5 trở lên. Còn nhiều trường ĐH khác, thí sinh chỉ cần đạt IELTS từ 5.5 là có cơ hội trúng tuyển.

Trong khi đó, ở bậc phổ thông, thời gian gần đây cũng bắt đầu xu hướng sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ như một phương thức xét tuyển đối với học sinh đầu cấp. Từ năm 2021, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, Nghệ An được giao thêm chỉ tiêu 1 lớp 10 có 42 học sinh phải có chứng chỉ IELTS. Điều kiện để dự tuyển lớp này theo quy định của Sở GD&ĐT Nghệ An là đỗ 1 trường THPT công lập bất kỳ trên địa bàn tỉnh, có chứng chỉ IELTS từ 4.5 trở lên hoặc chứng chỉ ngoại ngữ khác có mức điểm quy đổi tương đương.

Năm nay, nhiều trường THPT ngoài công lập tại Hà Nội dành ưu tiên cho các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh, như Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Nam Từ Liêm xét tuyển thẳng vào lớp 10 đối với những học sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 6.5 trở lên (năm trước là 5.0).

Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn tuyển thẳng học sinh lớp 10 có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên, điểm TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên. Từ năm 2021, việc tuyển sinh vào lớp 6 tăng cường tiếng Anh của Sở GD&ĐT TPHCM xét học sinh đạt chứng chỉ A2 trở lên theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu hoặc chứng chỉ Cambridge Flyer từ 10/15 khiên (thuật ngữ tính điểm) trở lên; hoặc TOEFL Primary Step 2 từ 3/5 huy hiệu trở lên.

Như vậy có thể thấy, để được tuyển thẳng vào lớp 10, học sinh lớp 9 phải đạt được trình độ ngoại ngữ tương đương với học sinh lớp 12 xét tuyển vào ĐH.

Theo TS Nguyễn Chí Hiếu nhận định nhiều học sinh đạt điểm IELTS rất cao, nhưng khi du học rất chật vật trong đọc, viết bài luận. Vì chỉ luyện thi theo đề.

Ngoại ngữ và còn gì khác nữa?

PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng xét tuyển thẳng học sinh THPT qua chứng chỉ IELTS có thể xuất phát từ nhận thức tích cực của một số phụ huynh, nhà trường muốn hướng con em đến năng lực công dân toàn cầu, mà một trong những tiêu chí đó chính là ngoại ngữ.

Tuy nhiên, mong muốn này dường như bị “chủ nghĩa thành tích” làm cho sai lệch. Giống như trở thành một trào lưu, một số trường phổ thông dựa vào năng lực ngoại ngữ như một tiêu chí để được ưu tiên, xếp lớp, chọn trường.

Ông Trần Thành Nam không ủng hộ việc “sính” xét chứng chỉ ngoại ngữ từ bậc phổ thông vì thực tế sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác. Theo ông, ở bậc học này, phụ huynh cần chuẩn bị cho con tư duy phản biện độc lập để thích ứng với những thay đổi của thế giới.

Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Hà Nội là trường đầu tiên tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ vào lớp 6. Tuy nhiên, đến năm 2021, Nhà trường đã phải dừng phương thức xét tuyển này vì “lạm phát” chứng chỉ ngoại ngữ, dẫn đến tình trạng số lượng thí sinh đủ điều kiện tuyển thẳng còn nhiều hơn tổng chỉ tiêu của trường.

Bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Stanford, TS Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc học thuật trường THPT Olympia, Hà Nội kiêm Giám đốc điều hành Học viện IEG Global cho biết hiện nay, phụ huynh ở Việt Nam chuẩn bị cho con cơ hội vào các trường ĐH hàng đầu thế giới chỉ quan tâm đến chứng chỉ ngoại ngữ hoặc chứng chỉ đánh giá năng lực SAT, ACT.

Trong khi đó, chưa đánh giá được việc luyện thi các chứng chỉ này, học sinh luyện được bao nhiêu kỹ năng để có thể thích ứng trong môi trường ĐH và đi làm sau này.

“80% học sinh châu Á vào ĐH vẫn theo kiểu học gạo như thời phổ thông. Cách học để trả bài. Mỗi học sinh dành thời gian 7 năm chỉ để luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ hay chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế như hiện nay là quá phí. Các em vẫn không có đủ các kỹ năng sau này sinh viên cần. Theo tôi, lớp 6 luyện SAT, IELTS có thể là quá sớm”, TS Chí Hiếu nói.

Nguồn: [Link nguồn]

'Trào lưu' luyện thi IELTS và lời khuyên của chuyên gia giáo dục

Hiện nay, chứng chỉ IELTS không chỉ được biết đến là chứng chỉ để đi du học hay xin việc… mà còn đang được sử dụng như "tấm vé thông hành" vào các trường đại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo NGHIÊM HUÊ ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN