Cho vay tín dụng sư phạm: Ôm nợ rồi có bị thất nghiệp?

Sự kiện: Giáo dục

Sinh viên sư phạm dự kiến sẽ không được miễn học phí, thay vào đó là chính sách vay tín dụng. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không cải thiện chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là việc làm sau khi ra trường, thì sư phạm sẽ càng đìu hiu

Trình bày trước Quốc hội về dự án sửa đổi Luật Giáo dục ngày 29-5, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng do nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên sư phạm (SP) trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành SP còn nhiều, có tình trạng đi làm trái ngành nghề gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục.

Tránh lãng phí ngân sách

Vì vậy, dự thảo Luật Giáo dục được đệ trình lần này sẽ được sửa đổi theo hướng không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên SP mà thay bằng chính sách vay tín dụng SP. Cụ thể, theo khoản 3 điều 89 của dự thảo luật, học sinh, sinh viên SP được vay tín dụng SP để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học; được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định.

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng SP. Chính phủ sẽ quy định cụ thể chế độ tín dụng SP và chính sách bồi hoàn kinh phí đối với học sinh, sinh viên SP.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - ông Phan Thanh Bình - cho biết đa số thành viên ủy ban tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên SP bằng tín dụng SP để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, một số đại biểu lưu ý cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học, bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí. Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo SP và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, sửa đổi các quy định có liên quan về tuyển sinh, đào tạo SP; bổ sung các quy định nhằm nâng cao vị thế nhà giáo, xác định đúng vai trò, vị trí của nghề giáo để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.

Cho vay tín dụng sư phạm: Ôm nợ rồi có bị thất nghiệp? - 1

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM trong giờ học. Ảnh: TẤN THẠNH

"Đầu ra" phải được ưu tiên

Trước dự thảo luật này, PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH SP Hà Nội, cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc bỏ miễn học phí cho sinh viên SP là hợp lý. Tuy nhiên, song song với việc bỏ miễn học phí thì ngành giáo dục nên nghiên cứu để thu hút người giỏi vào ngành SP, bảo đảm đầu ra cho sinh viên SP và đề xuất với Chính phủ nâng cao đời sống của giáo viên bằng cách tăng lương.

Theo ông Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc, trước đây, học sinh đăng ký vào các trường SP là vì được miễn đóng học phí. Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều gia đình học sinh đã khá giả hơn, sinh viên SP cũng được vay tín dụng SP để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí nên không quá lo lắng vấn đề này. Điều quan trọng nhất để thu hút học sinh giỏi vào ngành SP chính là cơ hội có được việc làm và mức lương đủ sống.

Nhận xét về đề xuất của Bộ GD-ĐT, một giảng viên kỳ cựu của Trường ĐH SP Hà Nội cho rằng sự sa sút trong đào tạo của các trường SP bắt nguồn từ vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Chính vì thế, cần giải quyết gốc rễ của vấn đề là siết lại chỉ tiêu đào tạo các ngành SP chứ không để dư thừa như hiện nay. Ngoài ra, sinh viên ra trường được bổ nhiệm một cách minh bạch vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, lương phải đủ sống, điều kiện làm việc phải bảo đảm, môi trường làm việc dân chủ... Rõ ràng, nếu đội trên đầu một khoản vay lớn để đóng cho mấy năm học mà ra trường không xin được việc thì không ai dại gì "đâm đầu" vào SP.

Rút ngắn thời gian lên lương

PGS Lê Kim Long, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nêu quan điểm hãy thực hiện chính sách ưu đãi cho sinh viên SP bằng việc ưu tiên về lương khi ra làm nghề. Cách làm khả thi nhất là rút ngắn thời gian lên lương cho giáo viên dạy bậc thấp (mầm non, tiểu học) 2 năm/thêm một bậc, thay vì quy định 3 năm.

Bên cạnh đó, trong 5 năm đầu làm nghề, mỗi năm giáo viên sẽ được nhà nước trừ nợ một năm số tiền tín dụng họ đã vay. Như thế, trong 5 năm, họ sẽ trả được hết số tiền đã vay đóng học phí. Đối với những người không vay tín dụng sẽ được hỗ trợ số tiền tương đương với những người đã vay ngân hàng và cũng được hưởng chính sách này trong 5 năm đầu đi dạy học.

"Ngân sách nhà nước có hạn, việc tăng lương cho giáo viên có thể không thực hiện đồng loạt mà nâng lên ở một số khu vực, địa phương. Nếu chưa tăng lương được cho giáo viên ở các tỉnh, thành phố lớn, đời sống giáo viên không đến nỗi quá khó khăn thì việc tăng lương nên được áp dụng thí điểm ở những địa phương, vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn" - PGS Nghiêm Đình Vỳ đề xuất. 
 

Ý KIẾN:

. PGS-TS NGUYỄN KIM HỒNG, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM:

Chưa giải quyết tận gốc vấn đề của nhà giáo

Chính sách miễn học phí cho sinh viên SP cách đây 20 năm là một chính sách có tác động lớn đến việc đào tạo giáo viên. Chính sách này đã phát huy tác dụng tốt trong 5 năm đầu, đó là thời kỳ mà các trường SP đã tuyển dụng được những học sinh THPT có học lực tốt vào học.

Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ những bất hợp lý không đáng có như sinh viên vào học trong các trường SP nhưng sau khi tốt nghiệp lại không làm trong các cơ sở giáo dục - một nguồn kinh phí khá lớn từ nhà nước đã bị mất vào chính sách miễn học phí chung cho sinh viên SP. Một số người cho rằng sự lãng phí ấy một phần do chính sách tuyển dụng sau tốt nghiệp - đó cũng là một trong nhưng lý do sinh viên SP ra trường nhưng không được làm (và cả những người không muốn làm) trong các cơ sở giáo dục.

Theo tôi, việc sinh viên phải đóng học phí, trong đó có sinh viên các trường SP là một việc cần làm hiện nay. Bên cạnh đó, việc có chính sách tín dụng sinh viên là vô cùng cần thiết, vì hiện nay vẫn còn hơn 60% số người sinh sống trong khu vực nông thôn - nông nghiệp, khu vực còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nếu không có tín dụng sinh viên SP thì chắc chắn họ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tín dụng sinh viên chỉ là một phần của bài toán sinh viên SP. Nói rộng ra, nó không thể giải quyết tận gốc các vấn đề của nhà giáo: nơi mà các sinh viên SP sau khi ra trường sẽ làm việc trong các cơ sở giáo dục. Vì vậy, bên cạnh chính sách học phí cần có những thay đổi lớn hơn trong chính sách lương bổng, điều kiện làm việc, vị thế nghề nghiệp của giáo viên… mới hy vọng thu hút được học sinh phổ thông giỏi vào các trường SP; mới có các thầy cô giáo giỏi, tận tâm với nghề nghiệp, với tương lai đất nước.

Một vấn đề nữa cần lưu ý là để không làm ảnh hưởng đến sinh viên đang theo học các trường SP, cần tiếp tục duy trì chính sách miễn giảm cho sinh viên SP hiện nay cho tới khi họ hoàn thành khóa học.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM:

Nên cấp học bổng cho sinh viên quá khó khăn

Trong 10 năm nay, sinh viên đăng ký vào 13 ngành sư phạm của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đều được miễn học phí hoàn toàn. Đó là sự bất công rất lớn vì mỗi năm trường chỉ được nhận từ 5 đến 8 tỉ đồng tiền cấp bù SP. Vì vậy, 10 năm qua chúng tôi phải bù lỗ khoảng 30 tỉ đồng để đào tạo cho số sinh viên này.

Các trường SP chỉ nên lập tức xét cấp học bổng cho những học sinh cực kỳ khó khăn. Đối với các học sinh khác, trường vẫn thu học phí bình thường, sau đó nếu ra trường em nào theo nghề giáo thì nhà nước sẽ chuyển kinh phí về cho nhà trường nơi các em công tác để hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo viên trẻ cống hiến tốt hơn.

H.LÂN ghi

Khối ngành Sư phạm “rớt giá”, Bộ GD&ĐT nói gì?

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2018, khối các trường đào tạo sư phạm tiếp tục “tụt dốc” khi số lượng thí sinh giảm sút mạnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người Lao Động)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN