Cám dỗ vây kín cổng trường

Năm học mới vừa khai giảng, dịch vụ ăn uống, gửi xe máy, “ghi” lô đề, cầm đồ… cạnh các trường học càng nhộn nhịp hơn khi học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè.

Nghênh ngang xe máy

Đều đặn hàng ngày, cứ đến 6h30, 11h, 17h, con phố nhỏ Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa, Hà Nội) lại đông nghịt người bởi đây là khung giờ học sinh Trường THPT Hoàng Cầu (tọa lạc trên con phố nhỏ này) đến trường và tan trường. Điều đáng nói là rất nhiều học sinh vẫn sử dụng xe máy đến trường và các em không gửi xe máy trong trường mà gửi ngay ở các ngõ bên cạnh. Không khó để quan sát được những con ngõ 44, 56 phố này dày đặc xe máy của học sinh với số lượng lên đến hàng trăm chiếc.

Với 5.000 đồng/xe, những con ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Phúc Lai, xe máy xếp thành hàng là chỗ “kiếm ăn” khá ổn định của nhiều gia đình nhờ vào việc trông xe. Giờ tan trường, từ những con ngõ này học sinh phóng xe máy ào ra đường như bầy ong vỡ tổ. Cá biệt có em không đội mũ bảo hiểm, thậm chí có xe chở 3-4 người lạng lách trên phố. Việc học trò đi xe máy ở ngôi trường này đã không ít lần được báo chí phản ánh nhưng đến thời điểm này vẫn đâu hoàn đó. Cảnh học sinh mang phù hiệu Trường THPT Hoàng Cầu chạy xe máy trên đường, cảnh hàng loạt xe máy được gửi công khai cạnh trường…đã rõ như ban ngày nhưng không hiểu sao nhà trường và cơ quan chức năng không vào cuộc một cách triệt để?

Cám dỗ vây kín cổng trường - 1

Học sinh không đội mũ bảo hiểm ngang nhiên đi xe máy trên phố. Ảnh: Đ.Chiến

Cũng ở đây, đầy rẫy quán nước kiêm thêm dịch vụ “ghi” lô đề. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cứ đến cuối giờ chiều, rất nhiều bóng áo trắng la cà ở những quán nước này. Hiệp, nhà gần trường và là cựu học sinh Trường THPT Hoàng Cầu cho biết: “Học sinh đánh “vài chục điểm” là chuyện thường. Còn vấn đề xe máy, chỉ cấm trong trường chứ ra ngoài, trường quản sao được? Trước khi ngồi lên xe máy, học sinh khoác thêm cái áo dài tay vào là xong. Mà có những học sinh chẳng phải “ngụy trang” gì hết, tự nhiên như không thế thôi. Lỡ CSGT có bắt thì các em lại xin hoặc chịu nộp phạt”.

Thị sát một số ngôi trường khác, chúng tôi nhận thấy không thiếu tình trạng học sinh đi xe máy đến trường.

Đầy rẫy cầm đồ

Cám dỗ vây kín cổng trường - 2

“Lệnh cấm” bị phớt lờ ngay cạnh Trường THPT Hoàng Cầu

Sau ngày khai giảng, quán cầm đồ của anh N (Đường Láng, Hà Nội) đông khách hơn vì số lượng sinh viên và học sinh ra vào đông hơn trước. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cầm đồ một chiếc xe máy trị giá dưới 20 triệu đồng tối đa được vay 10 triệu đồng, điện thoại “xịn” cũng chỉ cầm không quá 2 triệu đồng.

Anh N tiết lộ: “Mấy trường quanh đây, các quán cầm đồ mỗi thẻ sinh viên cũng được vài trăm ngàn đồng, nhưng còn tùy vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như “nhân vật” quen hay không. Với học sinh THPT, thông dụng nhất vẫn là cầm điện thoại. Bọn trẻ cầm một chiếc Iphone được gần 2 triệu đồng, sau đó bỏ ra vài trăm nghìn đồng mua ngay một điện thoại “cục gạch” để liên lạc, vẫn còn hơn triệu tiêu pha”.

Anh N cho biết, hiện tại nếu học sinh “đặt” đồ vay tiền sẽ có mức gia hạn một tháng để hoàn trả nợ với mức lãi suất theo ngày là 4% thay vì 5% như giá thị trường. Đây là giá “khuyến mãi, chào năm học mới”. Đến hẹn, học sinh không trả, chủ tiệm không cho người đến đòi nợ như trước đây mà “chiếm” đồ luôn với lý lẽ “hợp thức hóa theo điều khoản hợp đồng”.

Đâu đâu cũng bẩn

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở một số cổng trường khác lại xuất hiện những “chợ ẩm thực di động” vây quanh với vô vàn thức ăn “thượng vàng, hạ cám”. Ví dụ như cổng Trường tiểu học Nghĩa Tân, tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội)… Hễ giờ nghỉ hoặc tan trường là những hàng thức ăn vặt gắn trên xe máy lại tấp vào sát cổng, chủ yếu là các đồ ăn nhanh như nem chua, xúc xích rán, thịt xiên nướng, rồi các loại uống...

Các loại thức ăn vặt cổng trường rất rẻ. Hầu hết đều có bao bì, màu sắc bắt mắt và tuyệt nhiên đều không có hạn sử dụng hay thông tin nguồn gốc xuất xứ. Những thứ đồ ăn, thức uống ấy bán cho học sinh khiến nhiều người giật mình: 2.000 đồng/chiếc nem chua rán, 2.000 đồng/chai nước ngọt trái cây 25ml… Các món khoái khẩu nem chua và xúc xích này thường được ăn kèm với loại tương ớt “hảo hạng” múc từ chiếc can lớn và đổ vào cốc nhựa cho các “thượng đế nhỏ” chấm. Hầu hết các loại thức ăn ở cổng trường đều được chế biến tại chỗ, bất chấp bụi bẩn ngoài trời, người bán không hề đeo găng tay hay bất kỳ dụng cụ vệ sinh nào khác... Thậm chí, để tận dụng diện tích, người ta còn bày bán đồ ăn ngay sát cống, rãnh nước thải hay nơi tập kết rác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN