Cách chức hiệu trưởng Nam Trung Yên: Nguyên Vụ trưởng giáo dục lên tiếng

"Sự thiếu trung thực, thiếu đạo đức trong trường hợp này rất rõ. Bà hiệu trưởng, hiệu phó không xứng đáng làm nghề cao quý trong các nghề cao quý được”, TS Hoàng Ngọc Vinh- Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT nói về việc cách chức Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên.

Cách chức hiệu trưởng Nam Trung Yên: Nguyên Vụ trưởng giáo dục lên tiếng - 1

TS Hoàng Ngọc Vinh - Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, việc xem xét cách chức và có thể xử lý hình sự đối với Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên hoàn toàn thỏa đáng vì những cán bộ này vi phạm vào các quy định về chuẩn Hiệu trưởng ban hành tại Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 08/4/2011 do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành.

Cụ thể, đã không chấp hành quy định của ngành, địa phương và của trường. Nhà trường đã ban hành quy định cấm taxi đi vào trong trường vậy mà bà Ngọc vẫn ngang nhiên cho taxi chạy vào trong trường vậy là vi phạm ngay chính quy định mình đặt ra để mọi người tuân thủ.

Bà Ngọc lại vi phạm tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện không trung thực và ngoan cố đến cùng tìm mọi cách để lẩn tránh trách nhiệm do sai phạm ban đầu và dẫn đến nhiều sai phạm tiếp sau đó. Thái độ dửng dưng trước nỗi đau của chính học sinh mình và gia đình phụ huynh, thậm chí coi thường công luận không xứng đáng là nhà giáo chứ đừng nói đến là hiệu trưởng hay Hiệu phó của một cơ sở giáo dục.

PV: Cách chức Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên được coi là thỏa đáng nhưng phụ huynh, học sinh vẫn lo ngại hai bà sẽ vẫn được đứng lớp? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Sự thiếu trung thực, trí trá và thiếu đạo đức trong trường hợp cụ thể này rất rõ và không xứng đáng làm cái nghề cao quý trong các nghề cao quý được. Toàn ngành đang đổi mới giáo dục theo Nghị quyết 29/TW-NQ bản thân lại là Đảng viên mà thiếu gương mẫu trong đạo đức và hành vi thì càng thấy không đủ tiêu chuẩn, tư cách làm giáo viên nữa.

Bài học đắt giá về bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong ngành giáo dục

PV: Cách đây 11 năm (năm 2006), báo chí đã lên tiếng về việc ăn chặn tiền ăn của 400 học sinh trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc mà khi đó bà Ngọc là Hiệu trưởng. Thay vì phải loại bà Ngọc ra khỏi ngành giáo dục thì lại bổ nhiệm bà Ngọc sang ngang, làm hiệu trưởng một trường khác. Ông nghĩ sao về cách bổ nhiệm này? 

Tôi đồng ý cái này thuộc trách nhiệm của cơ quan Đảng và chính quyền của Quận Cầu Giấy đã không làm tròn nhiệm vụ khi xử lý kỷ luật bà Ngọc vào năm 2006. Không loại trừ bà Ngọc đã chạy chọt để thoát tội hoặc đã có bàn tay vô hình nào can thiệp vào việc bổ nhiệm bà Ngọc khi đã bị kỷ luật đối với ngành giáo dục là nghiêm trọng về đạo đức. Đây cũng là bài học đắt giá về công tác đánh giá và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý trong ngành giáo dục Thủ đô.

PV: Việc bà Ngọc phải nhận hôm nay là do bà đã dối trá, lẩn tránh trách nhiệm, thiếu trung thực? Là một “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng đủ thấy cộng đồng đã dậy sóng đến mức nào? 

Vụ việc vừa qua khiến cộng đồng dậy sóng chủ yếu do bức xúc với một cán bộ có chức có quyền ở nhà trường lại có đạo đức dối trá và hành vi xấu. Bên cạnh đó, cả một tập thể giáo viên dường như không có tiếng nói sớm bảo vệ quyền lợi của học sinh, đấu tranh với cái xấu, cái dối trá. 

Có thể thấy văn hóa dân chủ trong nhà trường xuống thấp cái này chủ yếu do trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý trường cũng như của cấp trên quản lý trực tiếp nhà trường là Quận ủy và UBND Quận đã thiếu sâu sát và quan liêu đồng thời cũng thiếu trách nhiệm, khi để vụ việc xảy ra khiến Phó Thủ tướng và Chủ tịch Thành phố phải vào cuộc kiên quyết mới có thể đi đến kết luận sai trái của Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng.

PV: Việc cách chức Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng vừa qua là điều đáng buồn trong ngành giáo dục? Theo ông bài học rút ra của vụ việc này là gì?

Ai làm sai với quy định, đạo đức của nhà giáo không chóng thì chày tất bị kỷ luật. Việc kỷ luật cách chức thì không đáng buồn mà chỉ buồn là một cán bộ lãnh đạo quản lý giáo dục có nhiều năm làm việc trong ngành giáo dục Thủ đô lại có đạo đức và hành vi phi giáo dục như vậy. 

Bên cạnh rất nhiều thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục rất tốt, vẫn còn có những người như bà Ngọc âu cũng là cuộc sống đều có người tốt, có người xấu. Nhưng cái xấu và cái ác phải loại trừ, cái tốt cần được khuyến khích. Vấn đề làm sao để cho cái xấu không còn đất sống trong ngành giáo dục.

Theo tôi bài học rút ra từ vụ việc này đối với ngành là mỗi thầy cô giáo, cán bộ lãnh đạo quản lý cần nhìn nhận lại thái độ, đạo đức nghề nghiệp của bản thân để không ngừng rèn luyện tu dưỡng lấy lại lòng tin của xã hội. Bên cạnh đó, cần đặt yêu cầu cao nhất để giáo dục và bảo vệ quyền lợi của học sinh và giáo viên. Cần lấy học sinh làm trung tâm của chính sách giáo dục.

Mỗi trường học phải phát huy dân chủ, công khai để giáo viên và học sinh có thể nói lên tiếng nói của mình. Trong quá trình ấy, vai trò của lãnh đạo cấp trên, của nhà trường về công tác cán bộ và đặc biệt vai trò của truyền thông trở nên rất quan trọng không thể thiếu để đảm bảo môi trường học đường trong sạch, an toàn.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Hợp (Tiền Phong)
Xe taxi chở hiệu trưởng đâm gãy chân học trò Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN