Bốn thách thức bố mẹ phải vượt qua khi chọn mô hình cho con tự học tại nhà

Sự kiện: Giáo dục

"Hệ thống pháp lý và sự thừa nhận từ các cơ sở đào tạo về mô hình giáo dục này là chưa có. Một đứa trẻ bình thường đến tuổi đi học không được đi học có thể bị xem là vi phạm quyền trẻ em", anh Nguyễn Thành Hải nêu khó khăn khi áp dụng mô hình này.

Câu chuyện hai anh em Đặng Thái Anh (SN 2003) và Đặng Nhật Anh (SN 1998) ở quận Tân Bình (TP.HCM) được bố mẹ cho nghỉ học ở trường để ở nhà tự học (home-schooling) và đạt được những kết quả cao bất ngờ đang khiến nhiều ông bố bà mẹ suy nghĩ về việc đầu tư cho con học như thế nào cho thực sự đúng hướng, hiệu quả.

Xung quanh câu chuyện nên hay không nên chọn mô hình home-schooling cho con, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng anh Nguyễn Thành Hải - Giảng viên, Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Khoa học Viện nghiên cứu giáo dục STEM (Trường ĐH Missouri, Mỹ).

Bốn thách thức bố mẹ phải vượt qua khi chọn mô hình cho con tự học tại nhà - 1

Nguyễn Thành Hải - Giảng viên, Nghiên cứu sinh ngành Giáo dục Khoa học Viện nghiên cứu giáo dục STEM (Trường ĐH Missouri, Mỹ).

Quan điểm của anh thế nào về mô hình cho con tự học ở nhà?

Trước hết phải nói rằng hình thức giáo dục tại nhà (home-schooling) là một hình thức không mới trên thế giới. Nếu lấy mốc thời điểm hệ thống các trường công hiện đại ra đời phục vụ cho giáo dục đại trà toàn dân ở các nước phương Tây vào khoảng đầu thế kỷ 16, thì cũng từ đó bắt đầu có những gia đình thực hiện giáo dục tại nhà.

Mặc dù hệ thống trường công ngày càng phát triển, nhưng một số gia đình vẫn chọn hình thức giáo dục tại nhà cho con cái mình. Theo thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 56 nước (không có Việt Nam) chấp nhận hình thức đào tạo này, xem như đây là một hình thức giáo dục hợp pháp song song cùng với hệ thống giáo dục phổ thông chính quy bắt buộc. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ em được áp dụng mô hình giáo dục này vẫn là thiểu số.

Nước Mỹ được xem là nước có hình thức giáo dục tại nhà phát triển nhất với khoảng 2,3 triệu trẻ em (năm 2016) ở độ tuổi từ 5 - 17 tuổi được theo học (chỉ chiếm 3,4% trong số trẻ em cùng độ tuổi này).

Tổ chức giáo dục tại nhà lớn nhất tại Mỹ (HSLDA) khuyến cáo rằng giáo dục tại nhà không phải là dành cho mọi phụ huynh. Nếu cha mẹ không có sự chuẩn bị hoặc không có cam kết để làm một giáo viên tốt cho chính con cái mình thì không nên áp dụng giáo dục tại nhà.

Giáo dục tại nhà không thành công trong thời gian dài có thể mang nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ.

Theo tôi, mô hình giáo dục tại nhà là một sự phát triển tự nhiên theo quy luật của xã hội, phục vụ và đáp ứng nguyện vọng được tự giáo dục của một bộ phận nhỏ có nhu cầu thật sự. Mô hình giáo dục này có những thuận lợi nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức.

Được biết mô hình này ở Mỹ rất phát triển và được chính phủ công nhận. Vậy cơ quan quản lý đã làm gì để đảm bảo mô hình này thực sự có hiệu quả không phải theo kiểu “tự phát”, thưa anh?

Bên Mỹ còn có hiệp hội giáo dục tại nhà uy tín để hướng dẫn mọi người nếu muốn áp dụng mô hình home-schooling cho con cái.

Và Bộ giáo dục Mỹ có hướng dẫn cụ thể cho các phụ huynh có con theo học phương pháp này. Có những bài test được quy đổi ra GPA. Có những tổ chức họ đề xuất các các bài test chuẩn giúp phụ huynh có thể đánh giá năng lực của con em mình. 

Nhiều người cho rằng, cho con học ở nhà sẽ hạn chế mối quan hệ bạn bè, cách xử lý các tình huống bất ngờ và không rèn được cho con tính kỷ luật, sự cạnh tranh. Anh suy nghĩ gì về điều này?

Đúng là vấn đề tương tác xã hội luôn là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất khi bàn về hình thức giáo dục tại nhà.

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng, vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào phụ huynh khi thực hiện giáo dục tại nhà như thế nào, chọn chương trình học như thế nào, đồng thời môi trường xã hội xung quanh của trẻ có hỗ trợ và tạo điều kiện cho trẻ được phát triển các kỹ năng xã hội hay không, chứ không hẳn là trẻ học theo trường lớp chính quy hay học ở nhà.

Cho đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rõ ràng sự khác biệt về các kỹ năng tương tác xã hội giữa học sinh theo học tại nhà kém hơn học sinh theo học trường công.

Trong năm 2000, có một nghiên cứu khoa học do Viện Discovery, Seattle, Washington, tại Mỹ thực hiện quan sát hai nhóm trẻ được áp dụng giáo dục tại nhà và nhóm trẻ được học trường công chơi với nhau.

Sau khi phân tích băng ghi hình, các nhà khoa học đã không thấy sự khác biệt nào về hành vi cư xử và các cách giao tiếp xã hội giữa hai nhóm trẻ này. Nghĩa là chúng ta chưa có bằng chứng để nói trẻ học tại nhà là kém giao tiếp xã hội hơn so với trẻ đi học tại trường công.

Tuy vậy, những nguy cơ về việc trẻ thiếu môi trường xã hội để tương tác và phát triển các kỹ năng xã hội là cao hơn so với trẻ được đến trường học thường xuyên. Do vậy, khi cha mẹ chọn lựa mô hình giáo dục tại nhà ở, các hiệp hội giáo dục tại nhà ở Mỹ luôn có những hướng dẫn để giúp các phụ huynh có được những chiến lược và cách thức phù hợp để hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội cho con, chẳng hạn như cho tham gia các nhóm bạn cùng hoàn cảnh, tham gia các hoạt động tình nguyện, tham gia các chương trình cộng đồng tại địa phương…

Theo anh thực tế ở Việt Nam hiện nay có hợp lý để áp dụng mô hình này không?

Việc gia đình chọn lựa cách giáo dục nào phù hợp với con cái là việc cần thiết được luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta hiện nay còn có nhiều thách thức khi áp dụng mô hình này.

Thứ nhất, hệ thống pháp lý và sự thừa nhận từ các cơ sở đào tạo về mô hình giáo dục này là chưa có. Một đứa trẻ bình thường đến tuổi đi học mà không được đi học thì có thể bị xem là vi phạm quyền trẻ em. Hoặc trẻ em sau khi được giáo dục tại nhà, không có sổ học bạ, không có bảng điểm thì không được thi chuyển cấp, xét tốt nghiệp, hoặc không được xét tuyển vào đại học.

Thứ hai, hệ thống các nguồn tài nguyên học tập chưa đủ để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Phần lớn các nguồn giáo dục tại nhà hiện nay ở trên mạng chủ yếu dựa vào tài liệu nước ngoài, rất ít có tiếng Việt và chưa đủ hệ thống.

Ngoài ra, kiến thức không chỉ đến từ sách vở, còn đến từ các hoạt động thực hành và trải nghiệm, nhưng lại thiếu các môi trường học tập không chính quy (informal learning).

Ví dụ, khi học về sinh học, trẻ không thể chỉ xem hình ảnh các động vật trên máy tính, mà cần được nhìn thấy tận mắt. Thiếu các dụng cụ và môi trường trải nghiệm thực tế trong quá trình học các môn khoa học có thể ảnh hưởng đến sai lệch về nhận thức khoa học của trẻ.

Thứ ba, xã hội vẫn chưa có cái nhìn rộng mở đối với hình thức giáo dục tại nhà. Hiện tượng một vài gia đình cho con nghỉ học ở trường để về nhà tự học thường bị xem là có vấn đề.

Các gia đình có con nghỉ học để học tại nhà thường phải mất rất nhiều thời gian để giải thích và thuyết phục cho mọi người xung quanh hiểu. Tâm lý của các trẻ em theo học các chương trình này cũng ít nhiều bị ảnh hưởng từ các cách nhìn không thiện cảm từ xã hội.

Thứ tư, chúng ta còn thiếu tiêu chuẩn để đánh giá một đứa trẻ theo mô hình học tại nhà. Các hệ thống quy đổi điểm số, các bài kiểm tra năng lực, các hệ thống lưu trữ thông tin chưa được phát triển để hỗ trợ các gia đình có con theo mô hình học tập tại nhà.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Đón xem đề thi thử THPT mới nhất 2017 cùng những mẹo mùa thi hữu ích cho các sĩ tử và thư giãn sau mỗi buổi học bằng những truyện cười mùa thi vô cùng thú vị được cập nhật thường xuyên tại DIEMTHI.24H.COM.VN.

Nghỉ học ở trường, bố mẹ dạy hai con ở nhà như thế nào?

“Đối với hai con trai tôi, học ở nhà có nghĩa là học phần lớn ở nhà chứ không phải chỉ học ở nhà”, anh Đặng Quốc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN