Bộ GD&ĐT hướng dẫn xét tuyển theo nhóm

Xét tuyển theo nhóm: Thí sinh có thể đăng ký tối đa bốn trường

Ngày 15-3, Bộ GD&ĐT đã có văn bản về hướng dẫn tổ chức công tác tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy năm 2016. Một trong những điểm khác biệt so với tuyển sinh năm ngoái là các trường có thể xét tuyển theo nhóm.

Theo quy chế xét tuyển ĐH-CĐ đợt I, mỗi thí sinh được đăng ký tối đa 2 trường, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Ở các đợt xét tuyển bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và trong mỗi trường được đăng ký tối đa 2 ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 2. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng trong từng đợt xét tuyển. Điều này sẽ khiến lượng thí sinh ảo rất lớn.

Để khắc phục điều này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp cho các trường có thể xét tuyển theo nhóm nhằm chống thí sinh ảo. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ có thể giảm được thí sinh "ảo" trong từng nhóm trường chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng thí sinh xét tuyển "ảo".

Bộ GD&ĐT hướng dẫn xét tuyển theo nhóm - 1

 Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển tại ĐH Ngoại thương năm 2015

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, cho biết thí sinh có thể sử dụng số ngành tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (4 ngành trong đợt I và 6 ngành trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm và sắp xếp các ngành đã đăng ký theo thứ tự ưu tiên.

Theo ông Ga, thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào hai trường trở lên trong nhóm ở đợt I hoặc ba trường trở lên trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm.

Ví dụ, đợt xét tuyển đầu tiên, TS được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng cùng một ngành. Các em có thể dùng 4 nguyện vọng ấy để đăng ký ngành Công nghệ thông tin của 4 trường trong nhóm này. Nếu các em không trúng tuyển trường top trên thì có thể trúng tuyển vào trường top giữa hoặc dưới. Như vậy, đăng ký xét tuyển theo nhóm trường sẽ khuyến khích các em chọn ngành mình yêu thích hơn là chọn trường bất kỳ.   Các trường khi tuyển sinh theo nhóm sẽ khử được “ảo”, nếu TS nộp tất cả các nguyện vọng vào những nhóm trường này. Vì thế, việc lập nhóm trường sẽ có lợi cho TS và nhà trường. Tất nhiên, Luật Giáo dục ĐH quy định việc tuyển sinh là của các trường, nên việc lập nhóm hay không là do các trường tự nguyện.

Tuy vậy, theo một số trường ĐH phương án xét tuyển theo nhóm trường chỉ có thể giảm thí sinh xét tuyển ảo trong các trường thuộc một nhóm chứ không thể giải quyết triệt để tình trạng này. Bởi lẽ, nếu thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng xét tuyển vào 1 hoặc 2 trường thuộc một nhóm và 2 nguyện vọng ở một trường khác ngoài nhóm hoặc một nhóm khác thì vẫn sẽ gây ra tình trạng thí sinh "ảo".

Ngoài ra, với những trường top đầu, trường có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, hoặc có các ngành đào tạo hấp dẫn thì việc tham gia nhóm có thể mang lại nhiều lợi ích. Nhưng những trường thuộc top giữa, top dưới, nếu không tìm hiểu kỹ về quy chế tuyển sinh riêng của nhóm thì rất dễ xảy ra tình trạng phải chạy đua để tuyển sinh ngay trong nhóm.

Theo Bộ GD&ĐT, hiện ở phía Bắc có ĐH Bách Khoa Hà Nội đang chủ trì thành lập nhóm có nhiều trường tham gia. Trường này đang xây dựng đề án tuyển sinh theo nhóm trường báo cáo Bộ, sau đó sẽ triển khai. Tới đây, có thể một số trường khác cũng đứng ra thành lập nhóm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Hà (Pháp Luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN