Bán gà, bán củi... cho con đến trường
Những con đường đến trường thường không bằng phẳng với trẻ em nghèo ở khu vực Tây Bắc. Trước ngày khai giảng năm học mới, các bậc cha mẹ nơi đây đang rất cố gắng để con cái có được niềm vui tới trường.
Con gà "gánh" đồ dùng học tập
Dưới cơn mưa tầm tã của những ngày cuối tháng 8 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, hai người đàn bà mặc áo mưa mỏng dính vẫn ôm khư khư cặp gà vào bụng để che mưa, chờ khách hỏi mua. Họ đứng ngay bên cổng chợ xép khu vực bản Nà Si, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, Sơn La.
Chị Lò Thị Nhinh - một trong 2 người phụ nữ bán gà, cho biết: "Chúng em bán gà để lấy tiền mua sách, bút, vở cho các cháu vào năm học mới. Nhưng hôm nay trời mưa, đường vắng khách mà lái gà thì trả rẻ quá nên vẫn chưa bán được".
Chị Nhinh cho hay, chị và chị Hôm - người cùng đi bán gà, đều là dân bản Nà Si và cùng có 2 con đi học lớp 1, lớp 4 trong năm học này. "Vào năm học mới, sách, vở, bút, mực… cái gì có thể xin được của các anh chị lớp trên thì cũng đỡ nhiều rồi. Nhưng mỗi đứa đi học vẫn phải chi thêm ít nhất là 1 con gà này đấy. Chúng em là hộ nghèo nên cứ nói đến mua sắm từ trăm ngàn đồng trở lên là lo lắm, chỉ biết bán gà, bán lợn thôi".
Các phụ huynh ở bản Nà Bai, bản Sẳng (xã Pắc Ta, Tân Uyên, Lai Châu) góp công tu sửa lớp học chuẩn bị cho năm học mới.
Tôi hỏi: "Sao không đặt gà xuống đất cho đỡ mỏi tay, khách lại dễ thấy”, thì chị Hôm cười: "Để ra ngoài nó ướt lông, người ta lại tưởng gà ốm, chả ai mua thì còn khổ hơn. Ngày mai phải đi sắm đồ cho bọn nhỏ rồi. Hôm nay, chúng tôi phải bán được gà… Mọi hôm dân bản bán được tới 100.000 đồng/kg gà ta. Nhưng hôm nay, lái gà chỉ trả có 75.000 đồng/kg nên tôi không bán. Chịu khó đợi tý nữa may ra có khách qua đường họ mua sẽ đúng giá hơn; ít ra cũng thêm được mấy cái bút chì, vài quyển vở… ".
Đau vai lắm củi ơi!
Trên con đường từ trung tâm xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) về ngã ba Bình Lư, huyện Tam Đường, chúng tôi bắt gặp nhiều phụ nữ kẽo kẹt gánh những gánh củi nặng nề, gằm mặt bước trên đường.
Hỏi chuyện chị Tòng Thị Nhân (bản Nà Sẳng, xã Pắc Ta), chị thở dốc: “Chúng em đi lấy củi về bán để lấy tiền mua quần áo và vở cho con chuẩn bị vào năm học mới. Phải 10 gánh củi thế này mới đủ tiền sắm tạm cho một đứa trẻ đi học lớp 3.
Theo Ủy ban Dân tộc, trẻ em nghèo vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có khu vực Tây Bắc đang được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ về giáo dục, như Quyết định số 159/2002 về kiên cố hóa trường học, ưu tiên đầu tư cho các xã nghèo ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung; Quyết định số 161/2002 về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non, hỗ trợ trẻ em nghèo vùng núi tới trường và Quyết định số 82/2006 về việc cấp học bổng, miễn 100% học phí, các khoản đóng góp xây dựng trường và được cấp một lần tối thiểu 120.000 đồng/năm để mua sách vở, đồ dùng học tập... Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khoản tiền mà các bậc cha mẹ phải đóng góp. Và như vậy, cứ mỗi đầu năm học mới, tại nhiều vùng Tây Bắc, các bậc cha mẹ đều phải bán gà, thóc, ngô và các loại nông sản khác chuẩn bị cho con tới trường. |
Đấy là sách giáo khoa đã được hỗ trợ, chỉ sắm thêm vở, bút và áo, quần thôi. Mà em cũng chỉ mua cho cháu cái áo mới, còn quần thì mặc đồ cũ cũng được. Nhưng vẫn phải mua thêm đôi dép, nếu không mua dép là nó không chịu đến lớp vì sợ các bạn cười…
Chị Tòng Thị Tiên ở cùng bản với chị Nhân, cho biết thêm: "Lấy củi bây giờ khó lắm vì cán bộ quản lý chặt; phải đi xa nên cả buổi sáng chỉ được 1 gánh, bán được 40.000 đồng thôi. Nhưng một hộp bút đã mất 50.000 đồng rồi. Muốn mua đủ bộ quần áo cho cháu, loại rẻ tiền cũng mất thêm 110.000 đồng nữa. Để con mặc áo rách đi học thì không đành lòng nên phải cố thôi”.
Theo tính toán của chị, cứ một đứa trẻ đến lớp vào năm học mới là phải có ít nhất khoảng 300.000 - 400.000 đồng. “Vì thế, nhà nào nghèo mà đông con đi học thì khổ lắm. Đấy là chưa kể còn phải góp công, góp vật liệu tu sửa lớp học. Bản nghèo chỉ có lớp học tạm thôi” - chị Tiên nói.
Vào năm học mới, các địa phương vùng Tây Bắc đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho việc xây dựng trường lớp học, cung ứng sách giáo khoa, thiết bị dạy và học để hỗ trợ cho các học sinh, các điểm trường.
Nhưng vẫn còn hàng nghìn lớp học tạm với phên, gianh, nứa, lá và cả chục nghìn phận đời nghèo khó của những học sinh là con em nông dân vùng cao. Với những phụ huynh, học sinh nghèo này, sắm thêm một cây bút chì, một lọ mực cũng là gánh nặng.