5 bài học đắt giá về “trường đời”, con cái biết càng sớm càng tốt

Sự kiện: Dạy con

Có một số kỹ năng không được dạy trong trường học, cũng không có trong sách vở nhưng chính cha mẹ lại là người từng trải qua và cần truyền đạt lại cho con mình.

1. Bài học về sự lạc quan

Có một câu nói của Chu Dịch – nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật người Trung Quốc từng nói sau khi kết thúc màn trình diễn của mình trong cuộc thi Olympic Bắc Kinh 2022 rằng: “Chính sự tự tin đã giúp tôi vượt qua vũng lầy của cuộc đời”.

5 bài học đắt giá về “trường đời”, con cái biết càng sớm càng tốt - 1

Trong phần thi của mình, cô tham gia 3 lượt thi đấu nhưng đã khóc 2 lần. Sai lầm trong 2 lượt thi đấu đầu tiên khiến cô nhận về không ít lời chỉ trích của cư dân mạng. Điều mọi người bàn tán nhiều nhất không phải màn trình diễn thất bại mà là dáng vẻ suy sụp, rụt rè và kém tự tin của cô trên sân.

Sau đó, dù thua cuộc nhưng lần này, ngay cả khi cô thất bại trên sân, ít có người chỉ trích hơn. Điều này là do cô vẫn giữ được thái độ tự tin, mỉm cười ngay cả khi thất bại. Đó mới thực sự gọi là thành công.

Thất bại không quá đáng sợ nhưng điều đáng sợ nhất là không dám dối mặt với thất bại. Khi một người không có niềm tin vào bản thân, họ sẽ không có đủ dũng khí vượt qua những khó khăn.

Tự tin không có nghĩa sẽ mang lại thành công, nhưng thành công của một người nhất định không tách rời sự tự tin.

2. Bài học chống lại căng thẳng

Sau một trận đấu tại Olympic Bắc Kinh 2022, nữ tuyển thủ trượt tuyết Gu Eileen đã chia sẻ điều này trong một cuộc phỏng vấn: “Căng thẳng là thứ mang lại cho tôi năng lượng. Có nó, tôi sẽ làm tốt hơn”.

5 bài học đắt giá về “trường đời”, con cái biết càng sớm càng tốt - 2

Gu Eileen có một phần thi cần phải hoàn thành một động tác khó. Ở lượt thi thứ 2, cô bị ngã nên thứ hạng lúc đó khá thấp. Áp lực lúc đó đè nặng lên vai cô. Nhiều người cho rằng, cô có khả năng cao sẽ mắc lỗi ở lượt thi thứ 3.

Nhưng thật bất ngờ, Gu Eileen đã chịu đựng được áp lực, hoàn thành lượt thi một cách hoàn hảo và giành chiến thắng. Như những gì cô ấy từng nói, chính áp lực đã khiến cô thể hiện tốt hơn trong lần thi sau.

Đây cũng là điều cha mẹ cần nói với con cái. Khi đối mặt với căng thẳng, điều quan trọng nhất cần làm là rút ra kinh nghiệm, biến áp lực thành động lực, vượt qua thất bại và không ngừng hoàn thiện bản thân.

Trên thực tế, không có học sinh nào không bị áp lực học hành. Nhưng chính nhờ áp lực đó mà có không ít học sinh cố gắng, ngày càng tiến bộ hơn. Mỗi khi nhìn thấy các bạn cùng lớp tiến bộ, áp lực trong lòng sẽ càng tăng lên. Điều này sẽ thúc đẩy động lực bên trong mỗi người phát huy mạnh mẽ hơn.

Nếu trẻ muốn tiến cao và xa, chúng phải đánh bại áp lực hết lần này đến lần khác và biến nó thành động lực.

3. Bài học về sự kiên cường

Một vài năm trước, tại buổi lễ tốt nghiệp của trường Đại học Thanh Hoa, có một cô gái tên Trương Mẫn đã chia sẻ kinh nghiệm của mình. Theo đó, cô xuất thân trong một gia đình nghèo ở vùng nông thôn. Lần đầu tiên bước ra ngoài ngôi làng quen thuộc, đến địa điểm tỉnh để tham gia cuộc thi vật lý, cô thậm chí còn chưa bao giờ nhìn thấy các thiết bị được sử dụng trong các cuộc thi lúc đó.

Thế nhưng, 3 năm sau nhờ sự nỗ lực của bản thân, cô giành được một suất vào Đại học Thanh Hoa. So với các bạn cùng lớp, mọi khía cạnh của cô đều có một khoảng cách rất lớn. Lúc đó, cô liên tục tự nhủ và động viên bản thân: “Trong mọi trường hợp, đừng lùi bước, đừng cố gắng, đừng bỏ cuộc”.

Đến khi ra trường, cô từ người “dưới đáy” trở thành đại diện sinh viên, vượt lên trên nhiều người khác.

Vì thế, cha mẹ hãy dạy con mình rằng, đừng dễ dàng đầu hàng cuộc sống, đừng bỏ cuộc sớm, chỉ cần kiên cường cố gắng bước tiếp, thành công nhất định sẽ tới.

4. Bài học về sự bền bỉ

Thomas Edison từng có một câu nói bất hủ: “Thiên tài chỉ có 1% là năng khiếu bẩm sinh, 99% còn lại là do khổ luyện”.

5 bài học đắt giá về “trường đời”, con cái biết càng sớm càng tốt - 3

Chu Dịch hay Gu Eileen được mọi người tung hô là thiên tài. Thế nhưng, để đạt được những thành công như hiện tại, mang về cho mình những tấm huy chương vàng sáng lòa, thời gian họ bỏ ra luyện tập vượt xa mức tưởng tượng của mọi người.

Trong buổi tập luyện, Chu Dịch từng chia sẻ: "Một động tác có độ khó mới, tôi tập 6 tiếng mỗi ngày và dành cả một mùa hè để hoàn thành nó một cách nhuần nhuyễn”.

Trong khi bạn bè đang ngủ, Chu Dịch phải dậy từ sớm, ra ngoài lúc trời âm hàng chục độ C. Huấn luyện viên nói tập luyện bắt đầu lúc 8 giờ nhưng cô nghĩ mình cần bắt đầu lúc 6:45.

Những nỗ lực thành công của Chu Dịch thậm chí còn được cô xác nhận qua một công thức: Tài năng + Nỗ lực = Kỹ năng, Kỹ năng + Bền bỉ = Thành công.

Nhiều người có xu hướng đánh giá sự thành công của người khác là do may mắn, nhưng chỉ có bản thân họ mới biết rõ được, bản thân không thông minh, điều duy nhất có thể làm chính là làm việc chăm chỉ và kiên trì hơn những người khác.

Cha mẹ cần nói với con cái rằng, cái gọi là may mắn và tài năng thực ra là tên gọi khác của sự nỗ lực và kiên trì từ ngày này sang ngày khác.

5. Bài học về sự hợp tác

Có câu nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.

Hay như người xưa có câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Dù ở trong trường học hay ngoài xã hội đều không thể tách rời tập thể, đội nhóm.

Vì vậy, khi gặp khó khăn trong học tập, trẻ phải học hỏi các bạn trong lớp và thầy cô. Sau này khi ra ngoài xã hội, chúng cũng nên học cách hợp tác với các đồng nghiệp để mang lại hiệu quả công việc cao nhất.

Một người dù giỏi giang, xuất chúng đến đâu nếu không có đồng đội, không biết hợp tác với nhau, trong lòng chỉ có bản thân và sự thắng thua, cuối cùng sẽ khó đạt được thành công.

Vì vậy, cha mẹ nên dạy con mình cần phải biết hợp tác, đó mới là sự khôn ngoan trong cuộc sống.

Nguồn: [Link nguồn]

5 điều trẻ làm khi rảnh rỗi quyết định tương lai có thành công hay không

Không phải điểm số quyết định tương lai của trẻ mà là những điều chúng làm khi rảnh rỗi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Hằng (Theo 163) ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN