30 điểm trượt ĐH, dùng nhiều tiêu chí phụ: Khâu ra đề đã thất bại hoàn toàn?

“Một kỳ thi phải sử dụng quá nhiều tiêu chí phụ để xét tuyển thì có thể cho thấy khâu ra đề đã thất bại hoàn toàn. Điều đó có thể thấy, với kết cấu đề thi năm nay chỉ đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho thí sinh”, thầy Lê Đức Vĩnh cho hay.

30 điểm trượt ĐH, dùng nhiều tiêu chí phụ: Khâu ra đề đã thất bại hoàn toàn? - 1

Dùng quá nhiều tiêu chí phụ để xét tuyển đại học là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Cho đến thời điểm hiện tại, các trường đã công bố danh sách thí sinh trúng tuyển đợt 1. Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận vẫn chưa “hạ nhiệt” vì câu chuyện thí sinh đạt 30 điểm nhưng vẫn trượt ĐH vì có những trường trong khối ngành công an, quân đội lấy trên 30 điểm. Rồi những câu chuyện đẫm nước mắt của thí sinh khi trượt ĐH vì điểm làm tròn, điểm ưu tiên, tiêu chí phụ…

Vậy cốt lõi vấn đề từ đâu mà xảy ra tình trạng như trên? Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng thầy Lê Đức Vĩnh – Nguyên Trưởng bộ môn Toán Học viện Nông nghiệp Việt Nam. 

PV: Thưa thầy, thầy đánh giá thế nào về kỳ thi THPT quốc gia 2017 và việc dựa vào kết quả của kỳ thi để tuyển sinh vào ĐH?

Thầy Lê Đức Vĩnh: Với kỳ thi hai trong một năm nay, thành công hay thất bại phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Với phần đông các tỉnh đạt trên 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp có thể coi đó là thành công vượt sức tưởng tượng của nhiều người, nhưng liệu con số trên 99% ấy có đánh giá đúng thực học của học sinh hay không, đó lại là điều cần bàn. Một kỳ thi phải huy động 50% giám thị là các giảng viên đại học về trông thi ở các tỉnh để rồi tìm ra chưa tới 1% số thí sinh bị rớt tốt nghiệp liệu có đáng với công sức bỏ ra hay không?

PV: Thầy suy nghĩ thế nào về hiện tượng 30 điểm trượt ĐH?

Thầy Lê Đức Vĩnh: Dựa vào kết quả thi để tuyển chọn thí sinh vào học các trường đại học nhưng có những trường điểm chuẩn tới 29,25 điểm trở lên thậm chí có trường phải trên 30 điểm mới đủ điều kiện nhập học, thì liệu cái sàng tuyển chọn kia đã là loại sàng tối ưu hay chưa? Đành rằng tham gia trò chơi phải tuân thủ luật chơi, nhưng luật chơi bất ổn thì cuộc chơi có công bằng hay không?Việc nhiều trường có điểm xét tuyển lên tới 29 thậm chí hơn 30 điểm (kể cả điểm ưu tiên) tôi tin chắc đó là điều mà những người ra đề thi và lãnh đạo Bộ GD&ĐT đều không ngờ tới, bởi nó quá bất thường. Đó là chưa kể thí sinh đủ điểm đỗ nhưng trượt vì tiêu chí phụ, vì điểm làm tròn…

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có hơn 400 điểm 10 (trong khi năm ngoái chỉ có khoảng 70 điểm 10), phổ điểm tăng cao rồi điểm chuẩn các trường ĐH tăng đột biến tức là đề thi của chúng ta quá dễ và tính phân loại chưa cao. Đó là điều ai cũng nhìn thấy.

Một kỳ thi mà điểm tuyệt đối thí sinh cũng trượt, rồi việc các trường phải dùng quá nhiều tiêu chí phụ dẫn đến “loạn tiêu chí phụ” cho thấy đề thi không có những câu hỏi khó (khoảng 40% ) để dùng cho mục đích phân loại thí sinh để xét tuyển ĐH.

Sử dụng các đề thi mà học sinh ở mức trung bình cũng có thể đạt điểm 8 điểm 9 đã tạo ra một “cái sàng” có tính lọc kém. Với đề thi dễ thì những thí sinh khá, thí sinh giỏi và thí sinh xuất sắc cùng lọt sàng cùng vào ĐH mà ranh giới phân định ở đây là điểm ưu tiên, tiêu chí phụ.

Một kỳ thi phải sử dụng quá nhiều tiêu chí phụ để xét tuyển thì có thể cho thấy khâu ra đề đã thất bại hoàn toàn. Điều đó có thể thấy, với kết cấu đề thi năm nay chỉ đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho thí sinh.

PV: Nhiều người cho rằng, nên thu hẹp điểm ưu tiên vì ranh giới vùng miền bây giờ cũng không quá phân định khi học sinh có thể học qua internet? Xin thầy cho biết quan điểm về vấn đề này?

Thầy Lê Đức Vĩnh: Tôi muốn nói tới là tính bất thường của một vài trường có điểm xét tuyển trên 30. Nhiều người bàn tới tính bất hợp lý của việc cộng điểm ưu tiên vì có những thí sinh được cộng tới 3,5 điểm. Việc cộng điểm ưu tiên là đúng hay sai, nhiều hay ít tôi không bàn tới.

Theo tôi, những thí sinh được cộng thêm từ 2 – 3,5 điểm trở lên có lẽ không nhiều, đa số thí sinh này là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, con em dân tộc miền núi.

Giả sử một thí sinh nào đó được cộng thêm 3 điểm để đạt tổng điểm là 30,5, điều này đồng nghĩa với điểm thi của thí sinh này là 27,5. Nếu việc chấm thi là nghiêm túc và nếu đề thi có tính phân loại cao thí sinh trên đã là học sinh xuất sắc.

Như vậy, có thể thấy, trường A nào đó có ngành tuyển 100 sinh viên với mức điểm 30,5 đồng nghĩa với việc các tân sinh viên này đều được cộng điểm ưu tiên và tất cả các em đều là học sinh suất sắc.

Được biết không chỉ một trường có điểm xét tuyển thí sinh có điểm trên 30. Một lượng khá lớn thí sinh ở vùng sâu vùng xa, thí sinh thuộc diện ưu tiên có điểm ba môn thi trên 27 điểm, điều này có dị thường hay không, dị thường này là chấp nhận được hay có điều gì đó bất ổn trong khâu trông thi và khâu chấm thi ở một số tỉnh?

Điển hình như ĐH Y Hà Nội, 95% thí sinh được cộng điểm ưu tiên đã có “tấm vé” vào ngành Y đa khoa còn những thí sinh ở khu vực 3 chỉ có cánh cửa hẹp là 5%?

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!

Bất cập điểm ưu tiên, Bộ GD&ĐT: Cần đánh giá tổng thể để điều chỉnh

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, trao đổi với phóng viên Tiền Phong về những bất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Điểm chuẩn đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN