Phim kinh dị 'Cám' gắn nhãn 18+, khác xa truyện cổ tích

Sự kiện: Phim chiếu rạp
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Dị bản "Tấm Cám" kinh dị của đạo diễn Trần Hữu Tấn mang đến câu chuyện đáng sợ và gây nhiều cú twist, nhất là việc Tấm bất ngờ "hắc hóa".

Những cú twist ở dị bản Tấm Cám

Ngay từ khi giới thiệu, dự án Cám đã gây tò mò khi giới thiệu là dị bản kinh dị của truyện cổ tích quen thuộc với khán giả là Tấm Cám. Cộng với thành công của hai tác phẩm trước của đạo diễn Trần Hữu Tấn là mini series Tết ở làng địa ngục và phim điện ảnh Kẻ ăn hồn, nhiều khán giả trông đợi Cám có gì mới mẻ.

So với truyện cổ tích, Cám đưa ra một tiền đề mới mẻ mô-típ “What if” (tạm dịch: Chuyện gì sẽ xảy ra... nếu?) trong các phim Hollywood. Sẽ như thế nào nếu Cám thật ra không phải con cưng trong gia đình? Sẽ như thế nào nếu cha của chị em Tấm và Cám vẫn còn sống? Sẽ như thế nào nếu hai chị em Tấm - Cám lại thương yêu nhau trước khi cả hai rơi vào bi kịch?

Trong truyện cổ tích, Cám là kẻ nhỏ nhen, luôn cùng mẹ kế bắt nạt cô Tấm hiền lành, phim điện ảnh của Trần Hữu Tấn đi ngược lại. Cám (Lâm Thanh Mỹ thủ vai) sinh ra với bộ dạng xấu xí, luôn bị cha là Hai Hoàng (Quốc Cường đóng) và mẹ ruột (Thúy Diễm đảm nhận) ngược đãi. Trái lại, Tấm (Rima Thanh Vy đóng) lại là người duy nhất trong gia đình yêu thương em gái cùng cha khác mẹ thật lòng.

Phim kinh dị 'Cám' gắn nhãn 18+, khác xa truyện cổ tích - 1

Cám ở bản điện ảnh sinh ra xấu xí, bị gia đình ghét bỏ.

Cám ở bản điện ảnh sinh ra xấu xí, bị gia đình ghét bỏ.

Từ đó về sau, cốt truyện bắt đầu đi theo hướng “hắc hóa” quen thuộc trong phim ảnh các năm gần đây. Ngôi làng mà cha Cám làm lý trưởng có vẻ ngoài yên bình, nhưng thật ra ẩn chứa một bí mật khủng khiếp.

Sự bình an đó đến từ giao kèo nhiều năm trước trong dòng tộc của Hai Hoàng với con quỷ trong rừng tên là Bạch Lão. Cứ chu kỳ 10 năm, nhà Hai Hoàng phải hiến tế một người con gái đồng trinh trong gia tộc cho quỷ dữ. Bi kịch xảy ra liên tiếp trong gia đình Tấm Cám và ngôi làng.

Câu chuyện phim Cám tạo cảm giác “quen mà lạ” cho khán giả. Bản điện ảnh vẫn giữ lại những chi tiết kinh điển như gọi cá bống ăn, mò tép, thử hài, chặt cây cau, nhưng chúng đều mang góc nhìn khác biệt. Bộ phim liên tục đưa ra các plot twist lắt léo, khiến người xem phải trông chờ liệu tình tiết đi theo hướng nào, đặc biệt là cái kết gây tranh cãi trong truyện cổ tích được giải quyết ra sao.

Chất kinh dị trong bộ phim được đẩy cao qua những màn ra tay đẫm máu, cũng như tạo hình đáng sợ của các nhân vật.

Phần hóa trang đặc biệt là điểm mạnh của phim, với những tạo hình kỳ công như khuôn mặt của Cám, cơ thể kỳ dị của con quỷ tên Bạch Lão, cũng như các cảnh dân làng bị sát hại. Cảnh cao trào của phim cũng để lại nhiều ấn tượng bởi màn hành động dữ dội và thần thái của các diễn viên.

Diễn viên tròn vai, tạo hình có nhiều sự đầu tư

Về diễn xuất, phải dành nhiều lời khen cho Lâm Thanh Mỹ với màn hóa thân gần như là lột xác. Cám cũng đánh dấu vai diễn “người lớn” đầu tiên của diễn viên Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh sau khi cô nàng vừa tròn 18 tuổi.

Với lần tái xuất ở Cám, Lâm Thanh Mỹ thể hiện được cả ba trạng thái của nhân vật, từ hiền lành, cam chịu lúc đầu, tình yêu chớm nở ở đoạn giữa và những màn trả thù với ánh mắt, nụ cười gây ám ảnh về sau. Trong dàn diễn viên trẻ của Việt Nam, cô là một trong số diễn viên trẻ có thể thể hiện biểu cảm đa dạng như vậy.

Ngoài ra, còn phải kể đến thử thách của Lâm Thanh Mỹ khi phải đóng nhiều cảnh với một phần mặt bị che kín do phần hóa trang dị dạng.

Nữ diễn viên cho biết phải tập cách diễn bằng một mắt sao cho vẫn thể hiện được cảm xúc của nhân vật. Ngoài ra, ở một số phân đoạn, cô phải diễn nhiều bằng hình thể khi nhân vật Cám trở nên khác thường.

Phim kinh dị 'Cám' gắn nhãn 18+, khác xa truyện cổ tích - 3

Cám bản điện ảnh có sự đầu tư mạnh về phục trang, bối cảnh.

Cám bản điện ảnh có sự đầu tư mạnh về phục trang, bối cảnh.

Trong bộ phim nhan đề Cám, những nhân vật khác như Tấm hay hoàng tử (Hải Nam) bị giảm bớt vai trò. Dù vậy, các diễn viên của phim cũng đều có những khoảnh khắc để thể hiện được tính cách nhân vật. Hai diễn viên quen mặt với nhiều khán giả là Quốc Cường và Thúy Diễm đều đóng tròn vai cha mẹ Tấm Cám.

Nhân vật của họ có những khoảnh khắc cho khán giả vừa giận vừa thương, vì suy cho cùng họ chỉ là những người bình thường phải đối mặt với những chuyện quái ác từ đời cha ông truyền lại. Còn NSƯT Hạnh Thúy xuất hiện dù ít nhưng đủ gây ấn tượng với vai diễn có tạo hình đặc biệt nhất vũ trụ kinh dị Tấm Cám.

Nối tiếp tinh thần kinh dị kỳ ảo và đúc kết nhiều kinh nghiệm từ hai dự án Tết ở làng địa ngụcKẻ ăn hồn, đạo diễn Trần Hữu Tấn cùng ê-kíp cho thấy sự đầu tư phục trang và bối cảnh. Đoàn phim có sự tư vấn của chuyên gia Phan Thanh Nam (họa sĩ Ấm Chè) trong việc tạo ra nhiều bộ cổ phục đẹp mắt.

Bộ trang phục đẹp nhất của phim nằm ở phân cảnh hoàng tử kết duyên cùng Tấm, trong khi đó một đại cảnh cho thấy sự chịu chơi với hơn 200 diễn viên quần chúng.

Về bối cảnh phim, ấn tượng nhất có lẽ là khu rừng hiến tế, khi đoàn phim đã cất công chọn lựa một địa điểm đặc biệt ở tỉnh Quảng Trị có nhiều cành cây mang hình thù đáng sợ.

Nguồn: [Link nguồn]

Rima Thanh Vy hóa nàng Tấm, Lâm Thanh Mỹ đóng Cám với khuôn mặt biến dạng, trong phim kinh dị lấy cảm hứng truyện cổ tích.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Vũ ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN