Obama và bài hát suýt bị lãng quên của nhạc sĩ Văn Cao
Ít ai biết rằng, bài hát Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao được Tổng thống Obama nhắc đến trong bài phát biểu của mình tại Việt Nam hôm 24/5 đã suýt bị lãng quên.
Người Việt và người Mỹ đều thuộc lời bàt hát
Trưa 24/5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có phát biểu tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình trước hơn 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân trẻ... Trong buổi phát biểu này, có 2 bài hát của nhạc sĩ Văn Cao được vang lên và nhắc đến. Đầu tiên là bài hát Quốc ca Việt Nam do diva Mỹ Linh hát một mình không nhạc đệm trước Tổng thống Mỹ trong phần giao lưu văn hóa.
Tổng thống Obama phát biểu trước hơn 2.000 trí thức, sinh viên, doanh nhân trẻ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình
Trong bài phát biểu của mình, để lý giải cho mối quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, Tổng thống Obama đã trích dẫn một câu hát rất nổi tiếng trong bài Mùa xuân đầu tiên của cố nhạc sĩ Văn Cao. “Chúng ta đã nỗ lực hàn gắn những vết thương, mang lại nhiều lợi ích cho hai nước. Chính những người cựu chiến binh cho chúng ta thấy nhân dân của chúng ta gần gũi nhau hơn. Chúng tôi đã đón nhiều sinh viên VN hơn các nước ở châu Á, nhiều người Mỹ đã đến Hà Nội, Hội An. Người Việt và người Mỹ đều thuộc lời bài hát của Văn Cao. Từ nay người biết quê người/Từ nay người biết thương người”, Tổng thống Obama nói.
Nhạc sĩ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng nhạc sĩ Văn Cao cho biết: “Tôi chưa được xem bài phát biểu đó, nhưng rất vui khi bài Quốc ca được hát lên trong phần giao lưu văn hóa và bài Mùa xuân đầu tiên được ông Obama nhắc đến”.
Họa sĩ Văn Thao cho biết, những bài hát của nhạc sĩ Văn Cao đều mang tính dự đoán và chốt của từng giai đoạn lịch sử. Ông chính là con người của lịch sử, người tiên tri.
“Vào một ngày giáp Tết Bính Thìn (1976), tôi trở về nhà, sững sờ với tiếng đàn dương cầm vọng ra từ căn gác nhỏ. Đó là một điệu valse mượt mà, dìu dặt. Cùng với đó là cảnh tượng mà lâu lắm rồi tôi không được chứng kiến. Cha ngồi bên đàn. Đôi bàn tay khô gầy của ông đang lướt trên những phím đàn ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng. Sau đó, ông bảo với tôi sáng tác bài hát này mừng xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất và Mùa xuân đầu tiên - mùa xuân hòa bình độc lập đã ra đời”, nhạc sĩ Văn Thao nhớ lại.
Mùa xuân đầu tiên suýt bị lãng quên
Nhà thơ Thụy Kha, người từng gắn bó một thời với nhạc sĩ Văn Cao không giấu được niềm vui: “Trong lúc Obama phát biểu mọi người có gọi và nhắn tin cho tôi phải xem ngay. Tôi xem xong rất vui, Văn Cao thật là quá giỏi”.
Nhà thơ Thụy Kha cho biết, chúng ta đã suýt mất một tuyệt phẩm hay. “Cuối xuân 1985, tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định ghép lại) có nhã ý mời Văn Cao, Nguyễn Trọng Tạo và tôi vào thăm và sáng tác cho tỉnh. Để đáp lại thịnh tình của quê hương Quang Trung - Nguyễn Huệ, chúng tôi bàn nhau mỗi người làm một cái carpostal gồm một bức ký họa chân dung, một bài thơ và một bản nhạc”.
Riêng Văn Cao đã có bức tự họa của ông, một bài thơ ông mới viết về Quy Nhơn. Thế còn bản nhạc. Đầu tiên định in Tiến quân ca. Nhưng Văn Cao lại có ý khác. “Mình đã dùng âm nhạc thúc giục cả dân tộc qua hai cuộc chiến tranh, mình muốn in một ca khúc khác - ca khúc mừng cả dân tộc được thoát khỏi chiến tranh, được sống trong thanh bình đã 10 năm qua”, nhà thơ Thụy Kha nhắc lại tâm sự của nhạc sĩ Văn Cao.
Khi tôi hỏi ca khúc ấy đâu thì Văn Cao mở ngăn kéo tủ đã xập xệ, rút ra một tập sách nhạc khổ to in chữ tiếng Nga. Ông từ từ mở trang gần giữa. Hiện lên trước mắt tôi là bản nhạc có phần đệm piano tên là Mùa xuân đầu tiên có cả bản dịch tiếng Nga.
Tôi nói: “Ca khúc hay thế sao bây giờ vẫn nằm trong tủ của cụ?”. Văn Cao tư lự, ngồi lặng im, rồi thủng thẳng: “Viết ra in trên báo Sài Gòn Giải Phóng, rồi đưa cho đài từ năm 1976, có thu đâu mà chả để trong tủ. May Liên Xô (cũ) còn in cho làm kỷ niệm”.
Cho đến cuối năm 1991, lần đầu tiên, Mùa xuân đầu tiên được ca sĩ Quốc Đông thu âm với phần đệm đàn organ của nhạc sĩ Hoàng Lương.
Năm 1998, Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới ấn hành tập thơ Lá của Văn Cao và đặc biệt Nhà xuất bản Trẻ ấn hành một tập thơ - nhạc khổ rộng mang tên Thiên thai. Ở ấn phẩm này, lần đầu tiên Mùa xuân đầu tiên được chính thức công bố ở Việt Nam sau hơn 20 năm tác giả hoàn thành tác phẩm. Một chờ đợi bằng tuổi thanh xuân của một đời người.
Bố tôi không bao giờ đánh và mắng các con
Họa sĩ Văn Thao kể, sinh thời nhạc sĩ Văn Cao là một người sống rất tình cảm, yêu vợ thương con nhưng lại rất nghiêm khắc, công bằng. “Khi chúng tôi có lỗi đến đâu, cụ không bao giờ mắng, đánh các con. Những lúc cụ nóng, cụ xử sự sai, hôm sau cụ sẽ xin lỗi các con”, ông nói.
Chính vì thế, trong mắt họa sĩ Văn Thao, nhạc sĩ Văn Cao không chỉ là một người bố, mà còn như một người mẹ. “Mẹ tôi bận công việc nên ở nhà bố tôi hay nấu ăn và dạy lại cách nấu ăn cho tôi”.
Con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao cho biết, trong 30 năm không sáng tác nhạc, ông đã tập trung vào làm thơ chiêm nghiệm về cuộc sống, vẽ minh họa, vẽ nhãn mác để kiếm sống. Trước khi mất ông muốn làm giao hưởng, nhạc không lời với những dàn hợp xướng lớn...
Một trong những tâm niệm lúc sinh thời của cố nhạc sĩ Văn Cao đó là hiến tặng bài Quốc ca cho Quốc hội Nhà nước Việt Nam. “Khi bài hát được viết xong, cha tôi cũng đã khóc. Ông nói, kể từ hôm nay bài hát Tiến quân ca đã không còn là của tôi nữa. Nó đã là của nhân dân”.
Họa sĩ Văn Thao cũng cho biết, hiện tại gia đình đã hoàn thành mọi thủ tục hiến tặng tác quyền ca khúc. Bộ VH,TT&DL là cơ quan đầu mối kết nối với Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã gặp gỡ gia đình để thống nhất về nghi lễ hiến tặng ca khúc. Cũng trong lễ hiến tặng này, Nhà nước sẽ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. “Cha tôi có nhiều tác phẩm, các tác phẩm đó đều được trả tiền khi biểu diễn, như vậy là quá tốt rồi. Còn Tiến quân ca là ca khúc được viết cho cách mạng, cho nhân dân thì sở hữu phải thuộc về nhân dân và tác quyền sẽ thuộc về Nhà nước. Đó là lý do gia đình tôi hiến tặng tác quyền ca khúc này cho Quốc hội”, con trai nhạc sĩ Văn Cao khẳng định.