Check VAR sao kê: Họ nghĩ gì khi phông bạt?

Sự kiện: Nghe Nghĩ Ngẫm
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Những ngày tháng mà trong đời thật chúng ta phải đối diện với rất nhiều mất mát đến từ thiên tai, thì cùng lúc ấy, trên mạng xã hội cũng bày ra những khắc nghiệt không kém về lòng người.

Họ nghĩ gì khi họ quyết định “phông bạt”?

Một cơn bão đi qua, rất nhiều đau thương ở lại. Vì vậy bất cứ sự chung tay, góp sức nào cũng đều quý giá như nhau với những cảnh đời đang cần những điểm tựa.

Chúng ta không ai muốn rơi vào hoàn cảnh mất mát, thế nên đôi khi chỉ là một cái nắm tay tiếp sức, nụ cười sẻ chia đúng lúc cũng vực dậy niềm tin sống tiếp cho nhiều con người, huống chi là những hỗ trợ vật chất.

Hãy cứ nghĩ khi bạn đang khát nước và có người xa lạ đưa cho bạn ly nước vào đúng khoảnh khắc ấy. Mọi thứ chỉ có thể lý giải bằng triết lý nhẹ nhàng nhưng sâu sắc nhất: Tình người!

Tuy nhiên, có nhiều người khi đưa ly nước cho ai đó, họ còn nghĩ thêm một bước nữa: Làm sao để người khác thấy được hành động đẹp kia, để những điều tử tế được lan tỏa? Và mạng xã hội chính là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để mang những điều ý nghĩa ấy đi xa hơn trong từng nhóm bạn bè nhỏ, từng hội nhóm lớn hoặc là cả xã hội…

Chỉ là, sau suy nghĩ ấy, lại có một số ít người tự duy thêm một bước kế tiếp: Mình làm ít nhưng muốn được nhận được nhiều hơn những lời khen, tràng pháo tay và cả sự ngưỡng mộ của những người lạ trên mạng thì thế nào. Và rồi họ tự khoác lên hành động ý nghĩa ban đầu ấy một chiếc áo khác, một chiếc áo được gắn mác lừa dối nhưng lại tự đặt cho nó những cái tên rất hợp lý theo cách của họ.

Áp lực tỏa sáng có thể biến sắt thành vàng thật nhưng cùng lúc đó cũng biến nhiều khối sắt - đang muốn rút ngắn giai đoạn - bằng cách mạ vàng lên cho nhanh… Chỉ mất vài giây để hô biến số tiền ủng hộ từ 10.000 đồng thành 10 triệu đồng hay từ 30.000 đồng thành 30 tỷ đồng. Khi những ước mơ được hiện thực mà không phải tốn bất cứ giọt mồ hôi nào, họ cảm thấy vui vì mình đi nhanh hơn phần lớn những người khác mà chẳng tốn bao nhiêu sức lực…

Người nổi tiếng, người được hâm mộ, người nghĩ rằng mình nổi tiếng và đang được nhiều người hâm mộ… và ngay cả những con người bình thường nhất, thì đâu đó trong sâu thẳm luôn có những giây phút muốn mình là viên pháo hoa duy nhất trong đêm tối. Và ai cũng hiểu để một viên pháo hoa bắn lên rực rỡ trong trời đêm, cần rất nhiều thao tác về việc chế tạo, giàn phóng, thời tiết… Nhưng ở trên mạng thì viên pháo hoa được làm theo cách rất khác biệt, là dùng photoshop.

Cố gắng làm chi khi mọi thứ quá đơn giản và hầu như ai cũng biết làm!

Cộng đồng mạng thi nhau check VAR, hả hê vì nhiều người "phông bạt".

Cộng đồng mạng thi nhau check VAR, hả hê vì nhiều người "phông bạt".

Những lằn ranh mỏng manh

Từ thiện chưa bao giờ là trách nhiệm với bất kỳ ai trong cuộc đời này. Và mỗi đời sống có rất nhiều mặt ở phía sau mà trong chúng ta chẳng ai biết được. Giúp một ai đó hay không giúp một ai đó đều là những quyết định rất cá nhân, mà chỉ người trong cuộc mới hiểu vì sao như vậy.

Cái giúp, cái thương… đầu tiên và phải làm chính là dành cho bản thân rồi sau đó là cho những người thân yêu, cho những người chúng ta biết, cho nơi chúng ta đang sống, cuối cùng là cho những hoàn cảnh mà chúng ta nghĩ mình có khả năng để san sẻ.

Nghệ sĩ cũng là con người, họ có rất nhiều nỗi lo toan, trách nhiệm thậm chí là áp lực. Nhưng vì đứng ở vị trí đó họ chẳng thể nói được với ai nỗi niềm thầm kín, có chăng là chỉ với một nhóm nhỏ những người thật sự thân quen.

Nghệ sĩ bị phàn nàn, đòi check VAR vì chuyện từ thiện, cứu trợ vùng lũ.

Ủng hộ ít hay ủng hộ nhiều, ủng hộ bằng vật chất hay tinh thần, không ủng hộ vì bản thân người ấy đang có nhiều ưu tiên khác hơn trong gia đình… Tất cả đều không liên quan gì đến việc là nghệ sĩ tốt hay không tốt, có xứng đáng với lòng tin yêu của người hâm mộ hay không.

Khán giả có quyền phán xét tài năng của nghệ sĩ thông qua các tác phẩm của họ. Khán giả cũng có quyền đặt những câu hỏi thuộc về tư cách đạo đức của một nghệ sĩ, theo hệ quy chiếu của một người đang sống trong xã hội thượng tôn pháp luật.

Song làm ơn, một bộ phận khán giả đừng bước qua ranh giới của việc: “Dạy dỗ cho nghệ sĩ làm như thế nào là đúng với những việc hoàn toàn là suy nghĩ cá nhân của một con người”.

Chúng ta chưa giúp được thì hãy ủng hộ nhiều hơn về mặt tinh thần cho những người có khả năng giúp đỡ. Chúng ta chỉ mới giúp được một ít thì nên vỗ tay cho những người có khả năng giúp đỡ nhiều hơn chúng ta.

Cuộc đời dài rộng, biến cố khôn lường. Người giúp được hôm nay mai này chưa chắc gì họ giúp được nữa. Người không giúp lúc này biết đâu sắp tới họ thuận lợi hơn để đưa tay ra chung sức chung lòng.

Mỗi cái cây trên Trái Đất này từ lúc nảy mầm lên lá thì chưa bao giờ có thể tự mình làm nên một cánh rừng. Nhưng một cái cây này sống cạnh một cái cây kia, cây to bên cạnh cây nhỏ, ngọn cỏ bên cạnh cổ thụ… Những bộ rễ sâu dưới lòng đất cứ thế theo thời gian bện chặt lấy, vừa là giữ đất giữ nước, nhưng cũng vừa là nương tựa vào nhau khi bão lũ hay sấm chớp.

Không có cánh rừng nào chỉ có một cái cây và cũng không có một cái cây nào tự nó có thể làm nên được một khu rừng. Phận sự của một cái cây là lớn lên, phận sự của một con người là trưởng thành.

Có giá trị cho đời hay không phụ thuộc vào rất nhiều thứ, nhưng trước tiên đừng biến mình thành một con người nhìn đâu cũng phán xét.

Hãy hỏi bản thân chúng ta muốn làm một cái cây uốn éo hay một cái cây mọc thẳng?

Nguồn: [Link nguồn]

Ca sĩ Hà Anh Tuấn thông báo hỗ trợ số tiền 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt, nhưng lại không có tên trong sao kê do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công bố?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt ([Tên nguồn])
Nghe Nghĩ Ngẫm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN