Ám ảnh những bộ phim về ô nhiễm môi trường

Hầu hết phim truyền tải thông điệp về tội ác của con người với môi trường sống.

Mỹ nhân ngư  (2016)

Tết Bính Thân 2016 vừa qua, bom tấn Mỹ nhân ngư của đạo diễn Châu Tinh Trì đã mô tả hiện tượng cá chết vì độc tố.

Ám ảnh những bộ phim về ô nhiễm môi trường - 1

Thông qua chuyện tình của nhân vật Mỹ nhân ngư, phim còn nêu bật tội ác của con người với biển. Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời Châu Tinh Trì: "Đạo diễn nói bộ phim không nhằm kể chuyện tình yêu mà nói về chuyện con người hủy hoại thiên nhiên thế nào".

"Khi loài người phá hoại môi trường, đứng trên phương diện không phải loài người mà xem xét, từ góc độ của những chủng loài khác sẽ thấy loài người đang làm gì.

Đương nhiên, chúng ta sinh sống trên trái đất, mỗi ngày đều phải hít thở, dựa vào tài nguyên của trái đất mà sinh tồn. Mọi người đều có quyền bày tỏ cảm xúc của mình, hiện tại thế nào, tương lai ra sao để không phải lo lắng. Mọi việc chúng ta phải đối mặt hàng ngày sẽ cảm nhận được ngay”, Châu Tinh Trì nói về phim Mỹ nhân ngư.

Vịnh tử thần/The Bay (2012)

Phim gây ám ảnh bởi những thước phim ghê rợn, đẫm máu, bóc trần hậu quả khinh khủng của hành động gây ô nhiễm nguồn nước của con người.

Chuyện phim diễn ra ở Vịnh Chesapeake vào năm 2009, nơi nguồn nước bị nhiễm độc đã phá huỷ cơ thể người dân và gây ra các hiện tượng kỳ quái.

Ám ảnh những bộ phim về ô nhiễm môi trường - 2

Thế nhưng phía chính phủ lại ém nhẹm vụ việc bằng cách xóa sạch cuộn phim ghi hình nhằm xóa dấu vết khỏi truyền thông.

Những hậu quả khủng khiếp của nguồn nước nhiễm độc trong Vịnh tử thần đủ sức khiến bất kỳ ai cũng phải hoảng sợ. Đằng sau yếu tố kinh dị và những bí ẩn tạo tò mò là bài học về hành động tàn phá môi trường.

Hậu tận thế/ The Road (2009)

Bối cảnh phim diễn ra ở thời tương lai khi Trái Đất bị tàn phá và kiệt quệ, bị bao phủ bầu không khí đen tối, lạnh lẽo. Chuyện phim xoay quanh chuyến hành trình của hai cha con đi tìm sự sống, phải đối mặt với những con người còn sống sót nhưng hiếm ai còn giữ được nhân tính. Bởi con người lúc này rơi vào một cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt và hoang dã.

Ám ảnh những bộ phim về ô nhiễm môi trường - 3

Hình ảnh loài người tìm kiếm đồ ăn, thức uống trong những bãi rác thải, hoặc tụ tập thành những băng nhóm nguy hiểm, sẵn sàng triệt hạ đồng loại để sinh tồn.

Phim không hề giáo điều mà khá giản dị, nói lên tình yêu và sự hy sinh trong hoàn cảnh khốc liệt và khắc nghiệt của tự nhiên.

Trailer phim.

Wall-E/ Robot biết yêu (2008)

Phim dựng lên bối cảnh thế giới ở thời tương lai khi đã rơi vào cảnh tận thế với hàng núi rác thải bất tận bao phủ trái đất.

Trái đất lúc này không còn là nơi cho con người có thể sinh sống khi mất đi màu xanh của rừng, của biển và phải sống trên không gian. Con người buộc phải bỏ lại trái đất với những robot làm nhiệm vụ dọn rác ngổn ngang khắp hành tinh.

Ám ảnh những bộ phim về ô nhiễm môi trường - 4

700 năm sau ngày loài người rời bỏ Trái Đất, các robot đều ngừng hoạt động do kế hoạch trở về của loài người bị phá sản. Chỉ còn lại mình robot Wall-E vẫn làm việc mê mải vì bị chạm mạch. Ngày ngày, WallL-E thu lượm mọi thứ theo đúng lập trình và đột nhiên phát hiện một “vật lạ”, một mầm cây mọc lên từ một cái ủng cũ…

Với những người từng xem qua bộ phim này, hình ảnh Wall-E một mình cô độc di chuyển trên trái đất hoang tàn sẽ đầy ám ảnh.

Trailer Wall-E.

Thảm họa toàn cầu/The Happening (2008)

Bộ phim kinh dị của đạo diễn Shyamalan về sự trả thù của thực vật lên những hành động triệt phá thiên nhiên của con người. Những tác động xấu của ô nhiễm mỗi trường khiến các loài thực vật có phản ứng tiết ra chất độc hoá học tác động lên nơ ron thần kinh.

Ám ảnh những bộ phim về ô nhiễm môi trường - 5

Những người hít phải chất độc này sẽ mất kiểm soát não bộ và bắt đầu tìm cách tự tử theo những cách hết sức dã man.

Phim có tiết tấu chừng mực, không khí không căng thẳng và luôn bao trùm sự tĩnh lặng kỳ bí.

Thiên nhiên trong phim được phủ màu xanh mướt đẹp mắt nhưng cũng rất đỗi đáng sợ. Hầu hết khán giả của The Happening thừa nhận, họ không thể nhìn cây cối một cách bình thường như trước đây sau khi xem phim.

Quái vật sông Hàn/ The Host (2006)

Phim của đạo diễn Bong Joon-ho (Hàn Quốc), nói về một trung tâm khoa học quân đội Mỹ đổ lượng lớn chất thải formaldehyde vào nguồn nước sông Hàn.

Ám ảnh những bộ phim về ô nhiễm môi trường - 6

Qua một vài năm, chất thải này chuyển hóa thành con quái vật to lớn, gây nên căn bệnh truyền nhiễm kỳ lạ và sát hại hàng loạt người dân trong thành phố.

Sahara (2005)

Năm 2005, Sahara có vốn đầu tư 130 triệu USD, lồng ghép vào chuyến phiêu lưu truy tìm kho báu với một vấn nạn kinh hoàng có liên quan tới sự tồn vong của loài người.

Ám ảnh những bộ phim về ô nhiễm môi trường - 7

Bên dưới chiếc tàu cổ chứa đựng kho báu vô giá vùi sâu giữa đại dương là những thùng hóa chất cực độc, giết chết nhiều người dân vô tội sống quanh đó. Một cuộc tranh đấu diễn ra và kẻ ác bao giờ phải nhận hậu họa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Phim chiếu rạp hay nhất Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN