Nghe tiếng thác rơi giữa rừng xứ Nghệ

Rừng nguyên sinh ở miền Tây xứ Nghệ không chỉ làm dịu những cơn gió Lào thiêu đốt mà còn ôm trong mình nhiều suối, thác hoang sơ có thể giúp bạn gột rửa muộn phiền phố thị

Tránh cái tấp nập, ồn ào còi xe trên Quốc lộ 1, chúng tôi chọn vô xứ Nghệ bằng đường Hồ Chí Minh. Thong dong êm ru trên hành trình, đến huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), các tài xế phải lấy lại sự tỉnh táo cao độ. Cung đường đất rẽ lên biên giới Việt - Lào vô cùng khó nhằn với đèo dốc cao và con suối nước chảy cuồn cuộn. Chúng tôi kẻ đẩy, người kéo, hành xác nhau vượt qua suối.

Đi tìm thác Mưa

Mấy cô sơn nữ đi rừng cười giòn tan, mắt tròn, mắt dẹt nhìn chúng tôi như người ngoài hành tinh. Chỉ đến khi mở lời hỏi đường đến thác Mưa thì mấy nàng mới vỡ lẽ: "À thì ra bọn ni đi phượt miền Tây xứ Nghệ!".

Đường Hồ Chí Minh băng qua miền Tây xứ Nghệ

Đường Hồ Chí Minh băng qua miền Tây xứ Nghệ

Người và xe cùng lội suối

Người và xe cùng lội suối

Đi sâu vào rừng, không gian hoang vắng, chỉ còn vài tiếng chim kêu lảnh lót. Mò mãi, cả nhóm mới tới được bản người Thái Chà Luôn ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, với vài ba chục nóc nhà heo hút.

Cho chúng tôi gửi xe miễn phí, đích thân anh chủ nhà người Thái tên Lô Thanh Lâm còn dẫn cả nhóm tới thác. Cơ thể mệt nhoài do phải ngồi xe lâu, giờ đôi chân may mắn được massage bằng đoạn lội suối. Cảm giác mát lạnh từ chân lên tới đầu, sướng run. Qua hơn 2 km đường rừng, cuối cùng cả đám hú hét lên khi nghe thấy tiếng thác rơi.

Từ mỏm núi cao khoảng 70-80 m, dòng nước trắng xóa ào ào đổ xuống qua nhiều vách đá rêu phong, tạo thành nhiều tầng thác. Rồi con nước đổ xuống chân thác xoáy vào lòng đất qua hàng ngàn năm, tạo thành chiếc hồ nhỏ trong vắt. Kẻ cởi xiêm y lao mình xuống dòng nước, người leo trèo khám phá các tầng thác. Anh Lâm thì ngồi lại bên phiến đá lớn mỉm cười nhìn nhóm phượt thủ phương xa đùa nghịch quên cả trời đất.

Thác Mưa

Thác Mưa

Nói chuyện với tôi, anh Lâm bảo rằng người Thái bao đời nay đã định cư ở những cánh rừng sâu tít giáp vùng biên giới này. Dân bản địa coi con suối, dòng thác là khởi nguồn của sự sống. Thác như cơn mưa tuôn rơi suốt bốn mùa, để già trẻ, gái trai của bản được tắm mát mỗi chiều, cho nương lúa xanh tươi, cho chum nước luôn đầy...

Nghe tiếng thác rơi giữa rừng xứ Nghệ - 4

Cùng lạc vào Pù Mát

Ngày hôm sau, từ Thanh Chương, chúng tôi sang huyện Con Cuông để được vùi mình vào cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ nhất xứ Nghệ mang tên Pù Mát. Vườn Quốc gia Pù Mát như một tấm thảm xanh khổng lồ, chở che cho đất và người miền Tây xứ Nghệ đi qua những trận gió Lào bỏng rát.

Chúng tôi nghĩ đã mãn nguyện với một ngày lang thang đi tìm, trải nghiệm thác Mưa. Nhưng khi đến Pù Mát, niềm sung sướng dâng lên tột cùng khi diện kiến thác Kèm (xã Lục Dạ, huyện Con Cuông).

Nghe tiếng thác rơi giữa rừng xứ Nghệ - 5

Thác Kèm như dải lụa trắng đổ xuống trong Vườn Quốc gia Pù Mát

Thác Kèm như dải lụa trắng đổ xuống trong Vườn Quốc gia Pù Mát

Thác Kèm hùng vĩ giữa cánh rừng nguyên sinh, như niềm kiêu hãnh của mẹ thiên nhiên. Tiếng nước ào ào đổ mạnh đến mức đứng cách xa cả cây số vẫn nghe. Cột thác cao vút trút xuống xối xả, những tia nước như mưa phùn bắn ra theo gió táp vô mặt, vào cơ thể lạnh toát. Không chần chờ nữa, mấy anh chàng tìm những mỏm đá bên chân thác rồi thi nhau lao mình xuống hồ nước. Mấy đứa trẻ được bố mẹ cho tập bơi thì hú hét vùng vẫy ở khu vực nước nông, nằng nặc đòi chơi tiếp, chẳng muốn về.

Tạm biệt khung cảnh ào ào, có phần huyên náo ở thác Kèm, chúng tôi lại được trở về vùng trời bình yên khi rong ruổi vào sâu Vườn Quốc gia Pù Mát. Mải mê cảnh rừng núi, nhóm người cứ đi miết, đi mãi rồi bất giác chợt nhận ra trước mặt đã là vành đai biên giới Việt - Lào.

Chiều sông Giăng

Chiều sông Giăng

Trời chiều dần buông trên chiếc cầu dây văng bắc qua sông Giăng. Đứng trên con đập thủy lợi Môn Sơn (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) nhìn xung quanh chỉ còn thấy một màu xanh thẫm bao la. Từ đây nếu có nhu cầu, du khách sẽ được nhà thuyền dịch vụ chở du ngoạn thượng nguồn sông Giăng, tìm kiếm tộc người Thổ (Đan Lai) xem có còn tục ngủ ngồi hay không.

Xa xa ẩn hiện dưới mỏm núi, rừng cây là vài bản làng bình dị, nơi những nóc nhà đang lên khói bếp thổi cơm tối. Cảnh hoàng hôn miền sơn cước chợt gợi trong lòng mấy kẻ lữ khách lạc bước hơi ấm bình yên, cùng cơn nhớ nhà da diết. Cảm xúc mấy ngày lang thang miền Tây xứ Nghệ hiện về hỗn độn trong ánh chiều tà. Thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp và tình người chân thành, mộc mạc nơi đây chắc chắn là cái cớ để chúng ta đến và sẽ quay lại. 

Nguồn: [Link nguồn]

Lên Sapa “săn mây” trên dãy núi Ngũ Chỉ Sơn

Nằm cách TP Lào Cai 60km dãy núi Ngũ Chỉ Sơn ở Lào Cai thu hút rất nhiều du khách với những cảnh sắc nguyên sơ, đẹp đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Dương ([Tên nguồn])
Địa điểm du lịch hot 63 tỉnh thành Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN