Cung điện Potala: Biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng

Sự kiện: Du lịch, lễ hội

Cung điện Potala tọa lạc trên đỉnh Marpo Ri (Đồi Đỏ) khổng lồ, nhìn ra thung lũng Lhasa từ độ cao 130m, nhưng nếu so với mực nước biển thì công trình đồ sộ này tọa lạc ở độ cao 3.700m.

Cung điện Potala nằm trong khu tự trị Tây Tạng thuộc Trung Quốc, được xây ở độ cao nhất thế giới, vì thế người xưa quan niệm nó cũng gần với các vị thần hơn.

Theo truyền thuyết, có một cái hang thiêng nằm trong ngọn đồi này, đây từng là nơi trú ngụ của Quan Thế Âm Bồ Tát, và vua Tùng Tán Cán Bố được cho là đã từng lui tới hang này để hành thiền. Cũng trong thời gian trị vì của ông, cung điện đầu tiên được xây dựng trên Marpo Ri năm 637 sau Công nguyên. 

Theo một số tư liệu, cung điện được xây dựng để chào đón Công chúa Văn Thành của nước Đại Đường Trung Quốc, vị hôn thê của nhà vua, bởi vị công chúa này cũng là một đệ tử Phật giáo.

Cung điện Potala: Biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng - 1

Tuy nhiên, vua Tùng Tán Cán Bố chỉ cho xây dựng những phần đầu tiên kiến tạo nên cung điện Potala. Cho đến thế kỷ 17, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5, dựng thêm nhiều pháo đài và phòng ốc nữa, biến nó trở thành cung điện Potala như ngày nay.

Công trình đồ sộ và bền vững đáng kinh ngạc này phải mất tới 50 năm để hoàn thiện. Cụ thể công trình được khởi công vào năm 1645, có tới 13 tầng với 1.000 phòng, bao gồm nhiều tự viện nhỏ, sảnh và các căn phòng, được chia thành 2 không gian riêng biệt là Hồng Cung (Cung điện Đỏ) và Bạch Cung (Cung điện Trắng). 

Cung điện Trắng là nơi nghỉ dưỡng mùa đông của các Đạt Lai Lạt Ma, hoàn thành năm 1648, còn Cung điện Đỏ, trung tâm của pháo đài, và cũng là phần cao nhất của cung điện, là nơi học tập kinh sách, cầu nguyện và nghiên cứu tôn giáo, được hoàn thành vào từ năm 1690 và 1694. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 không thọ đủ lâu để chứng kiến sự hoàn thành của cung điện này, ông viên tịch năm 1682. Lo sợ cái chết của Lạt Ma khiến dự án bị huỷ bỏ, những tăng nhân khác đã quyết định giữ bí mật cái chết của ông trong 10 năm cho đến khi Hồng Cung hoàn thành. Họ đã sắp xếp một vị hòa thượng giống ông để đóng giả vị Lạt Ma.

Cung điện Potala: Biểu tượng của Phật giáo Tây Tạng - 2

Một trong những điểm nhấn của Cung điện Potala là kiến trúc tuyệt tác, lưu giữ rất nhiều công trình nghệ thuật. Trong đó nhiều hiện vật về Phật giáo và các báu vật được tìm thấy trong khuôn viên cung điện Potala, bao gồm các tác phẩm bằng vàng, kinh sách Phật giáo được viết tay từ nhiều thế kỷ trước, đồ cổ Trung Quốc và những món quà tặng cho các nhân vật tôn giáo bởi các quan chức và hoàng đế Trung Quốc. Những bức tượng điêu khắc hình sư tử tuyết canh gác lối ra vào của cung điện làm tăng thêm vẻ huyền bí cho nơi đây. 

Các bức tranh được vẽ trên tường Cung điện Potala miêu tả lại lịch sử của Tây Tạng, cũng như các câu chuyện về cuộc sống của các vị Đạt Lai Lạt Ma tiền nhiệm. Hơn nữa toàn bộ công trình được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ và đá khiến công trình càng cổ kính.

Ngoài ra, Cung điện Đỏ còn là nơi đặt lăng tẩm của các vị Đạt Lai Lạt Ma, điều này khiến cung điện Potala càng trở nên linh thiêng hơn. Xác ướp của vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 5 được cất giữ trong một stupa (một loại kiến trúc dạng vòm) ở phía tây của Cung điện Đỏ. Stupa này có 5 tầng, được bao phủ bởi 4 tấn vàng và khảm một lượng lớn đá quý hiếm.

Giờ đây, Potala được hoán cải thành Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Không chỉ mang giá trị lịch sử, tôn giáo và kiến trúc lâu đời, đây còn là mái nhà của nhiều kho báu vô giá cũng như các tuyệt tác nghệ thuật của nhân loại. Nơi đây là một địa chỉ hành hương quan trọng, kiêm Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO.

Những bí ẩn Tây Tạng đến nay chưa có lời giải đáp

Tây Tạng, mái nhà của thế giới luôn là một vùng đất bí ẩn đứng đầu danh sách mong muốn của du khách trên toàn thế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Đức Tân ([Tên nguồn])
Du lịch, lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN