Trần Hạnh: 60 năm sống cho nghệ thuật, vừa được phong tặng NSND ở tuổi 90

Người ta nói, Trần Hạnh là nghệ sĩ có khuôn mặt khắc khổ nhất màn ảnh Việt. Cái nét khắc khổ, lận đận ấy đã vận vào cả phim lẫn đời. Ở tuổi 90, ông vừa mới chính thức có tên trong danh sách phong tặng Nghệ sĩ nhân dân.

“Không muốn ai thương hại”

Nhắc đến nghệ sỹ Trần Hạnh, người xem lại nhớ đến một gương mặt hiền từ khắc khổ luôn vào những vai người nông dân hiền lành chất phác. Ai cũng nói những vai diễn trong phim nó vận vào đời ông, nhưng ông lắc đầu bảo, đời tôi nó vận vào phim đấy, vì đời tôi còn khổ hơn trong phim.

Trần Hạnh: 60 năm sống cho nghệ thuật, vừa được phong tặng NSND ở tuổi 90 - 1

Vợ chồng Trần Hạnh có 7 người con (2 trai, 5 gái), nhưng giờ chỉ còn 4. Từ cách đây 15 năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau trận tai biến mạch máu não. 6 năm trước, vợ ông mất, từ bấy đến nay ông lại dồn tâm sức chăm cậu con trai út 47 tuổi bị ngớ ngẩn vì chấn thương sọ não, sau một tai nạn xe máy thảm khốc.

Cuộc đời của người nghệ sỹ già vất vả lận đận suốt bao năm tháng. Bước vào đời bằng nghiệp đánh giày trên phố Tràng Tiền năm 16 tuổi, rồi cơ duyên đưa Trần Hạnh đến với nghiệp diễn, vậy mà, gắn bó tới tuổi 90, ông vẫn kì cạch chiếc xe máy cũ kỹ đi đóng từng tập phim rồi quay về với cửa hàng bán đồ lặt vặt gần ga Hàng Cỏ.

Biết hoàn cảnh của ông, nhiều người tỏ ra thương xót. Nhưng ông chưa từng một lần lên tiếng xin khán giả ủng hộ bất cứ điều gì. Chính vì vậy cách đây vài năm, khi NSƯT Chí Trung kêu gọi ủng hộ tiền từ người hâm mộ, ông đã nhất quyết từ chối. Mãi sau này, nghệ sĩ mới nhận khoản tiền đó để sửa sang lại căn nhà cũ nằm sâu trong con ngõ Trần Quý Cáp. Dù đã được cải tạo tốt hơn nhưng căn nhà vẫn quá nhỏ với diện tích chỉ vỏn vẹn 20 mét vuông cho 6 người trong 3 thế hệ của cả gia đình ông cùng chung sống.

Cuộc sống chật vật nhưng Trần Hạnh vẫn luôn lạc quan. Hàng ngày, ông vẫn ra cửa hàng nhỏ của gia đình, phụ con dâu bán hàng. Gia đình ông sống nhờ vào cái cửa hàng đó, và mấy đồng lương hưu. Nhiều khách hàng nhận ra ông, hỏi thăm chuyện trò rôm rả. Với ông, đấy là cái vui, cái được của đời nghệ sĩ. “Hãy nhìn vào những bộ phim tôi đóng, những vở kịch có sự tham gia của tôi, chứ đừng nhìn vào sự giàu nghèo mà đánh giá. Giờ tôi sống ổn.”, người nghệ sĩ già nheo nheo mắt cười nhắn nhủ. 

“Mong mắt sáng lại, để còn đi đóng phim”

Vốn được công chúng yêu mến bởi những vai diễn hiền lành, chất phác trên màn ảnh nhưng công việc diễn viên sân khấu mới là khởi đầu đưa nghệ sĩ Trần Hạnh đến với nghiệp diễn. 

Hồi đó, ông đang đi làm giày thì nghệ sĩ Đình Quang thương tình, xin cho về đoàn kịch Hà Nội đi diễn cho đỡ vất vả. Vậy là từ năm 1959, Trần Hạnh bén duyên với sân khấu. Ông kể, lương hồi đó bậc 2 được 46 đồng mấy hào, cái thời 1 đồng 2 cho 1 bát phở không có thịt.

Trần Hạnh: 60 năm sống cho nghệ thuật, vừa được phong tặng NSND ở tuổi 90 - 2

Nhờ những bộ phim truyền hình, hình ảnh người đàn ông với đôi mắt buồn Trần Hạnh trở nên thương mến với khán giả. Năm 1989, ông nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nhận lời tham gia nhiều bộ phim và tiểu phẩm.

Trần Hạnh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú ngày 25/1/1994. Ông đã từng 3 lần đoạt Huy chương vàng trong các vở kịch Nguyễn Trãi, Tiền tuyến gọi, Hamlet, giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 với phim Nước mắt đàn bà và nhiều giải thưởng khác. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim "Ngõ lỗ thủng" của đạo diễn Quốc Trọng. Ông là người yêu nghề, cần mẫn với nghề ngay cả khi đã nghỉ hưu. Năm 2015, ở tuổi 87, ông vẫn tham gia phim điện ảnh Cha cõng con và phim truyền hình Bão qua làng.

Với ông, được diễn, được hoàn thành tròn vai diễn đã là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi: "Tôi mê diễn lắm, dù vất vả nhưng chưa bao giờ chán. Kiếp sau mà còn được làm người, tôi vẫn muốn làm nghề này. Vì nghề này được sống nhiều nhân vật, nay ông này mai ông kia, nay tích cực mai lại tiêu cực, thú vị lắm!".

Dáng người lầm lũi và khuôn mặt khắc khổ đã “đóng đinh” Trần Hạnh vào những vai đàn ông hiền lành nhưng có cuộc đời bất hạnh. Không làm nông dân nghèo khổ thì cũng vợ goá con côi, con cái đối xử tệ bạc, bị người ta lừa đảo, làm ăn thất bại trắng tay… Đến nỗi, ở cái tuổi 90, ông vẫn tha thiết mong mỏi được đạo diễn giao cho đóng một vai… phản diện.

Tuy nhiên, lần duy nhất được thử sức với hình ảnh mới lại cũng là một “cú ngã” với Trần Hạnh. Có hồi, khi đài truyền hình chiếu một tiểu phẩm hài bị phê phán là khá phản cảm, vô tình thế nào, Trần Hạnh lại xuất hiện một đoạn trong ấy. Điều đó làm ông ân hận mãi, đến nỗi, cứ hỏi đến, ông lại xua tay “Thôi thôi, đừng nhắc đến người ta lại cười cho”. Hỏi ông, sao không thích lại nhận vai, thì ông bảo “Tôi có biết gì đâu, các anh đạo diễn bảo đi đóng cho các anh mấy cảnh, thế là đi, tôi mà biết đấy là tiểu phẩm hài, khi lên sóng như thế thì đời nào tôi nhận. Một đời làm nghề, gắn bó sâu nặng với nghiệp diễn, vậy mà đến khi về già lại đóng vai này”.

Trần Hạnh: 60 năm sống cho nghệ thuật, vừa được phong tặng NSND ở tuổi 90 - 3

Mấy chục năm làm nghệ thuật, Trần Hạnh giữ cho mình lòng tự trọng trước tất cả vật chất. Ông thanh bạch và say nghề đến nỗi, chưa bao giờ hỏi cát xê mình được bao nhiêu khi cầm kịch bản, họ trả bao nhiêu thì trả. Thế nên không ít lần người ta “quỵt” cát xê mà chẳng biết đi gặp ai để đòi, phim lên sóng mà ngậm ngùi không được trả công. 

Gần đây, mắt ông bị mờ dần một bên, bác sĩ bảo thoái hóa, sắp mù. Giờ ông đọc chữ không rõ, nên dù vẫn được mời đi đóng phim nhưng ông không dám nhận, vì sợ không đọc nổi kịch bản, lại làm ảnh hưởng đến người ta. Để đảm bảo sức khỏe cho ông, con cháu không cho ông đi xe máy nữa. Ông cũng tự động cai thuốc lá và trà. 

Hơn 60 năm cống hiến cho nghệ thuật khi nhìn lại Trần Hạnh vẫn giữ quan điểm đơn giản trong cuộc sống. Với ông, danh hiệu có cũng được không có cũng được chẳng sao hết. Hỏi ông, có vui không khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, ông cười hiền lành: "Cả một đời theo nghệ thuật tôi thấy điều quan trọng là ở mỗi vai diễn mình làm tốt hay không, được khán giả nhớ đến và yêu quý mới là vấn đề, chứ bằng cấp, danh hiệu với tôi thật sự không phải là điều quan trọng".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 18/7 về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lần thứ 9. Trong danh sách này có nhiều tên tuổi như Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn...

Trước đó tháng 12/2018, Hội đồng Nhà nước trình 84 hồ sơ nghệ sĩ nhân dân, 307 hồ sơ nghệ sĩ ưu tú lên Thủ tướng. Thắc mắc về danh sách chỉ 50 nghệ sĩ nhân dân và 149 nghệ sĩ ưu tú trong Nghị quyết 54 này, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ VHTTDL giải thích: 199 nghệ sĩ có tên trong Nghị quyết này trong quá trình xét tặng có những tiêu chí chưa đáp ứng được Nghị định 89. Chính vì thế trong quá trình chờ sửa Nghị định theo góp ý của giới nghệ sĩ, Thủ tướng có Nghị quyết riêng đề nghị xét tặng cho các cá nhân danh sách này.

Ông Cẩn cũng cho biết, dự kiến trong tuần tới, Thủ tướng sẽ đề nghị Chủ tịch nước quyết định danh sách 192 hồ sơ của các nghệ sĩ còn lại đã đáp ứng đầy đủ điều kiện theo Nghị định 89 về xét tặng danh hiệu.

NSƯT Trần Hạnh ngồi bán mũ ở ga Hà Nội: ”Chí Trung xin tiền hộ, tôi chẳng biết nói sao”

Ồn ào chuyện danh hiệu đến việc bị hiểu lầm phải vật lộn mưu sinh ở tuổi 89 khiến ông dè dặt khi nhận trả lời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhã Khanh ([Tên nguồn])
Xót xa đời nghệ sĩ nghèo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN