Rớt nước mắt trước cuộc chiến với ung thư của cha con đạo diễn "Những ngọn nến trong đêm"
Đạo diễn Đỗ Đức Thành kể lại hành trình "làm cha, làm mẹ, làm bác sĩ" của con khi phát hiện ra cô bé bị ung thư máu vào tháng 8 năm nay.
Hàng triệu khán giả đã rơi nước mắt vì câu chuyện của nghệ sĩ Quốc Tuấn và cậu con trai – bé Bôm chiến đấu với căn bệnh xương cứng sớm cục bộ. Và mới đây, một câu chuyện đầy nghị lực khác cũng khiến cư dân mạng không khỏi nghẹn ngào.
Cô gái Đỗ Hạnh An (sinh năm 1999), con gái đạo diễn Đỗ Đức Thành của phim Những ngọn nến trong đêm phát hiện bản thân bị căn bệnh ung thư máu vào tháng 8. Bên cạnh Hạnh An luôn là hình bóng người cha yêu thương, chăm lo cho cô, đưa Hạnh An vượt qua thử thách của cuộc sống. Đạo diễn Đỗ Đức Thành tự nhận, anh vừa là cha, là mẹ, là bác sĩ, là những người thợ điện, thợ thông cống, thợ khuân vác, đẩy xe cho con.
Đạo diễn Đỗ Đức Thành bên cô con gái Hạnh An
Từ bệnh viện Raffles (Singapore), nơi Hạnh An đang được điều trị, đạo diễn Đỗ Đức Thành đã có những chia sẻ xúc động và đầy lạc quan về hành trình cùng con gái chiến đấu căn bệnh ung thư máu.
"Tôi chạy ra cầu thang, chui vào góc tối nhất, mặc kệ cho nước mắt muốn tuôn bao nhiêu thì tuôn"
- Thời điểm gia đình anh đón nhận tin dữ ra sao?
- Cái tin mang tên “tin dữ” ấy nó đến một cách bất ngờ, không hề báo trước. Mới chỉ cách đó vài ngày An còn đi chơi tung tẩy với bạn, còn chuẩn bị kế hoạch cho việc tham gia nhóm nhạc đường phố để hát trên hồ Hoàn Kiếm. Thế mà một bản xét nghiệm kèm theo một câu nói “Ung thư máu, thể tủy, M4, 1 Gen dương tính” như thể tát thẳng vào mặt tôi. Tôi thực sự choáng váng, nhìn tờ giấy đầy chữ mà như trắng toát, lạnh lùng và đáng ghét kinh khủng.
Cả nhà đi tìm chỗ mà khóc. Tôi chạy ra cầu thang, chui vào góc tối nhất, mặc kệ cho nước mắt muốn tuôn bao nhiêu thì tuôn.
Sau đó, tôi tự nói: “Thôi nhé Thành, khóc, buồn, thương, đau thế là đủ rồi, bây giờ phải làm gì đi”. Và thế là cuộc chiến cùng con của cả gia đình bắt đầu.
Đỗ Hạnh An (tên thường gọi là Anna) là một cô gái sinh năm 1999, yêu đời, thích âm nhạc nhưng không may bị căn bệnh ung thư máu
- Quá trình cùng con gái chiến đấu với căn bệnh ung thư máu đã in hằn trong anh những ký ức nào không thể nguôi?
- Hạnh An bắt đầu lần hóa trị đầu tiên kéo dài 10 ngày. Cơ thể mệt mỏi, đã gầy còn gầy hơn. Dứt cơn sốt kéo dài đằng đẵng, An nhoẻn miệng cười nhìn bố, nói: “Bố ơi con muốn đánh đàn quá”. Chiều hôm đó mình mang cho An cây đàn piano điện vào bệnh viện Huyết học và Truyền máu. Mắt An sáng rực rỡ, miệng reo vang : “Con yêu bố”.
An vồ lấy cây đàn vuốt ve trong lúc bố loay hoay cắm điện, bé bắt đầu đánh đàn, hát vang bệnh viện. Tôi nhìn con mà có cái gì đó dâng trào lên trong ngực, tôi hiểu “Con tôi yêu cuộc sống này biết nhường nào”.
Tôi ngồi thẫn thờ nghe con hát, thả mình vào cái cảm xúc thư thái như được nghe con đàn hát ở nhà sau mỗi bữa cơm tối. Thấy tiếng vợ đang nựng đứa con út mới 3 tuổi, thấy tiếng bé trai đang ư ử hát gõ nhịp bàn tay theo chị. Bỗng tiếng vỗ tay ầm lên làm kéo tôi về thực tại, bên ngoài cửa phòng bệnh, 7-8 bệnh nhân ở các phòng khác đã đứng đó từ lúc nào. Mỗi người một câu: “Cháu ơi hát cho cô nghe bài…", "Em ơi hát cho anh nghe bài …”
Hạnh An đánh piano và hát vang trong bệnh viện
"Khó khăn là một nải, chịu khó mả bẻ từng quả ra thì sẽ hết dần"
- Vợ chồng anh trải qua những khó khăn nào khi cùng con chữa bệnh?
- Khó khăn là một nải khó khăn, chịu khó bẻ từng quả ra thì sẽ hết dần hoặc tìm ra cách giải quyết từng việc, lại từng việc.
An nằm ở viện Huyết học và Truyền máu hơn 1 tháng, phải nói rằng các bác sĩ ở Viện thật tuyệt vời với chuyên môn cao và y đức mẫu mực. Nhưng thể bạch cầu của An là khó, sau hóa trị lần thứ nhất đã không mang lại kết quả tốt.
Trong quá trình nằm viện, chúng tôi đã tìm bác sỹ chuyên chữa bệnh của An ở Singapore, được bác sĩ chia sẻ kinh nghiệm và nhận chữa cho cháu An bằng phương pháp mới. Song đi Singapore chữa bệnh là một thách thức. Vấn đề đầu tiên gia đình phải thu xếp được thời gian, công việc, các mối quan hệ và cuối cùng là vấn đề tài chính cũng rất nan giải vì đó là một số tiền không nhỏ phải chuẩn bị càng nhanh càng tốt.
Nhìn căn bệnh tấn công con hàng ngày, sự sa sút về sức khỏe thể hiện rõ mồn một, nhìn thấy con mỗi khi hết sốt lại ôm đàn hát vang bệnh viện, mệt tới đâu con vẫn cười và nói theo kiểu bố: "Mai sẽ tốt hơn hôm nay, bố nhỉ", thế là mình quyết tâm rằng phải đi thôi, thêm chút phần trăm cơ hội cho con dù khó khăn vẫn còn đấy".
Trong lúc khó khăn giúp mình nhận ra, có nhiều người đang sát cánh bên mình. Đó là những tình bạn đáng quý, đáng trọng biết bao.
Việc đưa con sang Singapore là cả một thách thức không nhỏ với đạo diễn "Những ngọn nến trong đêm"
- Anh thường khuyên con gái điều gì khi điều trị bệnh?
- Mình hay trêu con “Đời người thật lắm éo le, cớ sao An lại cui te thế này!”. Đầu tiên, mình luôn tạo cho con niềm vui mỗi ngày và để con chờ đợi niềm vui của ngày mai. Từ đó mang cho con niềm hy vọng rằng hôm nay chưa tốt, thì ngày mai sẽ tốt hơn, tuần này thế là tốt rồi, tuần sau sẽ tốt hơn nữa. Cứ như thế xây dựng niềm tin cho con, để con có được tâm thế bình yên mà chiến đấu với bạo bệnh.
Mình nói với con: “2 bố con mình gặp chuyện dở hơi này và không thể cưỡng lại, đó chính là số phận trêu ngươi và thử thách mình. Mình không thể tránh né, vậy thì ok, hãy chấp nhận nó là 1 phần trong cuộc đời của mình. Hãy đối xử với nó một cách nhẹ nhàng và luôn tin rằng con sẽ vượt qua, con sẽ khỏe thôi”.
"Con người ta chỉ sợ những gì mà ta không hiểu nó. Khi đã hiểu thì không sợ nữa"
- Trong hành trình khó khăn này, anh cảm phục ở cô con gái Hạnh An điều gì?
- An là người mạnh mẽ. Cực kỳ ít người thấy An khóc. Từ lúc phát hiện mình bị ung thư máu đến nay, An chỉ khóc đúng 2 lần, là khi phải tiêm lấy ven lần đầu và khi An biết mình bị gen lỗi. 70% bệnh nhân bạch cầu không có gen lỗi, mà An thì lại rơi vào 30% xấu số còn lại.
Bé An hồn nhiên, luôn lạc quan nhưng dám chấp nhận sự thật và nhìn thẳng vào sự thật. Điều đó thật tốt. Vì vậy, tôi không giấu con việc con bị bệnh ung thư máu, vì mình biết, con người ta chỉ sợ những gì mà ta không hiểu nó. Khi đã hiểu thì không sợ nữa.
Hạnh An luôn giữ tâm thế vững chãi, lạc quan trong quá trình điều trị bệnh
- Việc sắp xếp giữa công việc của một đạo diễn làm phim với việc chăm sóc con gái, anh bố trí ra sao?
- Mỗi ngày bình thường tôi làm việc khoảng 12 giờ mà vẫn chưa hết việc. Khi con nằm bệnh viện, tôi vào với con từ 15h chiều tới 9h sáng ngày hôm sau, vậy là chỉ có khoảng 5-6 tiếng cho công việc – cũng tạm xong. Giờ này con đã ở Singapore, con cần mình hơn lúc nào hết, mình cũng không yên tâm con chữa bệnh ra sao, con ăn gì, con uống gì, con tập gì… ôi thôi là nhiều. Xác định một câu “Nhân vô thập toàn”, lấy đâu ra dăm bảy ông Thành.
Thời gian này mình phải dành cho con tình yêu, tình thương. Lúc thì là bố, lúc là mẹ, lúc là bác sĩ, lúc thì là bạn, thôi thì xếp công việc đấy đã - online vậy. Có thế thân mình, tâm mình ở bên con sát cánh cùng con cố gắng vượt qua thử thách này.
“Hãy sống như dòng nước ấy, dù có đá tảng chặn đường thì nước vẫn cứ vượt qua”
- Anh muốn nói điều gì tới những ông bố bà mẹ ở vào hoàn cảnh giống mình?
- Hãy sống như dòng nước ấy, dù có đá tảng chặn đường thì nước vẫn cứ vượt qua. Thử thách sẽ chỉ làm chúng ta dũng cảm và yêu thương nhau nhiều hơn.
- Thực tế trong cuộc đời, anh đã lần nào phải chùn chân trước một hòn đá tảng nào hay chưa?
- Nước là cái đức làm người, cái đức mình muốn hướng tới. Hiểu nước thì sẽ sống ung dung tự tại; mềm mại nhưng cương quyết, mạnh mẽ; quanh co vượt cản nhưng luôn có mục đích lớn là chảy về biển cả.
Trong cuộc sống ai cũng có lúc vui – buồn; hạnh phúc – khổ đau, thế nên sống như nước thì sẽ giữ được sự bình thản trong tâm hồn và kiên cường vượt qua thử thách.
Khi con gái bỗng nhiên mắc phải bạo bệnh, bậc làm cha mẹ nào chẳng đau, đau lắm chứ. Nhưng nếu cứ gào lên là đau, thì nỗi đau ấy không những càng thêm đau mà còn làm cho con mình, người thân của mình thêm bi lụy, yếu đuối. Vậy nên hãy cứ bình thản, kiên cường, không sợ hãi, giữ vững tinh thần lạc quan của nước thì mới có sức để chống lại bạo bệnh.
Nhận được tin con bệnh, cả nhà mình tá hỏa, đi các hướng kêu cầu đúng nghĩa là có bệnh phải vái tứ phương. Trước tình cảnh hoảng hốt đó mà giữ được cái tâm thái của nước sẽ không loạn, sẽ không bị phân tâm thì sẽ tìm ra hướng đi tốt nhất cho con.
Ấy là mình ngưỡng mộ triết lý của nước mà cố gắng mang vào cuộc sống phần nhỏ nào đó, cũng là tốt rồi.
Đạo diễn Đỗ Đức Thành - người hùng bên cô con gái bị bệnh ung thư
- Anh thường chia sẻ những hình ảnh lạc quan của cả gia đình. Đó có phải là liều thuốc đặc biệt nhất với gia đình anh?
- Đúng rồi, bạn hãy vui lên đi. Nếu hôm nay nắng thì rõ là vui rồi, hôm nay mưa, bạn hãy nhìn ra ngoài cửa và bỗng nhiên bạn thấy những giọt mưa giống như những hạt kim cương đang hát ấy – hay thế.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lạc quan luôn là liều thuốc bổ tuyệt diệu nhất, nó giúp bảo vệ bạn trước bệnh tật.
Sức đề kháng của bệnh nhân ung thư là một trong những yếu tố quyết định có chiến thắng bệnh ung thư hay không. Tinh thần lạc quan, không sợ hãi, dám đối diện với bệnh tật sản sinh ra các chất giúp tăng cường sức đề kháng, nâng cao năng lượng nội tại của cơ thể, thúc đẩy quá trình tự điều chỉnh và phục hồi cơ thể về trạng thái cân bằng.
Trước khi phát hiện bị bệnh, Hạnh An có một kênh You Tube của riêng mình để phục vụ các bạn nhỏ với những clip tự sản xuất. Cô gái sinh năm 1999 yêu thích âm nhạc và sáng tạo. Trên trang cá nhân, Hạnh An thường chia sẻ hình ảnh tươi vui trong những chuyến đi du lịch cùng gia đình, bạn bè. Ngay cả khi biết về căn bệnh ung thư máu, Hạnh An vẫn luôn lạc quan trong cuộc chiến ngoan cường này. Trích một clip do Hạnh An và những người bạn sáng tạo trên kênh You Tube riêng của mình |
“Cảm ơn anh Tuấn. Anh đừng căng thẳng quá nhé. Em sẽ chơi nhiều bản nhạc thật hay cho anh nhé“.