Nước mắt rơi vì Trần Lập: Tình yêu lan tỏa nhân gian
Nước mắt đưa tiễn Trần Lập - một chiến binh, một biểu tượng đàn ông đã “sống không như hòn đá”.
Khi những bài hát của nhạc sĩ Trần Lập được cất lên trong tang trường buồn lặng, nhiều người đã khóc. Tiếng khóc nghẹn như cố kìm lại vẫn bật ra mất kiểm soát. Trong số đó, có cả nước mắt của những người chưa từng được gặp trực tiếp thủ lĩnh của Bức Tường, có cả những người chưa biết đến rock là gì, và chưa từng đam mê thể loại âm nhạc bốc lửa ấy.
Thế nhưng, trong đau thương thì nước mắt không có màu da, nước mắt không có khoảng cách… Tất cả đều có một nỗi đau chung và bỗng dưng thấy mình như được liên quan.
Chẳng cần nói nhiều thì ai cũng hiểu, trước thời điểm nhạc sĩ Trần Lập công bố việc mình bị ung thư, tên tuổi của anh vẫn chỉ bo hẹp trong lãnh thổ của mình, lãnh thổ của rock và của âm nhạc. Kể từ khi kiên cường chống chọi với nó, Trần Lập và âm nhạc của anh đã hòa trong một cơ thể của chiến binh, vượt ra ngoài danh nghĩa nhạc sĩ, ca sĩ ăn ngủ cùng rock.
Nhiều người biết đến Trần Lập không phải vì anh là tác giả của những bài hát gửi gắm nhiều thông điệp, họ biết đến anh bởi bản lĩnh của một chiến binh đang kiêu hãnh đối mặt với căn bệnh mà ai cũng khiếp sợ.
Trong ngày mưa Hà Nội, trong đêm cuối cùng được đứng dưới hào quang sân khấu, Trần Lập đã thắp lửa cho nhiều người. Những câu nói của anh như một lời nhắn nhủ về cách sống và cách đối mặt với cuộc sống cho những người ở lại.
Anh Trần Nhất Hoàng, cựu thành viên ban nhạc Bức Tường kể lại: “Khi anh Trần Lập thông báo với mọi người mình bị bệnh trên mạng xã hội, điều đó đã làm lay động nhiều người, trong đó có chúng tôi. Tôi hỏi anh ấy có run sợ hay ái ngại gì không, anh ấy nói rằng không và cần thiết phải thông báo với truyền thông và công chúng. Anh Lập rất sợ những lời đồn và thẳng thắn đối diện với nó”.
Không chỉ âm thầm chiến đấu, Trần Lập còn muốn truyền tinh thần đó cho những người xung quanh, nhất là người thân của mình. Ung thư như một án tử treo trên đầu mà người ta không biết bao giờ cái chết tìm đến. Ai cũng có quyền tin ở những điều kỳ diệu, nhưng hơn ai hết, người thân và bạn bè của anh cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối diện với nó, như cách anh đã đối diện với bệnh tật.
Ngày anh mất, khi thi thể anh được đưa vào nhà tang lễ, những con người ấy dường như ghim chặt nỗi buồn vào bên trong. Mọi người phân công nhau những việc phải làm. MC Tuấn Anh - người bạn thân của nhạc sĩ Trần Lập nói với tôi vội vã: “Chúng tôi có mặt ở những phút cuối cùng bên Lập, và bây giờ chúng tôi phải cố gắng để lo cho Lập một đám tang thật trọn vẹn”.
Âm nhạc có sức mạnh không thể lý giải. Nó kéo con người sát lại nhau, gần gũi nhau. Trong tang lễ người nhạc sĩ tài hoa hôm nay, âm nhạc của anh vang lên đã lấy đi của những người có mặt bao nhiêu nước mắt. Họ khóc bởi hiệu ứng của thứ âm nhạc hừng hực cảm xúc, khóc bởi vẫn nhìn thấy Trần Lập còn ở đây với muôn lời ca, với lời giục giã anh em nổ máy lên và bắt đầu chinh phục những cung đường mới.
Chiếc xe chở thi thể Trần Lập chầm chậm chuyển bánh. Đằng sau anh, hàng nghìn cánh tay giơ lên chào vẫy. Hai bên đường, rất đông người dân mọi lứa tuổi đứng trông theo, nhiều người rơm rớm nước mắt. Họ, có những người không đến đây để đưa tiễn Trần Lập - một nhạc sĩ tài hoa. Họ đến đây để đưa tiễn Trần Lập - một chiến binh, một biểu tượng đàn ông mạnh mẽ đã “sống không như hòn đá”.
Trong bộ phim Trái tim dũng cảm, hiệp sĩ William Wallace từng nói: “Ai rồi cũng sẽ chết, chỉ là không thực sự sống thôi”. Trong cuộc đời 42 mùa xuân ngắn ngủi của mình, Trần Lập không được lựa chọn cái chết, nhưng anh đã lựa chọn cho mình cách đối mặt, và để lại cho nhân gian một thông điệp ý nghĩa về cuộc sống…
Hàng ngàn người có mặt, hàng ngàn người đã rơi nước mắt tiễn đưa anh hôm nay chính là một minh chứng sống động: Thông điệp của anh, cuộc sống của anh đã lan tỏa nhân gian.