“Ba nụ cười của Trần Lập mãi ám ảnh tôi”

"Tôi ám ảnh mãi nụ cười ấy, vì dù bạn là ai, khi vào tình thế đau khổ, bạn vẫn cần một lý do để trách cứ".

Sau khi nghe tin Trần Lập qua đời, cựu thành viên ban nhạc Bức tường Trần Nhất Hoàng đã chia sẻ những cảm xúc về một thời kỷ niệm không thể quên với người bạn tri kỷ xấu số.

“Ba nụ cười của Trần Lập mãi ám ảnh tôi” - 1

Ảnh tưởng niệm Trần Lập (Nguồn: Facebook Trần Nhất Hoàng)

“Chúng tôi từ những cậu bé 20 tuổi hợp với nhau thành một ban nhạc sinh viên, đi qua bao nhiêu thăng trầm, thực hiện bao nhiêu ước mơ: từ có những cây đàn xịn, làm CD riêng, liveshow riêng, một chuyến xuyên Việt, một lần được đại diện Việt Nam diễn cho bạn bè quốc tế… thậm chí có những điều chúng tôi gọi là kỳ tích... Nhưng lần này, lần quan trọng nhất, không kỳ tích hay phép màu nào ghé qua, anh thật sự đã ra đi, để lại khoảng trống mênh mông bất tận”.

Phép màu đã không xảy ra với Trần Lập, nhưng nụ cười của anh luôn hiện hữu trong trái tim người ở lại.

Trong những ký ức về quá khứ, anh Trần Nhất Hoàng nhớ nhất ba nụ cười của Trần Lập – ba nụ cười “ám ảnh” anh không bao giờ quên.

Dưới đây là tự sự của cựu thành viên ban nhạc Bức tường Trần Nhất Hoàng khi nhớ về Trần Lập, xin được chia sẻ với bạn đọc:

“Ba nụ cười của Trần Lập mãi ám ảnh tôi” - 2

Nụ cười tuổi 28, ngất ngây, hạnh phúc

Đó là khi cả ban nhạc Bức tường – thế hệ đầu tiên được đi diễn ở Pháp với tư cách đại diện cho các gương mặt nghệ thuật đương đại Việt Nam 2003.

Khi ấy cả ngày và đêm là cười, cười như trẻ con khi phóng xe đạp quanh một cái tượng đài trung tâm thành phố; cười khi cả hội làm trò nghịch ngợm bên vỉa hè một ngõ vắng. Nụ cười của tuổi 28, ngất ngây, hạnh phúc.

Nụ cười hoang mang pha chút hoài nghi yếu ớt

Khi thành viên Tuấn Hùng trong ban nhạc Bức Tường thông báo Trần Lập phải chuyển gấp từ Nam ra vì cơ thể suy kiệt, các anh em trong nhóm vội vã phóng xe ra sân bay để đón anh.

Trần Lập cười rất tươi và gọi: “Ơ, Hoàng!” vì tưởng tình cờ anh em gặp lại nhau. Tôi tiến lại gần và nói: “Anh em ra đón anh, mọi việc sẽ ổn”, nụ cười tươi trên gương mặt mệt mỏi, hốc hác bỗng chuyển sang một trạng thái đăm chiêu khác lạ.

Sau này tôi mới hiểu, anh đã không ngờ tình trạng của mình nặng đến mức phải có anh em ra đón. Với anh, khi đó chỉ là: cùng vợ về Hà Nội từ từ chữa trị bằng cách khác mà thôi. Một nụ cười hoang mang pha chút hoài nghi yếu ớt.

Nụ cười chua xót, oán hờn

Nụ cười khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất vào ngày 15.1.2016, đúng vào tối trước liveshow Đôi bàn tay thắp lửa.

Khi đó đạo diễn Phạm Hoàng Nam hẹn thống nhất kịch bản và kể câu chuyện vui về những người trồng trè, bán rau, nuôi lợn hân hoan nói với gia đình là người nhà được ăn đồ sạch, còn khu phun nhiều thuốc là để bán.

Niềm vui của họ thật ngây thơ, ngớ ngẩn và độc ác. Họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà nhà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác… Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi…

3 anh em đã cười rất lâu ở câu kết, nhưng tôi thấy trong nụ cười của anh có cái gì đó chua xót, oán hờn. Tôi cứ ám ảnh mãi nụ cười ấy, vì dù bạn là ai đi nữa, khi vào tình thế đau và khổ, bạn vẫn cần một lý do để trách cứ.

Chúng tôi đã rất cay đắng khi nói đi nói lại: Ai sẽ khiến những con người độc ác và ngây thơ kia thức tỉnh? Ai sẽ thay đổi để họ trở nên có lương tri? Ai sẽ cho họ hiểu rằng họ được lợi hàng ngày khi bán đi những kg thịt bẩn nhưng lại mua về những kg rau bẩn? Bằng cách nào để những điều bất nhân được khai trừ? Sao ta cứ bỏ mặc những điều xấu nhan nhản hàng ngày ta thấy và cho qua như chuyện phải thế?

Về mong muốn thì đó là một phần ý nghĩa của liveshow Đôi bàn tay thắp lửa – thức tỉnh điều lương thiện. Chúng tôi cũng chỉ nói và dường như chưa thật dám tin hình tượng Trần Lập và những người anh em nghệ sỹ tuyệt vời đêm nhạc đó có thể làm thay đổi điều gì lớn lao. Nhưng đó là lý tưởng, là tuổi trẻ, là điều đẹp nhất mà Trần Lập trong cơn bạo bệnh vẫn mong gắng gượng để chia sẻ, để thắp một tia hy vọng.

Lời nhắn cho người ra đi

Khép lại những dòng tự sự về kỷ niệm với người bạn tri kỷ Trần Lập, anh Trần Nhất Hoàng đăng lại hình ảnh cả nhóm Bức Tường những ngày đầu thành lập, để nhớ về "một Trần Lập ngước mắt nhìn, thân thiện và đầy ước mơ".

“Ba nụ cười của Trần Lập mãi ám ảnh tôi” - 3

Bức ảnh Trần Lập cùng nhóm Bức Tường của tuổi 28 ngất ngây hạnh phúc

Nụ cười của Trần Lập trước và trong cuộc chiến chống ung thư vẫn luôn in dấu trong lòng bạn bè, trong trái tim người hâm mộ. Nói như cựu thành viên ban nhạc Bức Tường Trần Nhất Hoàng: "Trần Lập đã ra đi, nhưng điều anh đã làm được và muốn làm sẽ sống mãi", vì anh là bông hoa đẹp nhất - bông hồng thủy tinh không bao giờ vỡ trong trái tim người ở lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thủy Nguyên ([Tên nguồn])
Trần Lập qua đời Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN