Hoài niệm xe máy Hà Nội

Sự kiện: Sành - Ăn - Chơi

Hà Nội bây giờ ai cũng có xe máy, từ cậu sinh viên tỉnh lẻ mới lên học đại học tới cánh xe thồ rau quả ngoại thành, hay bà bán cá, dân chuyên chở thực phẩm từ lò mổ lợn lúc 4 - 5 giờ sáng đến chợ…

Trước năm 1954, ô tô, xe máy rất hiếm. Hai loại phương tiện này vốn chỉ dành cho những người có tiền và giàu có. Đó là các quan chức làm cho chính quyền Pháp, rồi đến các nhà thầu khoán, ông chủ nhà dây thép, hoặc luật sư, bác sĩ, chủ hãng buôn lớn…

Hoài niệm xe máy Hà Nội - 1

Những chiếc xe đầu tiên

Đầu năm 1930, Hà Nội mới xuất hiện 2 chiếc mô tô của hãng Motobecan mà người dân đặt tên “nôm” cho chúng là xe “bình bịch”. Xe sơn màu ghi nhạt, vành có nan hoa như xe đạp, nhưng cỡ lớn hơn. Loại xe này có 3 số tay, cần số được đặt ở bên phải bình xăng, mỗi khi sang số, người đi xe phải lấy tay gạt lên hoặc gạt xuống. Má phanh ép trực tiếp vào mép vành, đèn pha nhô về phía trước như quả đu đủ nhỏ. Còi được gắn vào bên trái, mỗi khi sử dụng thì phải bóp vào quả bóng bằng cao su đỏ phát ra tiếng toe toe như người bán kẹo kéo bóp kèn để dụ lũ trẻ. Xe không có giảm xóc, nhưng yên lại rất lớn và phía dưới có 2 lò xo cực to. Ngày đó, xe máy không có đồng hồ báo xăng và báo tốc độ, mỗi khi chạy thì phun đầy khói đen. Ở vào thời điểm bấy giờ, nó là báu vật của ông chủ người Pháp.

Hồi bé, mỗi khi nhìn thấy xe máy đi trên đường, chúng tôi đều chạy theo để trầm trồ, ngắm nghía. Sau này, Hà Nội xuất hiện thêm một số xe của hãng Peugeot, Terot… Trong quân đội Pháp còn có xe của hãng Harley Davidson, nhưng nhiều nhất vẫn là xe của hãng Motobecan. Đây là loại xe sử dụng động cơ 2 kỳ, chạy bằng xăng pha dầu. Xe của hãng Peugeot thì hình thức có cải tiến và đẹp hơn, còn gắn thêm một giá đèo hàng ở phía sau nên chở được 2 người. Vành, ghi đông, đèn được mạ crom sáng loáng, còi đã chuyển thành còi điện. Nhưng tiếng còi không kêu được như bây giờ mà nó kêu một hồi reng reng như chuông báo thức đồng hồ để bàn.

Những chiếc xe máy cổ từ thời Pháp của một nhà sưu tập ở Hà Nội

Những chiếc xe máy cổ từ thời Pháp của một nhà sưu tập ở Hà Nội

Loại xe máy sang trọng nhất hồi trước năm 1954 thì phải kể đến xe Terot, loại xe của Pháp có phân khối lớn. Xe có kích cỡ lớn hơn 2 hãng Peugeot và Motobecan, chỉ duy nhất có màu sơn đen. Loại xe máy này ở thời kỳ đó đang được ưa chuộng vì kiểu dáng, mẫu mã đẹp, gây ấn tượng cho khách hàng, nhưng giá rất đắt, chỉ người giàu hoặc viên chức Nhà nước lương cao mới mua được. Cậu tôi lúc đó là thầu khoán các công trình cầu đường, lương cao, lại chưa vợ con, khá chịu chơi nên tậu được chiếc xe Terot. Lúc ấy, tôi còn đang học lớp ấu học, hàng ngày đi qua nhà ông thế nào cũng phải ngó xem chiếc xe có để ở nhà không. Nếu có xe ở nhà là tôi lẻn vào, rồi ngắm nghía, sờ, xoa, nghịch vài thứ trên xe một lúc cho đỡ thèm. Chiếc xe máy của ông chính là niềm mơ ước của tôi.

Chuyện xưa và nay

Chính vì chiếc xe máy đắt tiền, quý hiếm nên ông cậu tôi giữ gìn, chăm bẵm lắm. Ông gọi thợ mộc về đóng hẳn một cái bệ cao hơn mặt đất độ 30cm. Mỗi lần đi về là ông lau chùi cho bóng loáng rồi dắt xe lên bệ. Bệ lại gần bàn uống nước, lúc ở nhà ông chỉ có một thú vui duy nhất là đọc nhật trình (báo) và ngồi uống trà ngắm chiếc xe quý hóa với ánh mắt đầy tự hào.

Chiếc xe máy hiếm hoi của một gia đình ở Hà Nội năm 1975

Chiếc xe máy hiếm hoi của một gia đình ở Hà Nội năm 1975

Đến năm 1960, Hà Nội có vài đợt người dân từ nước ngoài hồi hương mang theo những chiếc xe máy “cá xanh”, “cá vàng” của hãng Mobylette. Cạnh nhà tôi có một gia đình mới chuyển đến ở, cứ 8h là ông chủ lại mang xe ra vỉa hè nhà lau chùi, nổ máy. Được một lúc thì trẻ nhỏ, rồi cả người lớn hiếu kỳ bu quanh chiếc xe “cá vàng” sơn bóng lộn. Khi máy nổ, chủ nhân thỉnh thoảng lại kéo ga, động cơ phát ra âm thanh xè xè, khói từ ống xả tỏa ra mù mịt. Cứ thế, ông chủ để máy nổ cho mọi người được chiêm ngưỡng, được nghe tiếng động cơ rồi bình luận.

Sau này có nhiều người đi công tác, xuất khẩu lao động từ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu mang xe máy về bằng đường tàu biển như Riga, Vecovina, Minsk của Liên Xô, hay Java, Stadion của Tiệp Khắc. Thịnh hành nhất là xe Babetta được dân Hà Nội vô cùng ưa chuộng. Ngoài ra, phải kể đến các loại xe của Đức được người chơi xe mê mẩn và coi như một tài sản lớn trong gia đình như Harbick, Spark, Star, Simson (hay còn gọi là xe Mô kích). Người nào sở hữu xe máy thì mặc nhiên được coi như là người giàu có, sành điệu. Mỗi khi đi trên đường là nhận được rất nhiều ánh mắt ngắm nhìn, ghen tị và mơ ước.

Peugeot - loại xe máy sang trọng nhất hồi trước năm 1954

Peugeot - loại xe máy sang trọng nhất hồi trước năm 1954

Đến thập niên 70-80, xe máy vẫn là thứ khan hiếm, có giá trị cao nên ngay cả người có tiền cũng khó mà mua được. Ngày ấy, tôi có anh bạn là giáo viên rất mê xe. Anh tích cóp, vay mượn mãi mới mua được chiếc xe Babetta màu đỏ. Vốn là người cẩn thận, khi đi làm xa tận ven đô mà chẳng may gặp mưa thì anh nhất quyết chỉ đi… xe đạp. Đến Chủ nhật anh mới đánh bộ sang trọng, chân đi giày Tây, đầu chải bóng loáng, mang chiếc xe mới coong lượn vài vòng quanh hồ Hoàn Kiếm hóng gió rồi về. Khi về, anh lại lau chùi cẩn thận rồi tra dầu mỡ, phủ bạt cất đi.

Giờ thì những người sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại hầu như chỉ còn rất ít. Những ai còn chịu khó đạp xe thì chủ yếu là để tập thể dục cho khỏe người. Xe máy cũng không còn gia tăng khủng khiếp về số lượng như trước, nhường chỗ cho những chiếc ô tô dán kính màu tối đến mức không thấy mặt người lái. Không biết có khi nào ngay cả những chiếc ô tô cũng sẽ vãn đi để nhường chỗ cho một phương tiện thời thượng khác hay không!

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DUY NGỌC ([Tên nguồn])
Sành - Ăn - Chơi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN