Tin vịt Tết 2: Tính toán nhầm khi mừng tuổi sếp
Anh ta nghĩ rồi thế nào mình chẳng thu được gấp đôi gấp 3 số vốn đầu tư ấy.
Rùa Hồ Gươm bị hỏng thính giác?
Một nhà nghiên cứu rùa Hồ Gươm nhân dịp đi xem bắn pháo hoa đêm giao thừa ở Bờ Hồ đã kết luận: “Các vị rùa dưới hồ chắc chắn đều là rùa già, rùa cao tuổi hết và tai của các cụ đều nghễnh ngãng nặng, bởi pháo hoa bắn ầm ầm vào đêm hôm khuya khoắt như thế mà chẳng thấy cụ rùa nào phàn nàn gì sất”.
Tính toán nhầm khi mừng tuổi sếp
Ngày gặp mặt đầu xuân, một anh chàng nhân viên công ty nọ quyết định “thả săn sắt bắt cá rô”, anh ta đứng ngay cửa thang máy tầng 1 để “mừng tuổi mồi”. Anh ta chuẩn bị 5 phong bao cho 5 sếp, mỗi phong bao 500K, điều đặc biệt phong bao của anh ta làm bằng nilon trong suốt nhìn thấy cả “ruột gan”. Anh ta nghĩ rồi thế nào mình chẳng thu được gấp đôi gấp 3 số vốn đầu tư ấy. Các sếp bao giờ chả phải mừng lại số lớn hơn thế. Sếp mà!
Tuy nhiên trái với suy nghĩ “tầm thường” của anh ta, các sếp sau khi nhận phong bao của anh ta đều chỉ mỉm cười cảm ơn: “Mình xin nhé! Cậu chu đáo quá!”.
Những nguồn gốc đồn đoán của “lì xì”
Lâu nay người ta thường cho rằng từ “lì xì” (với ý nghĩa tiền mừng tuổi) dùng trong năm mới có nguồn gốc nước ngoài. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây của nhóm các nhà xã hội học và văn hóa lại cho kết quả khác. Chuyện là thế này, ngày Tết các bậc cha mẹ thường hay cho tiền vào phong bao mầu đỏ để mừng tuổi cho trẻ con, phong bao để biếu các sếp cũng dùng chung loại này (tất nhiên “ruột” nhiều hơn).
Để tránh việc đưa nhầm nên bên ngoài phong bao biếu sếp có viết thêm 2 chữ “L.X” với ý nghĩa là “Lộc Xuân”. Về sau trẻ con phát hiện ra điều này (do người lớn xúi) thì khi nhận phong bao chúng đều đòi loại có 2 chữ “Lờ Xờ” nói trên, gọi riết thành quen và 2 chữ “lờ xờ” trên phong bao ngày Tết bị biến tướng thành “lì xì” ngày nay.
Bên cạnh đó cũng có giai thoại khác như sau: Ngày Tết tại một gia đình nọ, có vị khách giàu có, keo kiệt đến chơi nhà mà “lì” ra không chịu mừng tuổi, ông này bị “tập thể” những đứa trẻ đông đúc và… hồn nhiên nhà ấy réo đòi cho đến khi phải “xì” tiền ra mới thôi. Câu chuyện này được kể đi kể lại để nhắc nhở những anh chàng có thói keo kiệt và lâu dần vô hình trung hai chữ “lì xì” được hiểu là tiền mừng tuổi.
Gái đảm chuẩn bị Tết
27 Tết, chị Mai Thị Duyên, nhân viên thu ngân ở Đà Nẵng, thì thể hiện tài đảm đang, chị làm nồi măng chân giò to đùng và một nồi thịt đông lớn, ngon hết sẩy, định bụng cho cả nhà 5 người ăn trong suốt dịp Tết và biếu nội ngoại. Nấu xong, chẳng kịp chờ nguội chị tống cả 2 nồi vào tủ lạnh rồi lên đường về quê chồng, cách thành phố Đà Nẵng 80km, định bụng chiều 30 sẽ quay lại thành phố. Trước khi ra khỏi nhà, nhằm triệt để tiết kiệm điện, chị Duyên... gạt cầu dao tổng, cắt điện toàn bộ nhà.
Chiều 30 lên, mở tủ lạnh thấy nồi măng chân giò và thịt đông đã có mùi… “thơm lạ” tự bao giờ. Kèm theo một lô xích xông các thực phẩm khác trong tủ lạnh cũng đang trong quá trình lên men. Đành phải đổ đi hết. Tuy nhiên chị Duyên vẫn được chồng khen là “duyên” vì tiết kiệm được một khoản kha khá trong hóa đơn tiền điện tháng Tết.
Tranh Tết cũng phải mới
Khi xã hội ngày càng phát triển thì văn hóa truyền thống cũng bị thay đổi ít nhiều. Ngay cả trong lĩnh vực hội họa cũng vậy. Trước đây tranh Tứ bình ngày xuân gồm bốn loại cây:
Mai, Lan, Cúc, Trúc.
Nay tranh Tứ bình hiện đại được thay bằng bốn biểu tượng:
Ngôi chùa, Cảnh biển, Trường học và hình ảnh Trai Gái ôm nhau.
Ý nghĩa của của bộ tứ này là: Mùa Xuân đi chùa, Mùa Hạ đi biển, Mùa Thu đi khai giảng và Mùa Đông đi ăn cưới.
Xem xong những hình ảnh hài hước đến khó đỡ như thế này dễ khiến cho anh em “cười ngất“ mất.