"Bí kíp" gây hứng thú của thầy cô giáo "triệu view" trên TikTok, YouTube

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến học sinh, sinh viên tại nhiều tỉnh, thành phố không thể đến trường, phải chuyển sang học trực tuyến.

Việc học trực tuyến trong tình thế này đã được các chuyên gia chỉ ra hàng loạt khó khăn: Tương tác của học sinh với thầy cô và bạn bè bị hạn chế, học sinh có thể bị hổng kiến thức khi lắng nghe bài giảng thụ động qua màn hình và thiếu sự quan sát kịp thời của thầy cô,...

Trong một hội thảo do startup Grind và Clevai Math tổ chức mới đây, thầy Nguyễn Tiến Đạt (sở hữu kênh YouTube đã nhận nút bạc) và Th.S Nguyễn Thị Hiền - giảng viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất (sở hữu kênh TikTok hơn 1,3 triệu người theo dõi) đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc "Giải quyết xa cách khi học online". Cả hai thầy cô đều là những giáo viên chuyên Toán.

Hội thảo trực tuyến "Giải quyết xa cách khi học online".

Hội thảo trực tuyến "Giải quyết xa cách khi học online".

Th.S Nguyễn Thị Hiền cho biết, bà chủ yếu dạy học trên TikTok và Facebook. Trong các buổi livestream dạy trực tuyến, bà cũng áp dụng các phương pháp gây hứng thú với học sinh. Trong đó, có phương pháp đặt các câu hỏi mở liên quan đến vấn đề thực tế cho học sinh tư duy, và cách cho học sinh chơi một số trò chơi trực tuyến liên quan đến môn học.

"Ví dụ buổi dạy tỉ lệ thuận, tỉ lệ nghịch cho học sinh lớp 5, tôi sẽ hỏi học sinh lấy ví dụ về 2 đại lượng cùng tăng trong thực tế. Học sinh đưa ra rất nhiều ví dụ, tỉ lệ thuận như là học nhiều thì não nhiều nếp nhăn, học nhiều thì càng ngày càng giỏi; tỉ lệ nghịch như tiêm vắc-xin nhiều thì số lượng người chết sẽ giảm. Nói chung là sẽ vô vàn các bạn giơ tay để nói các ví dụ của mình, để tương tác", bà Hiền chia sẻ.

Kênh TikTok hơn 1,3 triệu người theo dõi của cô Hiền.

Kênh TikTok hơn 1,3 triệu người theo dõi của cô Hiền.

Ngoài ra, theo bà Hiền, bà thường xuyên tổ chức trò chơi đuổi hình bắt chữ để học viên vừa chơi vừa học, xả stress khi học. Song bà nhìn nhận một thực tế rằng, giáo viên không thể kiểm soát được sự hiện diện và độ tập trung của các học sinh; quan trọng nhất vẫn là ý thức của học viên.

Còn theo thầy Nguyễn Tiến Đạt, ông chủ yếu livestream trên nền tảng Facebook và YouTube, có những buổi ngắn hơn thì sử dụng Zoom hoặc Google Meet. Theo ông, cốt lõi của một bài giảng nằm ở phần giáo trình, buổi giảng thành công nằm ở sự chuẩn bị của giáo viên. Nhưng để tăng độ tương tác cho học sinh thì phải luôn luôn nghĩ ra được cách hoạt náo khi học online.

"Việc không tương tác với cả lớp khi học online rất dễ gây buồn ngủ, nhiều bạn còn học theo hình thức chống đối. Tôi sẽ phải nghĩ ra hình thức để các bạn chăm bình luận, rồi khi các bạn bình luận xong thì mình dành thời gian để nói chuyện với các bạn, để tạo không khí vui vẻ", ông Đạt chia sẻ.

Một buổi livestream thu hút hơn 70.000 người xem của thầy Đạt. 

Một buổi livestream thu hút hơn 70.000 người xem của thầy Đạt. 

Ông Đạt nhận định, có một rào cản khá lớn khi dạy trên Facebook và YouTube là sẽ dạy một số lượng học sinh rất đông, lên đến 20.000 - 30.000 học sinh cùng một thời điểm. Và khi ngần ấy người nhìn vào màn hình Zoom hay Meet thì người dạy không thể thấy hết mặt các học viên, hoặc rất chi chít và chất lượng hình ảnh thấp.

Do đó, ông có bước thống nhất tư tưởng khi bắt đầu dạy học. "Mình thấy nhiều thầy cô vào bài giảng là cứ thế mà dạy cho học sinh thôi, đâm ra có những học sinh có tư tưởng cô giáo như mẹ hiền, nên có khi lấn át cả thầy cô. Mình thống nhất với nhau là tại sao các em lại ngồi ở đây, và tại sao các em lại cần phải học", ông Đạt nói.

"Khi học online, thường có tư tưởng là thoải mái nên học sinh có nhiều cách để chống đối với giáo viên. Nhưng mình sẽ nói vấn đề kỷ luật như là dạy học trực tiếp luôn. Đầu giờ, các bạn bắt buộc phải làm bài kiểm tra, kéo dài từ 5 - 10 phút. Bài kiểm tra đầu giờ này là các câu hỏi đã được học ở buổi trước, nên ai không cẩn thận ở buổi trước là thất bại ngay", ông Đạt nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Nỗi lo đường truyền Internet và ”n lỗi lo khác” khi học trực tuyến

Nhiều gia đình gặp khó khăn trong việc tiếp cận thiết bị công nghệ (laptop, tablet, smartphone,...) để học trực tuyến, cùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Học trực tuyến Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN