Đáy bất động sản vẫn là ẩn số
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cũng ví von: Chúng ta hãy xem khủng hoảng thị trường BĐS hiện nay như đang trong “cơn đau sinh nở”, một mầm non BĐS mới khỏe mạnh sắp xuất hiện.
“Giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) chỉ được đặt ra khi sự suy biến của thị trường này làm nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Thị trường là một "cuộc chơi" kinh tế, và phải chấp nhận "luật chơi", thắng có tiền bỏ túi, thua phải đành chấp nhận mất tiền” - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu tại diễn đàn “Triển vọng phục hồi của thị trường BĐS”.
Thị trường BĐS đang trong... “cơn đau sinh nở”
Theo GS Đặng Hùng Võ: Ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có thị trường BĐS chịu khó khăn về vốn khi Nhà nước kiềm chế lạm phát chứ chưa nhìn thấy khả năng thị trường BĐS làm ra khủng hoảng tài chính quốc gia. Tất nhiên mới có một số ít doanh nghiệp vừa bước chân vào thị trường BĐS là gặp khó khăn thực sự. Sự thực, trong tình trạng của thị trường BĐS nước ta hiện nay, không nên dùng từ "giải cứu" mà chỉ nên dùng từ "tháo gỡ khó khăn cho thị trường".
Thị trường BĐS hiện nay giống như trong thời kỳ “sinh nở”.
Về nguyên tắc, một số nước như Mỹ, Thái Lan, Singapore trước đây cũng đã từng “giải cứu” thị trường BĐS. Nhưng các quốc gia này chỉ ra tay khi thị trường BĐS tác động xấu gây nên khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng kinh tế trên tầm quốc gia, khu vực hoặc toàn cầu. Họ đặt ra vấn đề “giải cứu” vì hệ lụy phát sinh chứ không phải vì bản thân thị trường BĐS. “Đến năm 2012, nghịch lý nói trên của thị trường BĐS Việt Nam đã thể hiện rất rõ.
Kho BĐS giá cao tồn đọng gắn với nợ xấu của các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư dự án đã giảm giá hết cỡ nhưng vẫn không có giao dịch; người lao động có nhu cầu rất cao về nhà ở giá rẻ nhưng lại thiếu cung. Làm gì để giải quyết kho BĐS giá cao tồn đọng và làm gì để tăng cung phân khúc BĐS giá rẻ phục vụ nhu cầu ở của người lao động là những việc được đặt ra vào cuối năm 2012. Để thực hiện tốt Nghị quyết 02, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương cần tôn trọng nguyên tắc minh bạch và công bằng. Mọi tư duy về tư lợi đều làm hại chung cho thị trường BĐS đang yếu ớt hiện nay” - ông Đặng Hùng Võ lý giải.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ cũng ví von: Chúng ta hãy xem khủng hoảng thị trường BĐS hiện nay như đang trong “cơn đau sinh nở”, một mầm non BĐS mới khỏe mạnh sắp xuất hiện. Nghị quyết 02 như một phương án “đỡ đẻ” tốt, “bà đỡ” cụ thể là các cơ quan quản lý Nhà nước và các cán bộ quản lý Nhà nước. Nếu “bà đỡ” làm tốt nghiệp vụ thì thị trường BĐS mới có cơ hội khỏe mạnh trong tương lai.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là phải khắc phục được sự lệch pha cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý, sao cho các sản phẩm BĐS chủ yếu phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đa số người dân.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia mà trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội, hướng tới người nghèo để người nghèo có nhà ở. Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở để phân loại các dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần tạm dừng và các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho hay: Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng, trong đó có: 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà.
Đáy BĐS vẫn là ẩn số
Ở góc nhìn của một người trong cuộc, ông Lương Trí Thìn- Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh cho rằng: Thị trường BĐS như hiện nay, nhà đầu tư hẳn cũng rất khó khăn nhưng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thị trường mà các chủ đầu tư cũng cần xem lại chính doanh nghiệp của mình. Cụ thể là sự hiệu quả của đội ngũ nhân sự, cách thực hiện dự án, sự đầu tư vào khâu thiết kế, quản lý, vận hành và các vấn đề quản lý hệ thống.
Ngoài ra, giá cả vẫn là vấn đề mấu chốt khi nhiều dự án chưa thực tế trong khâu định giá, từ đó chưa đáp ứng nhu cầu và tính chi trả, dẫn đến sự thất vọng của người mua. Cũng theo người đứng đầu Tập đoàn Đất Xanh: “Đáy thị trường vẫn còn là một ẩn số và không ai có thể nói được bây giờ đã là đáy thị trường hay chưa. Vì vậy tôi cũng không muốn dự đoán vấn đề nhạy cảm này. Tuy nhiên, theo tôi cho dù nếu bây giờ chưa phải là đáy của thị trường thì cũng đã bắt đầu là thời điểm tốt để mua nhà cho người có nhu cầu thật vì giá nhiều dự án đã giảm đến mức tiệm cận khả năng chi trả của người mua!”