Thăng tiến trước thềm năm mới

Thứ Năm, ngày 26/02/2015 14:57 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Thăng tiến trong nghề nghiệp chỉ đến với những ai biết nỗ lực và những nỗ lực ấy phải được lãnh đạo và đồng nghiệp công nhận.

Có nhiều thay đổi tích cực sau khoảng thời gian làm việc nghiêm túc và hết mình tại doanh nghiệp là mong ước của nhiều người lao động. Một vài bí quyết dưới đây giúp bạn thành công trong năm mới.

Tự tạo cơ hội

Năm mới, chắc chắn công ty bạn sẽ có những dự án mới, công việc mới. Bạn hãy xung phong thực hiện những dự án này. Quá trình thực hiện dự án và kết quả mang lại sẽ là thước đo chuẩn xác cho khả năng của bạn. Nếu phòng, ban của bạn không thường xuyên có những cơ hội như vậy, hãy tạo ra cơ hội cho chính mình. Bạn có thể đề xuất với sếp những dự án hay giải pháp giúp công việc hiện tại hiệu quả hơn, làm khách hàng hài lòng hơn...

Thăng tiến trước thềm năm mới - 1

Nhân viên đề xuất ý tưởng. Ảnh minh họa.

Cập nhật thông tin

Thông tin luôn mang lại cho bạn nhiều ý tưởng sáng tạo hay những giải pháp để giải quyết các vấn đề hiện tại trong công việc. Vì vậy, bạn nên đọc sách, tìm hiểu thông tin online hay nói chuyện với đồng nghiệp để nắm bắt tình hình, những thay đổi hay xu hướng mới trong lĩnh vực ngành nghề bạn đang làm. Đừng quên chia sẻ những thông tin bạn thấy có giá trị với sếp và đồng nghiệp vì kiến thức và sự chủ động của bạn chắc chắn luôn được đánh giá cao.

Nâng cao kỹ năng

Bổ sung kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng mềm sẽ không bao giờ thừa nếu bạn muốn thăng tiến. Hãy tìm kiếm những cơ hội học tập ngay trong doanh nghiệp. Nếu công ty bạn không có những chương trình đào tạo dành cho nhân viên, hãy thuyết phục sếp để có cơ hội đi học. Bạn cần chứng minh được những khóa học này sẽ mang lại hiệu quả công việc tốt hơn. Sếp sẽ không từ chối sự tích cực và tinh thần ham học hỏi của bạn.

Thăng tiến trước thềm năm mới - 2

Làm việc theo nhóm. Ảnh minh họa.

Báo cáo công việc với lãnh đạo

Trong quá trình quản lý dự án, bạn hãy thường xuyên cập nhật tiến độ của dự án với sếp, những khó khăn bạn gặp phải và cách bạn giải quyết vấn đề đó như thế nào. Nếu bạn nhận được một email cảm ơn từ khách hàng, hãy chuyển cho sếp với tinh thần là khách hàng đã rất hài lòng dịch vụ của công ty.

Chia sẻ
Theo Nguyễn Nguyên (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN