Nhạc Việt bị “thất sủng”

Sự kiện: Scandal ngôi sao

Không còn chiếm vị trí độc tôn ở khung giờ vàng trên sóng truyền hình, hay show diễn ở các sân khấu cũng thu hẹp dần, loại hình giải trí âm nhạc đang mất dần khán giả. Đó chính là hệ quả của một khoảng thời gian quá dài bội thực với chương trình truyền hình trực tiếp, nhạc online miễn phí và chất lượng ca sĩ trẻ ngày một đi xuống.

Dạo một vòng với tất cả các loại hình giải trí hiện nay, mới thấy, khán giả của loại hình giải trí gần như là “vua” trong 10 năm qua đã vơi đi. Họ không còn ưa chuộng để đến với sân khấu ca nhạc hàng đêm, thay vào đó, sân khấu kịch nói, rạp chiếu phim ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Nhạc Việt bị “thất sủng” - 1

Phải có sức hút của những sao cỡ bự như Mr Đàm mới có khả năng thu hút khán giả

Nếu như trước kia, sân khấu kịch nói chưa vượt qua được 5 đầu ngón tay thì hiện nay, các dạng thức hoạt động của loại hình nghệ thuật này đa dạng hơn rất nhiều. Khán giả chọn kịch nói nhiều hơn bởi nghệ sỹ không thể “diễn nhép” như nhiều ca sĩ trẻ làm suốt thời gian qua. Sự tương xứng giữa giá vé và hưởng thụ nghệ thuật được cảm nhận rõ ràng hơn nên khán giả bắt đầu thay đổi.

Hiện nay, các chương trình ca nhạc thu hẹp dần, chỉ còn lác đác những show diễn hàng tuần ở các sân khấu bình dân như 126, Trống Đồng... Ca sĩ cũng thu hẹp quy mô làm show của họ cả về số lượng lẫn quy mô khán phòng tổ chức. Lượng khán giả dành cho âm nhạc dần chia nhỏ, không chỉ ở nhiều lĩnh vực giải trí khác mà sự phân hóa ở góc độ thưởng thức cũng tạo nên nhiều khác biệt.

Xu hướng khán giả tạm gọi là “hạng sang” thì chỉ chọn những show diễn đầu tư lớn, những ê kíp thực hiện uy tín, và cả giá vé cũng thuộc hàng “khủng”. Tuy nhiên, những show nhiều yếu tố cao kiểu này vẫn chưa thực sự được ca sĩ ưa chuộng vì kinh phí cao và độ rủi ro cũng không hề nhỏ. Đa phần, những show diễn dạng này chủ yếu theo hình thức dạ tiệc hay trong các phòng trà với sức chứa khoảng vài trăm khách...

Đã có một khoảng thời gian dài, khán giả có rất nhiều chọn lựa, các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp với quy mô lớn liên tục diễn ra như: Giai điệu tình yêu, Nhịp cầu âm nhạc, H2teen Concert... hay rất nhiều show diễn mang tính quảng bá, từ thiện mà trong đó âm nhạc là ưu tiên hàng đầu. Khán giả rất đông, họ hào hứng và xem không ngừng nghỉ.

Nhạc Việt bị “thất sủng” - 2

Sức nóng như bão rock storm khiến bất cứ chương trình ca nhạc nào cũng khao khát

Kéo theo hệ quả đó, chính là sự dễ dãi trong phương thức dàn dựng chương trình. Ca sĩ hát nhép ngày càng thoải mái hơn, kịch bản không còn là quan trọng, các ca sĩ trẻ chỉ được xếp hát lót cho Sao... cứ mô tuýp ấy trong các show ca nhạc đã làm cho khán giả bắt đầu chán, nhìn lại giá trị thật mà những chương trình này mang lại.

Xu hướng nâng cao chất lượng nghệ thuật từ phía người thưởng thức là có thực. Không riêng gì chúng ta, mà ngay cả trên thế giới, kịch Nô của Nhật, hay Hòa nhạc thính phòng Tây phương, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Trung Quốc... tất cả đều có giá vé rất cao, và được xếp vào loại hình giải trí cao cấp. Khán giả trong nước đang có cách nhìn khác hơn, họ thiên hướng thể hiện đẳng cấp thông qua một chương trình nghệ thuật trong đó họ là người thưởng thức.

Vì vậy, show ca nhạc tạp kĩ dần dần thu hẹp phạm vi hoạt động. Hàng loạt các chương trình có sự pha trộn giữa nhạc hàn lâm thính phòng và nhạc trẻ đã có công chúng thưởng thức, tạo nên sức ảnh hưởng trên diện rộng. Số lượng ca sĩ theo đuổi dòng semi classic hay cổ điển giao thoa cũng nhiều hơn, có thể điểm qua vài đại diện như ca sĩ Đức Tuấn, Phạm Thu Hà, gần đây là ca sĩ Phương Linh.

Nhạc Việt bị “thất sủng” - 3

Khán giả bắt đầu chán dần những show ca nhạc theo lối mòn

Hiện nay, show ca nhạc có xu hướng chia khán giả ở độ tuổi và thị hiếu ra 2 dòng chính là nhạc tiền chiến, lãng mạn và nhạc trẻ. Điều này cũng khá phù hợp trong bối cảnh thay đổi lượng khán giả dành cho âm nhạc ngày một ít đi. Thêm một yếu tố tác động không nhỏ chính là các chương trình truyền hình mang tính thực tế, phim truyền hình phát triển không ngừng.

Thay vì chỉ xem ca sĩ xếp hàng ra hát theo kiểu quen thuộc, nay khán giả truyền hình có thể thấy thần tượng của họ diễn, phát ngôn, bộc lộ cảm xúc... tranh luận, có lúc là tranh cãi... Gương mặt mới trong các chương trình âm nhạc đủ sức lấp đầy sự tò mò của khán giả hơn là vài vút ngắn ngủi thông qua một chương trình ca nhạc thuần túy như trước đây. Trong khi đó, show truyền hình gần như miễn phí 90%, còn giá vé lại là sự băn khoăn của bất kì ai khi chọn lựa phương thức giải trí hiện nay.

Show ca nhạc không mất hẳn trong đời sống âm nhạc nhưng đang dần chuyển mình, thay đổi dạng thức tổ chức, hoạt động để có thể cạnh tranh với 2 lĩnh vực nghệ thuật rất hứa hẹn là kịch nói và phim ảnh. Thay vì show ca nhạc là sự kiện như trước kia, thì bây giờ Sao và người nổi tiếng mới là tâm điểm trong các sự kiện.

Nhạc Việt bị “thất sủng” - 4

Gu thưởng thức âm nhạc của người nghe ngày càng tang. Những album "hàn lâm" như của Phạm Thu Hà giờ cũng có đông đảo khán giả ưa chuộng

Sự chuyển dịch trong mối quan tâm của đại đa số công chúng cũng góp phần thu hẹp “quyền năng” của hình thức trình diễn. Hội tụ những yếu tố khác biệt ấy, các đại diện mới trong cách tiếp cận đến khán giả như Luala Concert, Giai điệu trẻ, In The Spotlight... đã giành được thế “chủ động” trong tình hình âm nhạc hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hưng Phạm ([Tên nguồn])
Scandal ngôi sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN