Người lính và những ca từ khó quên

Có mất mát, có đau thương nhưng hơn cả, những bài hát đó chất chứa niềm tin về chiến thắng, về sự lạc quan, tình yêu của những người đã đi qua những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh.

Màu hoa đỏ (Thuận Yến)

Ca khúc thoáng có chút bùi ngùi, song phần hồn của Màu hoa đỏ là niềm tin tất thắng vào ngày mai. Ca khúc được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc từ bài thơ Thời hoa đỏ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

Người lính và những ca từ khó quên - 1

Thanh Lam thể hiện rất thành công ca khúc Màu hoa đỏ mặc dù lần đầu tiên chị hát ca khúc này là khi mới 21 tuổi

NS Thuận Yến đã từng tâm sự về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Màu hoa đỏ: Thật là hữu duyên. Những ý tưởng đầu tiên của ca khúc này được nảy lên từ chính ngôi nhà số 4 – Lý Nam Đế. Thỉnh thoảng tôi vẫn thường sang bên Tạp chí VNQĐ để “ôn cố tri tân” với anh bạn – nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Hôm đó hai anh em ngồi ôn lại những kỷ niệm khi còn ở chiến trường, nhớ về những anh em đồng đội kẻ nay còn, người đã mất. Chỉ tiếc rằng nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt những đồng đội chính tay mình chôn cất. Tôi bàn với anh Mậu là tìm tứ thơ, tôi đảm nhiệm phần phổ nhạc như để trả nợ về tinh thần.

Bài thơ của anh Mậu lúc đầu có tên Thời hoa đỏ. Sau khi phổ nhạc, tôi bàn với anh đổi tên thành Màu hoa đỏ. Bởi vào năm tháng đó, suốt dọc đường hành quân chỉ gặp màu rực đỏ của hoa chuối rừng. Nó gợi lên không khí hào hùng, không khí chiến thắng, tác động không ít đến anh em chiến sĩ. Cùng thời gian đó, tôi dẫn Thanh Lam đến phòng thu của Đài tiếng nói Việt Nam để thu thanh ca khúc này. Phải nói rằng mới có 21 tuổi nhưng Lam đã thể hiện ca khúc rất thành công. Lúc Lam hát, tôi đã ngồi lặng đi cảm thấy dường như tôi đã gặp lại các đồng đội cũ. Đừng hỏi tôi ai thể hiện thành công ca khúc này nhất. Ai cũng thành công khi mang trong mình niềm đam mê"

Vết chân tròn trên cát

Vết chân tròn trên cát là một bài hát thuộc thể loại nhạc trữ tình, cách mạng của nhạc sĩ Trần Tiến. Đây là một trong những bài hát viết về đề tài những người thương binh - liệt sĩ khá nổi tiếng và được nhiều người nghe yêu thích. Nội dung bài hát là câu chuyện về một người thương binh vừa trở về từ chiến trường. Tuy cơ thể không còn được lành lặn nhưng anh vẫn cùng đôi nạng gỗ hàng ngày đến trường làng để dạy cho các em thơ về những bài hát của quê hương...

Người lính và những ca từ khó quên - 2

Có lẽ, ít ai thể hiện thành công ca khúc Vết chân tròn trên cát hơn nhạc sĩ Trần Tiến 

Về hoàn cảnh sác tác ca khúc này, nhạc sĩ Trần Tiến cho hay: Vào năm 1981, trong một lần đi dạo quanh bãi biển Tiền Hải (Thái Bình), ông bắt gặp những dấu nạng in hằn trên cát biển. Ông đã dò hỏi người dân xung quanh và biết được dấu nạng đó chính là của một anh thương binh bị thương tật ở chân, đang trên đường đi đến trường dạy học cho các em nhỏ trong làng. Xúc động vì hình ảnh những dấu tròn trên cát đó, nhạc sĩ đã sáng tác bài hát khi trên đường đi bộ từ bãi biển về nhà trọ, đặt tên là Vết chân tròn trên cát. Tuy nhiên, cho đến tận ngày trả lời phỏng vấn báo Sài gòn Giải phóng vào tháng 7 năm 2009, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn chưa một lần được gặp người thương binh là nguyên mẫu cho bài hát này.

Kể từ khi ra đời, bài hát Vết chân tròn trên cát từng được khá nhiều ca sĩ trình bày. Tuy nhiên có lẽ nhiều khán giả sẽ thích hình ảnh đích thân nhạc sĩ Trần Tiến ôm đàn guitar hát Vết chân tròn trên cát

Chuyện tình thảo nguyên

Người lính và những ca từ khó quên - 3

Với giọng hát mộc và phiêu, Hà Trần đã làm sống lại ca khúc Chuyện tình thảo nguyên

Nhạc sĩ Trần Tiến đã vẽ nên một mối tình thât đẹp, thơ mộng và lãng mạn giữa một "em gái trên thảo nguyên xanh" và "anh chàng thương binh trở về làng quê cũ với cây đàn t'rông xưa". Ca khúc mang âm hưởng nhẹ nhàng, tươi vui và phóng khoáng.

Đã có không ít ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này, tuy nhiên, Hà Trần tạo được ấn tượng đặc biệt bởi giọng hát mộc và sự phiêu đầy ngẫu hững khi hát.

Bài ca không quên

Về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho biết: "Vào năm 1981, khi cố Đạo diễn Nguyễn Văn Thông làm bộ phim Bài ca không quên có mời tôi viết ca khúc cho nhạc phim. Sau khi đọc kịch bản, tôi đã nhận lời và ngay sau đó nhanh chóng hoàn thành ca khúc Bài ca không quên”.

Sau khi bộ phim được trình chiếu, ca khúc trong nhạc phim đã khiến cho nhiều người xem xúc động và bật khóc, trong đó có chính vợ chồng tôi. Từ đó đến nay, ca khúc Bài ca không quên đã tách ra sống một cuộc đời riêng với tác phẩm điện ảnh và trở thành một bài ca đi cùng năm tháng.

Người lính và những ca từ khó quên - 4

Ca khúc gắn liền với giọng ca của ca sĩ Cẩm Vân

Bài ca không quên gắn liền với giọng hát của ca sĩ Cẩm Vân và tới nay, chưa có ca sĩ nào gây được ấn tượng mạnh như Cẩm Vân khi hát ca khúc này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo An ([Tên nguồn])
Ca khúc hay nhất việt nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN