Nạn đĩa lậu và chiêu trò PR làng nhạc Hoa

Trước khi nhạc trực tuyến thịnh hành, các ca sĩ luôn bảo mật album trước ngày phát hành CD hay album mới. Tuy nhiên sau này họ lại mong cho sản phẩm của mình đến với đông đảo công chúng bằng mọi cách.

Những lổ hổng dẫn lối cho thị trường đĩa lậu

10 năm trước, những ca sĩ nổi tiếng trên sân khấu nhạc Hoa ngữ thường là đối tượng dòm ngó, rình rập của những kẻ ăn cắp bản quyền. Đó là thời kỳ hoàng kim của loại hình đĩa CD còn phổ biến. Mỗi khi ca sĩ có album chuẩn bị được phát hành, toàn bộ danh sách các ca khúc trong album cũng như nội dung về sản phẩm đó đều được đơn vị phát hành, công ty ghi âm giữ bảo mật tuyệt đối.

Điều này nhằm tránh trường hợp các tay "đạo chích", ăn cắp ca khúc nhanh tay hơn cuỗm mất và tuồn ra ngoài thị trường băng đĩa lậu. Chính những kẻ đạo chích tuồn đĩa lậu ra ngoài đã tạo nên cục diện giữa đĩa lậu 5 tệ và đĩa gốc 50 tệ, khiến các ca sĩ lẫn công ty ghi âm đau đầu.

Nạn đĩa lậu và chiêu trò PR làng nhạc Hoa - 1

Sự kiện album mới của Châu Kiệt Luân bị rò rỉ trên mạng khiến xôn xao làng nhạc Hoa năm 2008.

Còn nhớ năm 2008, một tuần trước khi album phòng thu Capricorn của "hoàng tử nhạc pop" Châu Kiệt Luân (Jay Zhou) phát hành, toàn bộ album đã được phát tán trên các diễn đàn mạng. Sự kiện trên từng lùm xùm trong một thời gian dài khi công ty ghi âm quản lý của Châu Kiệt Luân là Sony đã có tuyên bố chính thức tới truyền thông của Trung Quốc đại lục, nơi album mới của anh bị leak (đánh cắp). Ngoài ra, Sony đã quyết định rời ngày phát hành album trên chậm thêm một tuần nữa.

Vậy những ca khúc mới làm sao lại bị rò rỉ và phát tán ra ngoài? Về giả thuyết, ca khúc bị phát tán thường là bản hoàn chỉnh, hầu như trong quá trình hợp tác với ca sĩ thường khó có chuyện ca khúc bị rò rỉ. Thông thường trong tay người sáng tạo không giữ phiên bản hoàn chỉnh, chỉ những người trong quá trình thu âm mới có bản demo của ca sĩ.

Như vậy, vấn đề ca khúc bị rò rỉ thường xuất phát ở khâu sản xuất hậu kỳ, hòa âm phối khí và sao in, ghi đĩa. Trong khi ca sĩ và nhà sản xuất không thể ngày nào cũng để mắt được đến toàn bộ các quá trình trên. Nếu trong quá trình trên, có người mang sản phẩm của ca sĩ đăng tải trên mạng, ngay lập tức ca khúc sẽ bị rò rỉ và phát tán nhanh chóng.

Nạn đĩa lậu và chiêu trò PR làng nhạc Hoa - 2

Hai đĩa lậu của Vương Phi (trái) và Châu Kiệt Luân.

Một yếu tốc khác dẫn đến rò rỉ ca khúc là trong quá trình giữa công ty ghi âm và nhà sản xuất trao đổi ca khúc trên mạng, dùng email hay liên quan đến mạng internet để truyền tải, bị hacker "cuỗm" được. Hình thức này hiếm khi xảy ra bởi nhà sản xuất và công ty ghi âm vẫn thường chọn cách an toàn nhất là dùng các cơ sở dữ liệu với hệ số an toàn cao để truyền tải ca khúc, tránh bị rò rỉ ra bên ngoài.

Một khâu nữa cũng được coi là một cổng dẫn đến rò rỉ ca khúc là sau khi khâu biên tập ca khúc hoàn thành, sản phẩm âm nhạc sẽ được gửi đến cơ quan quản lý về văn hóa hay giải trí để phê duyệt. Trong quá trình được gửi cơ quan chức năng xét duyệt, rất có thể sản phẩm âm nhạc của một ca sĩ cũng sẽ bị mất tính bảo mật.

Rò rỉ album, single mới trở thành chiêu trò, mánh khóe PR

Những năm gần đây, không mấy ai còn quan tâm đến thông tin rò rỉ album, single mới. Nếu có cũng chỉ nằm trong khâu PR quảng bá một cách lố bịch nhất và dễ nhận thấy nhất của ca sĩ lẫn công ty quản lý.

Nạn đĩa lậu và chiêu trò PR làng nhạc Hoa - 3

Năm 2009, MV Vận đỏ xuống đầu của nữ ca sĩ, diễn viên Hồng Kông Ông Hồng đã bị một trang mạng phát tán trên mạng trước khi MV chính thức được công bố. Ngay sau đó, trang mạng này đã phải gỡ bỏ khi có sự can thiệp của nữ ca sĩ và công ty quản lý.

Trước kia, mọi người mua album là đĩa CD. Mỗi một album có thể bán được khoảng 2 triệu bản. Nếu như cả bản lậu và bản gốc cùng được tung ra đồng thời, thông thường người ta sẽ hướng đến việc mua bản lậu với giá thành rẻ. Tuy nhiên, việc  nghe nhạc trực tuyến hiện nay đang phát triển rầm rộ như vũ bão. Một album chỉ phát hành khoảng 50 - 60.000 bản thì ngay cả những kẻ in đĩa lậu cũng rơi vào tình trạng dẹp tiệm.

10 năm trước, đĩa CD gốc rơi vào tình trạng thất bại thảm hại và phải chào thua trước đĩa lậu. Ngày nay những kẻ sao in đĩa lậu từng tung hoành một thời đã bại trận thảm hại trước trào lưu nhạc kỹ thuật số. Hiện tượng đĩa CD đang dần trôi vào dĩ vãng đã trở thành điều không còn xa lạ gì đối với ca sĩ hay người hâm mộ.

Các ca sĩ hay nhà sản xuất, công ty ghi âm giờ đây không còn quan tâm đến trường hợp ca khúc bị hack hay rò rỉ. Họ chỉ cần biết ca khúc của mình có được chú ý hay không. Nếu bài hát bị đánh cắp và phát tán thì coi như sản phẩm của họ có giá trị và được người khác chú ý. Những ca sĩ có bài hát bị rò rỉ lại coi đó là một niềm vinh hạnh lớn.

Nạn đĩa lậu và chiêu trò PR làng nhạc Hoa - 4

Năm 2002, nhóm nhạc nam thần tượng F4 của Đài Loan dính nghi án tự ý phát hành album Cảm giác yêu. Dù phía công ty quản lý F4 thừa nhận đó chỉ là album lậu. Tuy nhiên, người hâm mộ phát hiện trong album này xuất hiện một vài ca khúc mới mà F4 chưa từng công bố. Nhiều người  nghi ngờ, đây chính là chiêu của F4 trước khi chính thức ra mắt album.

Trên thực tế, nhiều công ty ghi âm, phát hành đĩa vẫn kiên định bài trừ đĩa lậu, nhất định không chịu đầu hàng, thỏa hiệp, trong khi các ca sĩ đã không còn tâm lý quay lưng hay thù địch với nạn ăn cắp và phát tán ca khúc không được cho phép. Đặc biệt là đối với các ca sĩ mới, nếu ca khúc của họ bị phát tán, coi như đó là một trong những yếu tố dẫn đến thành công về sau cho họ.

Cố tình rò rỉ, phát tán

Việc ca sĩ và nhà sản xuất cố tình phát tán ca khúc ra bên ngoài (một cách không chính thức) đã trở thành một trong những chiêu bài thường dùng hiện nay. Cách làm này một mặt có tác dụng trong quá trình tuyên truyền quảng bá cho album, single mới của ca sĩ. Phía ca sĩ sẽ đăng tải thông tin lên báo, trang web về việc ca khúc của họ bị rò rỉ, sau đó tự phát tán một đoạn hay một ca khúc lên mạng, đồng thời lui ngày phát hành chính thức.

Chiêu thức trên vừa có tác dụng xem xét ý kiến người hâm mộ, vừa khiến công chúng tò mò và mong chờ ngày ca khúc ra mắt. Cuối cùng, nếu vụ việc đến tai các cơ quan  ban ngành chức năng hay luật pháp, coi như đã thành công 80%. Lúc này, những lời phát ngôn về bản quyền hay luật pháp từ công ty quản lý chỉ mang tính thông báo không hơn không kém, một cách làm hình thức mặc dù đang "mở cờ trong bụng".

Nạn đĩa lậu và chiêu trò PR làng nhạc Hoa - 5

Sau khi mẹ tròn con vuông, Tôn Yến Tư trở lại với ca hát và dính vụ rò rỉ ca khúc mới, tuy vậy lượng phát hành album của cô không bị ảnh hưởng nhiều.

Thế nhưng không phải cứ tạo scandal rùm beng là khiến album, single được chú ý hay bán chạy. Người hâm mộ ngày nay không phải dễ bị lừa, bởi không phải cứ hễ ca khúc hay album của ca sĩ này dính tai tiếng bị rò rỉ là lập tức nghe và mua ngay. Hơn nữa, không phải một ca khúc hit nổi bật nhất đã dễ dàng bán được trọn album vì người hâm mộ sẽ nghe toàn bộ album trước, sau đó chọn ra những ca khúc ưng ý nhất rồi mới quyết định mua. Do vậy, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ sau này của công ty ghi âm.

Cũng có nhiều trường hợp công ty ghi âm và ca sĩ thực hiện làm đĩa kỹ thuật số, chống nạn sao ghép và in lậu. Mặc dù điều này góp phần làm giảm đáng kể lượng băng đĩa lậu bị sao chép, thế nhưng theo ý kiến của anh Dương Việt, một người hoạt động trong ngành truyền thông và am hiểu thị trường âm nhạc ở Trung Quốc cho biết: "Ngày nay, hầu như các ca sĩ đều muốn đưa ca khúc của mình lên mạng. Việc một ca khúc có thể tìm thấy ở bất kỳ trang mạng nào giờ đây đã trở thành giâc mơ của nhiều ca sĩ. Hiện tại, những ca khúc trên các trang mạng lớn gần như trùng lặp nhau đến 70%, vì vậy, một ca khúc dù chưa bị rò rỉ thì sớm muộn sau này cũng có mặt trên các trang mạng".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Sao và scandal hậu trường đình đám Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN