V-League 2013: Chú trọng kiểm tra doping
Đây là lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng Ban Y tế & Kiểm tra doping của Ban tổ chức giải VĐQG trong mùa giải 2013.
Sau một năm VFF chuyển giao công tác tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho VPF, vấn đề kiểm tra doping, chất gây nghiện trong bóng đá đã bị "lãng quên" ở mùa giải 2012 vừa qua, nhưng mới đây VPF và BTC mùa giải 2013 đã chính thức thành lập Ban Y tế & Kiểm tra doping. Người giữ trọng trách quan trọng này là ông Nguyễn Văn Phú, chuyên gia từng có kinh nghiệm 4 năm liên tiếp (2007-2011) làm Phó ban Y học và Trưởng tiểu ban Y tế cho VFF.
Sau nhiều mùa giải bóng đá Việt Nam chứng kiến những cảnh tượng đầy phản cảm như Huy Hoàng "múa hát" trong tình trạng mất kiểm soát, rồi cả những "cái chết bí ẩn” của một số ngoại binh, chắc chắn vấn đề kiểm tra Y tế, các chất gây nghiện và đặc biệt là vấn đề doping sẽ được BTC giải và VFF, VPF chú trọng nhiều hơn.
Trưởng Ban Y tế & Kiểm tra doping của BTC giải, bác sỹ Nguyễn Văn Phúc (phải) sẽ là người trực tiếp tiến hành các mẫu xét nghiệm.
Để tìm hiểu rõ những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ và cách thức tiến hành của Ban Y tế & Kiểm tra doping, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phú, người đứng đầu bộ phận này.
- Bốn năm liên tiếp VFF và đặc biệt là chính bản thân ông đã trực tiếp tham gia vào việc kiểm tra các chất gây nghiện và doping trong các CLB tại V-League và hạng Nhất. Vậy khi chuyển đổi sang VPF, những công việc này có gì khác biệt, thưa ông?
Sẽ có một số điểm chúng tôi phải điều chỉnh lại để phù hợp với sự phát triển chung, đặc biệt là theo chuẩn của FIFA, AFC về kiểm tra doping và chất gây nghiện. Về cơ bản, nếu theo chuẩn những yêu cầu của FIFA và AFC, Ban Y tế & Kiểm tra doping sẽ phải thực hiện ở hai giải đấu cao nhất Việt Nam là V-League và hạng Nhất. Ngoài kiểm tra các chất gây nghiện, doping chúng tôi còn có nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe cầu thủ, giáo dục cầu thủ phòng tránh những chất kích thích, gây nghiện như các mùa giải trước đã làm.
- Việc tiến hành kiểm tra doping và những chất gây nghiện được cho là rất tốn kém và phức tạp, nhất là với môi trường bóng đá Việt Nam. Ông có thể cho biết cụ thể về quy trình để có được kết quả một mẫu xét nghiệm và số tiền phải bỏ ra là bao nhiêu?
Đầu tiên ở đây có thể chia ra thành 2 mảng. Thứ nhất về kiểm tra doping theo một mẫu chuẩn, gọi là tốn kém thì tôi cho rằng không hề tốn kém. Như chúng ta đã biết, doping là vấn đề thường xuyên trong thể thao, ở các nước trên thế giới, người ta có cả chương trình quốc gia về phòng chống doping. Vậy nên chuyện này không còn tốn kém nữa.
Bán thân chúng ta cũng thường xuyên làm việc này, nhưng chỉ giới hạn ở những giải tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam, như giải điền kinh quốc tế, giải cầu lông, giải bóng đá Asian Cup, AFF Cup… Hàng trăm mẫu được lấy và kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và được gửi đi nước ngoài.
Hình ảnh phản cảm này khiến dư luận đặt nhiều nghi ngờ về hậu trường bóng đá Việt Nam
Trong mùa giải 2013 tới, chúng tôi sẽ làm với tiêu chí thường xuyên và có chọn lọc. Nếu xét tính quan trọng của việc kiểm tra, việc bỏ ra khoảng từ 120 USD đến 220 USD cho một mẫu xét nghiệm ở nước ngoài là cần thiết.
Thứ hai, về chất kích thích là vấn đề không khó và không tốn kém, bởi để có được kết quả một mẫu xét nghiệm chỉ dao động vào khoảng 2 triệu đồng. Vậy nên, việc này chúng tôi vẫn làm thường xuyên trong bóng đá Việt Nam từ năm 2007-2010 và được thực hiện ngay trong nước.
- Số tiền bỏ ra cho một mẫu xét nghiệm doping không phải là quá cao, vậy ở mùa giải 2013 này, Ban Y tế & Kiểm tra doping có tiến hành đại trà hay chỉ làm có tính chọn lọc để phát hiện ra những "con sâu" trong làng bóng đá VN?
Việc kiểm tra doping, chất kích thích chúng tôi sẽ tiến hành trong lúc mùa giải đang khởi tranh, vậy nên không thể thực hiện đại trà được. Bởi nếu làm như thế sẽ ảnh hưởng đến những kế hoạch của các đội bóng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vẫn tiến hành kiểm tra toàn bộ các đội bóng tham dự ở V-League và hạng Nhất. Ngoài việc tiến hành ngẫu nhiên từng cầu thủ ở mỗi CLB, nếu chúng tôi phát hiện trường hợp nào bất thường, sẽ tiến hành kiểm trả luôn. Riêng kiểm tra doping Ban sẽ tiến hành ngẫu nhiên và lấy mẫu xét nghiệm để gửi ra nước ngoài.
- Vậy ông có thể cho biết để thực hiện toàn bộ vấn đề kiểm tra chất gây nghiện, doping và sức khỏe của các cầu thủ ở mùa giải 2013, BTC cần phải bỏ ra số tiền là bao nhiêu?
Theo những kế hoạch mà tôi đã đề xuất lên BTC giải thì những khoản kinh phí đó hoàn toàn có thể đáp ứng được và số tiền đó vào khoảng 250 triệu đồng đến 300 triệu đồng.
- Những nghi ngờ về việc sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện của một bộ phận cầu thủ đã khiến dư luận bức xúc. Vậy sắp tới, Ban Y tế & Kiểm tra doping có chú trọng đến một CLB, hay một nhóm cầu thủ nào để theo dõi và tiến hành kiểm tra liên tục?
Chúng tôi sẽ không thực hiện theo biện pháp này, tất cả các đội bóng và cầu thủ đều nằm trong diện kiểm tra như nhau. Toàn bộ các đội bóng và các cầu thủ trong danh sách đăng ký thi đấu ở mùa giải 2013 sẽ nằm trong nhóm kiểm tra. Và chúng tôi sẽ thực hiện theo kiểu các phòng chức năng của VFF, VPF sẽ có nhiệm vụ bốc thăm cầu thủ ngẫu nhiên, sau đó Trưởng BTC giải sẽ là người cầm kết quả đó đưa cho chúng tôi thực hiện. Chắc chắn sẽ không CLB hay cá nhân cầu thủ nào biết trước được việc kiểm tra của chúng tôi.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!