Sân Mỹ Đình đẹp hơn với quán cà phê, siêu thị...?
Về sự “biến dạng” của Mỹ Đình, ông Cấn Văn Nghĩa, GĐ khu liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Đình, cho rằng việc xây dựng nhà hàng, quán cà phê, siêu thị nội thất... chỉ đẹp thêm cảnh quan nơi đây.
Ông Nghĩa nói: “Một trận bóng đá quốc tế, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) chỉ thanh toán 100-120 triệu đồng. Số tiền trên không đủ cho công tác chăm sóc cỏ, điện, nước, vệ sinh... Còn các môn điền kinh, bơi, lặn lợi nhuận thu về trong tổ chức thi đấu càng không có. Thế thì thu bằng cái gì trong khi các công trình sau 10 năm đi vào hoạt động đã bắt đầu xuống cấp, hằng năm cần hàng chục tỉ đồng để duy tu, bảo dưỡng?”.
* Hiện khu liên hợp có bao nhiêu dự án liên doanh, liên kết với các đơn vị, thưa ông?
- Cả liên doanh, liên kết lẫn cho thuê dịch vụ có trên dưới 30 đơn vị với các dự án khác nhau.
* Việc liên doanh, liên kết có được bộ phê duyệt không?
- Các dự án lớn đều phải báo cáo và phải được Bộ Tài chính chấp thuận về chủ trương, Bộ VH-TT&DL phê duyệt. Còn việc tận dụng cơ sở vật chất, quỹ đất xen kẹt, đất chờ dự án cho thuê ngắn sáu tháng đến một năm thì chúng tôi tự chủ.
* Nguồn thu của khu liên hợp hiện nay là bao nhiêu?
- Năm 2012 là năm đầu tiên khu LHTTQG tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Kế hoạch năm 2012, chúng tôi phấn đấu thu 35 tỉ đồng, sau sáu tháng đầu năm đã thu được 19 tỉ đồng. Trong số nguồn thu về trong năm 2012, 7 tỉ đồng dành ra cho duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình. Ngoài ra tập trung nguồn lực cho tái sản xuất. Năm 2011 bắt đầu thí điểm khoán thu, khu LHTTQG thu được 28 tỉ đồng giúp lương cán bộ, công nhân viên rất cao.
Quán cà phê O2 mọc lên giữa khán đài B của sân vận động quốc gia Mỹ Đình
* Cơ chế chi tiêu thế nào? Kể từ năm 2012 trở đi khu LHTTQG có phải xin thêm tiền từ Bộ VH-TT&DL không?
- Chi phải theo sự hướng dẫn của các đơn vị cấp trên, quy định nhà nước, quy chế nội bộ đơn vị chứ không phải có tiền là được tiêu. Năm nay duy tu, bảo dưỡng tốn cả chục tỉ đồng, bộ không cấp. Chỉ các dự án sửa lớn từ 15-20 tỉ đồng trở lên thì phải làm dự án, xin Nhà nước cấp. Vừa rồi thay mặt cỏ sân Mỹ Đình, bộ cấp 2 tỉ đồng, chúng tôi phải bỏ ra 2 tỉ đồng lấy từ nguồn thu để chi.
* Ông nói sao khi nhiều ý kiến cho rằng quy hoạch, cảnh quan của khu liên hợp đang bị biến dạng bởi các hoạt động kinh doanh, dịch vụ?
- Các dự án liên doanh, liên kết mọc lên chỉ làm cảnh quan đẹp hơn chứ không bị biến dạng. Cơ sở vật chất công trình văn hóa thể thao phải gắn với tổ hợp dịch vụ phục vụ con người, sự kiện. Sân bóng đá không chỉ để đá bóng mà còn phải có công năng khác, có khách sạn, dịch vụ đi kèm. Thế mới phát triển được chứ.
Hiện khu LHTTQG đang điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh xong thì một loạt hạng mục công trình sẽ được tập trung kêu gọi đầu tư như: sân đua xe đạp lòng chảo, tổ hợp quần vợt, hệ thống khách sạn, học viện golf... theo hình thức liên doanh, liên kết hoặc cho thuê đất 50 năm. Có như vậy mới tạo được nguồn thu lớn để tập trung cho phát triển sự nghiệp TDTT. Còn thu từ dịch vụ như hiện nay chỉ tập trung một phần cho công tác duy tu, bảo dưỡng.
* Cho thuê thế này đơn giản hơn đầu tư lớn rất nhiều?
- Đúng.
* Quá trình xã hội hóa có vấp phải ý kiến phản đối nào không, thưa ông?
- Việc khu LHTTQG thực hiện xã hội hóa đã được Chính phủ cho làm thí điểm. Mà thí điểm thì có thể đúng, có thể chưa đúng. Sau ba năm sẽ tổng kết để rút kinh nghiệm. Nếu đúng thì nhân rộng, nếu chưa đúng thì sửa.