Niềm tin bị đánh cắp
Người Việt Nam nói chung và người hâm mộ bóng đá nói riêng luôn vị tha nếu nhìn thấy sự cầu tiến và trân trọng của cầu thủ dành cho họ.
Nhưng lòng chung thủy nào cũng có giới hạn của nó. Bởi khi niềm tin liên tục bị lạm dụng, bị đánh cắp thì có nghĩa mọi chuyện sẽ dẫn đến chấm dứt.
Mấy ngày qua, từ những công sở cho đến quán cà phê góc phố, quán ăn lúc trà dư tửu hậu,… đều xôn xao vụ nhiều cầu thủ Ninh Bình bán mình cho quỷ dữ. Có người giận: “Cầu thủ lương tháng vài chục triệu đồng thế mà không biết giữ mình. Cho bọn này về làm… nông dân để biết khổ”. Tôi nghe nói thế bỗng dưng thấy tội người nông dân, bởi họ sống bằng sức lao động chính đáng, họ sống đẹp.
Nền kinh tế đang cực kỳ khó khăn, người dân khổ cực rất nhiều. Xã hội thì ưu ái hầu hết cầu thủ rủng rỉnh đồng lương cao ngất ngưởng. Thực tế thu nhập hằng tháng của cầu thủ cỡ bằng các giám đốc của những công ty ăn nên làm ra, bằng những CEO giỏi, từng mài đũng quần trên giảng đường ở nước ngoài để có thu nhập xứng đáng khi ra trường. Thế mà…
Các cầu thủ nhúng chàm của V. Ninh Bình sẽ không còn cơ hội chơi bóng nữa.
Các cầu thủ nhúng chàm của V. Ninh Bình sẽ không còn cơ hội chơi bóng nữa. Người hâm mộ ủng hộ điều này. Hãy cho họ một cơ hội ư? Chẳng còn điều đó nữa đâu.
Cầu thủ chuyên nghiệp nào không biết hình ảnh những Văn Quyến, Bật Hiếu, Quốc Vượng, Phước Vĩnh, Quốc Anh, Văn Trương, Hải Lâm vật vã trước vành móng ngựa trong sự đau thương của người thân?
Họ biết rất rõ nhưng vẫn phản bội…
Ai dám làm thì dám chịu và tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Cá nhân tôi trộm nghĩ cầu thủ vốn có sức khỏe tốt, cố gắng về làm lao động phổ thông để biết rằng những giá trị của xã hội trân trọng lại bị chính họ đạp đổ. Có hàng triệu thanh niên Việt Nam đang ngày đêm làm lụng vất vả kiếm tiền nuôi gia đình, hàng chục ngàn tiến sĩ, cử nhân còn thất nghiệp thì những cầu thủ này có làm người lao động bình thường cũng còn… sang lắm.