Đi buôn bóng đá
Trong khi các đội tuyển bóng đá nam liên tục gây thất vọng và chán nản cho giới hâm mộ thì các cô gái Việt Nam vẫn lặng lẽ chuẩn bị bảo vệ ngôi hậu SEA Games…
Cầu thủ vàng 50 năm của làng bóng Việt Nam là cựu danh thủ Lê Thế Thọ có một ví von rất hay rằng: Nếu đặt VFF ở vị trí người kinh doanh thì sau bao nhiêu năm thua lỗ với bóng đá nam thì nên đầu tư thật mạnh cho “mặt hàng” bóng đá nữ khi liên tiếp mang về thắng lợi. Ý của ông Thọ không phải bỏ hẳn bóng đá nam nhưng nhất thiết phải thay cách làm và đổi người làm mà không nên khư khư với tư duy cũ.
Rõ ràng đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, bóng đá nam vẫn cứ mải miết một giấc mơ con vô địch SEA Games thế mà hết lần này đến lần khác đều lỗi hẹn. Đội tuyển quốc gia thậm chí hiện tại chẳng còn nên hình hài khi không thể xác định kế hoạch và tiêu chí cụ thể. Cứ nhìn cái cách họ thể hiện ở trận thua muối mặt Uzbekistan ba bàn trắng trên sân Mỹ Đình đêm 15-11 mới hiểu rõ hơn niềm tin của nhiều giới đã không đặt đúng chỗ.
Trận thua ê mặt của bóng đá Việt Nam với chuyên môn kém, tinh thần thấp lại để nhiều điều tiếng. Lúc này thì vai trò những nhà chỉ đạo hiểu về bóng đá ở đâu? Ảnh: QUANG THẮNG
Có cảm giác các đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đưa quân chơi ở đấu trường Đông Nam Á chỉ mong mỏi gặp nhiều may mắn và đối thủ yếu đi chứ không phải nhờ vào bản lĩnh lẫn sự tự tin thực chất vào chính mình.
Trong khi đó, các cô gái đá bóng sinh sau đẻ muộn hơn các đồng nghiệp nam rất nhiều (lần đầu dự SEA Games 1997) nhưng lại sắp sửa lần thứ sáu chinh phục ngôi hậu Đông Nam Á. Cao hơn nữa, tuyển nữ Việt Nam sau khi đoạt vé vào vòng chung kết Asian Cup 2014 còn ngắm đến cái đích cao hơn là tham gia bằng cửa chính ở vòng chung kết World Cup 2014. Đấy là một giấc mơ không hề viển vông bởi họ luôn có thừa bản lĩnh và sự quyết tâm theo kiểu con nhà nghèo học giỏi.
Còn chưa kể các đội tuyển nam đá giải nào cũng gây ngờ vực dư luận từ những trận thua khó hiểu. Như học trò Nguyễn Văn Sỹ bỗng dưng yếu đều từ trên xuống trong cái thua nặng Uzbekistan hay tuyển U-23 Việt Nam lần nào đi SEA Games cũng có nhân viên an ninh đi kèm lẫn ban chỉ đạo để phòng và chống tiêu cực. Rõ ràng tư tưởng của họ có vấn đề hoặc không thể gây niềm tin từ chuyên môn cho đến mọi lề thói khác. Điều này trái ngược hẳn với các cô gái đá bóng dẫu ít tiền nhưng luôn đạt sự tin tưởng bởi một cái tâm trong sáng và sức chịu đựng, sự vượt khó của chính mình.
Đi buôn bóng đá cũng có nhiều kiểu và không phải cứ chăm bẵm đổ tiền rồi dốc sức nhiều sẽ sinh lãi mà có khi ít vốn vẫn lãi to.
Một nhân vật ở VFF mới đây đã “mắng” các nhà báo thể thao chẳng hiểu biết gì về bóng đá sau khi lên tiếng cảnh báo tính hiệu quả lẫn sự chồng chéo nhiệm vụ của cái ban chỉ đạo bằng số cầu thủ ra sân sẽ xuất hiện tại SEA Games 27. Ông này dẫn chứng các nhân vật hầu hết trong Thường trực VFF có nhiều kinh nghiệm làm bóng đá và rất hiểu biết về những nguy cơ các đội tuyển bóng đá sẽ gặp ở SEA Games nên cần thiết phải theo dõi sát sao để chỉ đạo. Đáng nói là trên thực tế VFF luôn nêu cao “tinh thần tập thể” nhưng sau mỗi sự cố lại là “trách nhiệm tập thể”, tức không cá nhân nào có lỗi.
Cũng hệt như trận Việt Nam thua muối mặt Uzbekistan cùng bàn thua “cho không biếu không”, trên khán đài có đủ các vị chỉ đạo nhưng đã chỉ được gì và đạo (diễn) được gì?