Công Vinh và cú sút phạt
Việc Công Vinh tranh sút phạt với cầu thủ trẻ Mạnh Hùng khiến huấn luyện viên Hữu Thắng phải to tiếng cuối cùng cũng đã được dàn xếp ổn thoả. Chuyện được quyền sút phạt không phải là mới, nhưng nó khiến mọi người nhớ lại một Công Vinh ngày xưa.
Ở SEA Games 23 diễn ra tại Bacolod – Philippines, lúc ấy Công Vinh chưa nổi danh, chưa “sao số” như bây giờ. Ngày ấy, dưới thời ông A. Riedl, Công Vinh là tiền đạo số ba, sau Văn Quyến và Phan Thanh Bình. Danh sách cầu thủ sút phạt trên sân thậm chí không có tên Công Vinh. Người đứng đầu là Minh Phương, thứ nhì là Văn Quyến.
Lúc đó, Vinh khát khao thể hiện mình lắm, người ta thấy Công Vinh ngoài chuyện nuốt trọn giáo án mà huấn luyện viên đề ra, cuối giờ khi các cầu thủ Sông Lam lục đục kéo nhau ra về, Vinh miệt mài ở lại sân tập sút phạt đến lúc ánh sáng cuối cùng trên sân vụt tắt. Chính sự khát khao ấy đã giúp Công Vinh khiến ông A. Riedl ngạc nhiên ở các bài tập tình huống cố định ngay trên đất Philippines. Không chỉ chiếm được vị trí đá chính của Thanh Bình, Vinh còn được ông A. Riedl lần đầu tiên chỉ định có tên trong danh sách cầu thủ sút phạt.
Ngày ấy, Vinh mừng lắm, về đến phòng khách sạn Vinh tếu táo với thủ môn Đức Cường và những người chung quanh: “Công Vinh mà cũng có tên trong danh sách sút phạt rồi tề. Kinh không”. Công Vinh sướng lắm, mừng lắm bởi việc chỉ định ấy không chỉ đơn giản là sự thừa nhận của đồng đội mà còn đánh dấu việc Vinh nâng tầm của một tiền đạo lên mức mới, hoàn thiện hơn.
Việc Công Vinh tranh sút phạt đã được giải quyết êm đẹp
Những bàn thắng đến từ chấm đá phạt cũng đến với Vinh nhiều hơn từ chấm đá phạt ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển nhưng, khi Văn Quyến còn nổi, khi Minh Phương còn khoẻ, điều ấy chưa bao giờ là một đặc quyền của Công Vinh và Vinh chấp nhận điều ấy như một sự hiển nhiên.
Thời thế đổi thay, Minh Phương giờ chỉ còn là cái tên dĩ vãng ở đội tuyển, Văn Quyến thậm chí còn không có cửa mặc lại chiếc áo số 10 của mình. Công Vinh nổi lên như người sút phạt số một ở cả đội tuyển lẫn cấp độ câu lạc bộ. Có lẽ, lâu dần thành quen, ở trên cao nhiều Vinh quên mất chuyện phải hiểu cái cảm giác khát khao của một cầu thủ trẻ muốn khẳng định mình.
Có lẽ do ấm ức khi bị qua mặt trong cuộc cạnh tranh danh hiệu vua phá lưới mùa giải 2013 này, Vinh luôn muốn tận dụng từng cơ hội có được ở những tình huống cố định. Nhưng, sự nôn nóng hoặc sự sa sút phong độ đã khiến những cú sút của Vinh không còn chuẩn như mong muốn. Ở Pleiku lẫn trận gặp Thanh Hoá, tổng cộng Vinh có gần chục cú sút phạt nhưng chẳng pha nào thành bàn. Thế nên chẳng ngạc nhiên khi Mạnh Hùng muốn cùng Công Vinh tìm may mắn cho đội nhà ở những tình huống tiếp theo. Và tất nhiên, Hữu Thắng hiểu rõ cầu thủ trẻ Mạnh Hùng có cái chân trái rất khá trong việc sút phạt cũng muốn “đổi tài lấy may”.
Vậy mới có chuyện, Vinh hục hặc với Mạnh Hùng trong các pha đá phạt bất chấp vị trí ấy là sở trường của Mạnh Hùng chứ không phải của Công Vinh. Chuyện hục hặc trên sân khiến nhiều cầu thủ trẻ của đội bóng xứ Nghệ cũng “nóng mắt”, thế nên Hữu Thắng dù có quý Vinh đến mấy cũng phải ra tay dàn xếp. Huấn luyện viên Hữu Thắng không muốn chuyện nội bộ, chuyện Công Vinh đang gặp những phản ứng từ các cầu thủ trẻ trong đội bị phơi bày ra ngay trên sân trước hàng chục ngàn con mắt.
Theo thông tin phát đi từ đội bóng xứ Nghệ vào hôm qua, mọi chuyện đã được giải quyết êm đẹp. Nhưng kỳ thật, ai cũng biết mọi chuyện chẳng dễ dàng êm đềm đến thế. Lo sợ Công Vinh bỗng dưng lạc lõng trong đội hình đội bóng xứ Nghệ rồi không thể toả sáng được, người hâm mộ lại tiếc bởi giá như Vinh nhớ đến những ngày xưa mà mình chưa là “ngôi sao trên bầu trời cao”, nhớ đến khát khao toả sáng của một cầu thủ trẻ mà anh đã từng trải qua để thấu hiểu, hành xử bao dung với cầu thủ trẻ trong đội hơn, có lẽ việc đã chẳng đi xa đến thế.