Bầu chủ tịch VFF: Cần một bàn tay sắt
Bản chất bóng đá Việt Nam không yếu nếu không muốn nói là có tiềm năng. Tuy nhiên, hoạt động của cái đầu tàu khiến bóng đá nước nhà ngày càng mất sức đề kháng và suy yếu.
Tất cả tồn tại trên xuất phát từ bộ máy điều hành ít lo chuyên môn, lo chiến lược mà lại đi vào những mảng lợi nhuận khác. Vì vậy, bóng đá Việt Nam rất cần vị tân chủ tịch nhiệm kỳ VII có tầm ảnh hưởng xã hội cùng một “bàn tay sắt” để siết lại sự sa đà, lỏng lẻo nơi bộ máy điều hành.
Thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện nay là có rất nhiều CLB mang tiếng là đại gia nhưng không hiệu quả trong đào tạo trẻ. Các CLB thi nhau nhập tịch cầu thủ, bỏ hẳn đào tạo trẻ. Việc lem nhem của nhiều quan chức dính vào nhiều đội khiến cuộc chơi kém minh bạch, kém công bằng… Đó là chưa kể việc tiền về với bóng đá qua nhiều cửa nhưng thực chất đi đúng với mục đích từ những núi tiền mà FIFA rót để phát triển bóng đá trẻ thì chưa.
Nhiều ý kiến trong giới cho rằng hai nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (phải) không thể hiện được vai trò của người đứng đầu với sự quyết đoán cần thiết. Ảnh: QUANG THẮNG
Trước thềm đại hội nhiệm kỳ VII LĐBĐ VN, dư luận mệt mỏi với chuyện chạy chỗ và chạy chức thay vì tìm một tân chủ tịch có đầy đủ quyền hành để tái cấu trúc bộ máy Liên đoàn. Mọi người lo lắng việc “dựng” chủ tịch lên để làm bình phong cho ở dưới hoạt động như hai nhiệm kỳ qua. Vì thế nên rất cần một tân chủ tịch anh minh, hiểu về bóng đá nước nhà, hiểu những con người, những yếu tố thừa thải, ung nhọt đang di căn hủy hoại cơ thể bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó là những người đang mượn bóng đá Việt Nam để tư lợi qua nhiều hình thức, nhiều kiểu đi buôn…
Bóng đá Việt Nam thời gian qua bộc lộ quá nhiều điều bất ổn và hình thành dạng quyền lợi nhóm, thai nghén những liên minh dưới dạng chạy dây để được ngồi vào ghế nóng. Nó rất giống với đời thường của những kẻ dùng thủ đoạn, tiền bạc để chạy chức, chạy ghế đến khi đạt được vị trí đấy thì mặc sức vắt, gom để bù lỗ và thu hoạch siêu lợi nhuận.
Có thể lấy những so sánh rất cụ thể như ông Nguyễn Hồng Thanh được xem như một kiến trúc sư của bóng đá Nghệ An xây một lò đào tạo lớp lang, làm bóng đá tử tế nhưng có bao giờ ông máu me cái ghế chủ tịch hay chạy chức để làm quan. Những người của bóng đá như thế lại rất ít khi thấy ở hàng ngũ quan chức VFF giỏi PR, giỏi chạy chức rồi giỏi đóng kịch khi đội tuyển thắng hoặc thua và “ăn theo đội tuyển” qua nhiều cửa, nhiều cách chứ không xây những lộ trình thực thụ cho bóng đá Việt Nam.
Vì thế mà rất mong vị tân chủ tịch nhiệm kỳ VII là người không ham hố quyền lực, không mua ghế nhưng phải đạt được yếu tố cần là hết lòng vì bóng đá Việt Nam. Bên cạnh đó, vị này bắt buộc phải có “bàn tay sắt”, phải dám làm, dám dẹp những thế lực đang tồn tại và khó bẻ gãy hay nói đúng hơn là những kẻ trục lợi từ bóng đá.
Tám đời chủ tịch qua, chưa một chủ tịch nào đưa ra được cương lĩnh hay chương trình hành động tử tế mà thay vào đấy là chờ thời với tư tưởng… đến đâu hay đến đó. Rõ nhất là hai nhiệm kỳ qua chúng ta làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng lại để đồng tiền dẫn dắt theo kiểu có lợi cho cá nhân mà không có lợi cho một nền bóng đá.
Tân chủ tịch nhiệm kỳ VII đối mặt những gì? - Những liên minh một ông chủ nhiều đội bóng khiến nhiều đội ảnh hưởng đến tính minh bạch. - Có quá nhiều đội được xem là đại gia và thậm chí là chỗ để tiêu tiền hợp pháp nhưng bỏ qua không đầu tư đào tạo trẻ và làm loạn thị trường bóng đá nội gây thiệt hại lớn về sự phát triển đúng hướng. - Hội chứng nhập tịch bằng mọi giá không phải vì “yêu Việt Nam” mà vì túi tiền và vì lách luật gây mất cân đối trong phát triển bóng đá. - Các CLB Việt Nam không giữ thể diện ở sân chơi tại các cúp châu Á. - Các đội trẻ Việt Nam chơi rất xuất sắc đấu trường châu lục nhưng khi đến tuổi trưởng thành thì bế tắc do đầu ra cho bóng đá trẻ bị kềm hãm nhiều mặt từ cách làm vung tiền của nhiều CLB. - Tiền nhiều hơn những năm 1990 nhưng các đội tuyển lại rất thiếu, đồng thời trung tâm đào tạo trẻ do FIFA hỗ trợ sử dụng sai công năng và tê liệt trong đào tạo. |