Arsenal, bây giờ hoặc không bao giờ
Mùa giải trước đánh dấu năm thứ tám trắng tay của Arsenal, một quãng thời gian đủ để khiến hy vọng biến thành tuyệt vọng. Nhưng mùa giải này sẽ mang họ trở lại hàng ngũ đại gia của bóng đá Anh?
Arsenal giờ mới là đội lắm tiền
Ký hợp đồng với những ngôi sao và giữ chân những cầu thủ tốt nhất đều đòi hỏi rất nhiều tiền, và trong nhiều năm qua, Arsenal đã tụt lại phía sau các đối thủ khác như Chelsea, Manchester City và M.U về mặt tài chính, nhưng những dấu hiệu cho thấy một sự đổi thay vô cùng mạnh mẽ đang đến.
Trong bản thông báo tình hình tài chính công bố vào đầu năm nay từ hãng kiểm toán uy tín Deloitte về doanh thu của các đội châu Âu, Arsenal xếp thứ sáu tại châu Âu với doanh thu 290.3 triệu bảng mùa 2011-2012. Tại Anh, họ chỉ thua kém M.U (395.9 triệu bảng) và Chelsea (322.6).
Sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng, Arsenal dường như đã tiếp cận một kỷ nguyên mới rất thịnh vượng về tài chính. Thậm chí, đội bóng của HLV Arsene Wenger còn có thể tự hào vì tình hình quản lý tài chính ổn định nhất nước Anh.
Jeremy Wilson của tờ Telegraph bình luận rằng doanh thu tăng vọt từ bán vé và những giao dịch thương mại lớn sẽ cho phép Arsenal cạnh tranh về tài chính với hai đội bóng thành Manchester và Chelsea. Tiền xây sân Emirates đã được trả nợ xong. Từ mùa tới, Arsenal sẽ nhận 30 triệu bảng mỗi năm nhờ hợp đồng tài trợ với hãng đồ thể thao Puma.
Tức là lợi nhuận của CLB sẽ tăng 70 triệu bảng/ mùa từ năm sau. Một con số nghe có vẻ rất ngẫu nhiên: Theo tờ Daily Mail, ông Wenger được phép chi 70 triệu trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè này.
Mùa bóng này dường như sẽ là thời điểm những gì Arsenal tích lũy suốt gần một thập kỷ qua tạo cho họ điểm tựa để trở lại với chiếu trên của bóng đá Anh.
Arsenal có nền tảng ổn định cả về tài chính và con người
Thay đổi chính sách chuyển nhượng
Trong hai mùa gần đây, Arsenal đã không còn chỉ mua những ngôi sao tiềm năng, mà họ hướng đến những cầu thủ đã thành danh. Mùa này, họ thậm chí ‘dạm ngõ’ cả những ngôi sao đã được thừa nhận ở đẳng cấp cao nhất, là Gonzalo Higuain và đặc biệt là Wayne Rooney.
Tất nhiên, chỉ một vài hợp đồng mới chưa đủ tạo ra một cú hích thật sự ấn tượng, nhưng điều quan trọng là Arsenal không những đã mở rộng hầu bao chuyển nhượng, họ còn sẵn sàng và có thể trả cho các cầu thủ mức lương ‘phá trần’. Tiềm năng cho một kỷ nguyên mới đôi khi chỉ cần được thể hiện qua ý định tiêu tiền như thế.
Mới đây, báo chí Anh cho rằng Luis Suarez đang lọt vào tầm ngắm của Arsenal. Một cầu thủ tinh quái và rắc rối như vậy trước đây không phải mục tiêu ưa thích của các Pháo thủ, nhưng giờ thì họ đã sẵn sàng thay đổi, vì một đội bóng mạnh mẽ hơn trong tương lai rất gần.
Nền tảng
Đôi khi chúng ta mải nhìn vào thành tích trên sân mà quên mất rằng phía sau Arsenal là một nền tảng vững chắc đến thế nào. Sân tập London Colony của họ thuộc loại hiện đại nhất nước Anh, và giờ được chính đội tuyển Anh sử dụng. Mạng lưới trinh sát (scout) cầu thủ và học viện bóng đá của Arsenal phát triển trên toàn thế giới (ở Việt Nam là học viện HAGL), đã hoạt động hiệu quả trong nhiều năm nay. Sân Emirates đón trung bình 60 nghìn khán giả/ lượt trận mùa trước (cao nhất là trận gặp M.U tại Premier League vào 28/4 năm nay, với 60.112 khán giả). Khi Luật công bằng tài chính đi vào hiệu lực, kết cấu tài chính vững chắc của Arsenal cũng giúp họ thoải mái đứng trên đôi chân của chính mình.
Đội hình hiện tại vẫn cần phải hoàn thiện, nhưng không cần phải xây dựng lại hoàn toàn. Podolski và Giroud là những chân sút tốt. Santi Cazorla có thể được xếp vào một trong những tiền vệ công tốt nhất giải. Theo Walcott chơi rất ấn tượng với 14 bàn mùa trước. Jack Wilshere trẻ nhất, nhưng đang được xem như là cầu thủ giàu bản lĩnh nhất. Hàng thủ Arsenal cũng đã được cải thiện đáng kể mùa trước, với số bàn thua ít thứ hai ở giải Premier League (10 trận cuối, họ chỉ thủng lưới 5 bàn).
Nền tảng tốt bậc nhất nước Anh nói riêng và thậm chí là cả châu Âu nói chung sẽ giúp Arsenal rất nhiều vào thời kỳ bóng đá đang phát triển rất thiếu bền vững như lúc này.
Ổn định
Các đối thủ của Arsenal đều không có được lợi thế này. M.U chia tay Sir Alex Ferguson và đón David Moyes với rất nhiều ánh mắt hoài nghi. Chelsea ‘tái hôn’ với Jose Mourinho, nhưng giờ đây họ đã là một đội bóng rất khác so với thời điểm 6 năm về trước. Man City sa thải Roberto Mancini và đưa về Manuel Pellegrini, người lần đầu tiên tiếp xúc với bóng đá Anh.
HLV Arsene Wenger đã dẫn dắt Arsenal trong hơn 16 năm, và hiểu từng chân tơ kẽ tóc đội bóng này. Nếu ai đó còn nghi ngờ sự ổn định, thì đây: Mùa trước là lần thứ 15 liên tiếp Arsenal của ông Wenger kết thúc mùa giải trong tốp 4, và là mùa thứ 14 liên tiếp họ được dự Champions League. 8 năm không có danh hiệu, nhưng họ chưa bao giờ bị bật ra khỏi nhóm những CLB hàng đầu của nước Anh.
Mọi hoạt động của CLB này đã vận hành suôn sẻ trong gần hai thập niên qua dưới bàn tay của ông Wenger, và giờ có lẽ là thời điểm sự ổn định ấy tạo ra lợi thế cho họ trên con đường trở lại chiếu trên của bóng đá Anh.
Sự yêu mến
Về lượng CĐV tại Anh, Arsenal có lẽ chỉ thua kém M.U (đặt lượng khán giả trung bình đến sân 74 nghìn mùa trước, nhiều nhất Premier League), hơn Chelsea, Man City và Liverpool. Đội bóng của ông Wenger cũng thực sự là một thương hiệu toàn cầu được yêu mến, vì lối chơi đẹp và tinh thần mã thượng họ theo đuổi.
Họ nhận được sự yêu mến ấy không chỉ bởi tài chơi bóng, mà còn ở khả năng xây dựng hình ảnh. Các cầu thủ Arsenal luôn tỏ ra thân thiện ở mỗi nơi họ du đấu, và các khán giả có vé vào Mỹ Đình ngày 17-7 tới đây cũng sẽ nhận được thái độ tuyệt vời ấy. Arsenal cũng không bỏ qua những quốc gia bị coi là “vùng trũng”: Họ lập học viện bóng đá ở bất kỳ nơi đâu, tìm cầu thủ giỏi chứ không theo quốc tịch, và chấp nhận mọi đề nghị du đấu hợp lý.
Chừng ấy lý do có lẽ là đã đủ để các Gooners đặt điều kiện với CLB của họ: Arsenal, không bây giờ trở lại thì còn lúc nào?