Trào lưu thí sinh vái, giám khảo lạy

Hình ảnh quỳ lạy của thí sinh với ban giám khảo cũng như giám khảo vái lạy thí sinh dường như không còn hiếm gặp trên các show truyền hình.

Trong cuộc thi Vietnam Idol 2013, hình ảnh Nguyễn Hoàng Mỹ (biệt danh Quân Kun) đã từng nài nỉ, thậm chí quỳ lạy ban giám khảo để xin một tấm vé vào vòng trong tạo ra những dư luận gây xôn xao cộng đồng mạng.

Một câu hỏi được đặt ra, việc quỳ lạy để xin đi tiếp vào vòng trong cho thấy năng lực yếu kém của thí sinh? Hay đây là một chiêu trò làm cho show truyền hình này trở nên gay cấn và ăn khách?

Các khán giả đam mê thể thao chắc vẫn chưa thể quên hình ảnh tiền đạo số một Việt Nam Công Vinh trước những pha vái lạy liên tiếp trọng tài Vũ Bảo Linh vì không phục quyết định cho đối phương được hưởng quả ném biên ở cuối trận gặp chủ nhà Đồng Tháp. Anh đã bị trọng tài Vũ Bảo Linh phạt thẻ vàng vì thiếu kiềm chế.

Hay như trong trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng Argentina và Trinidad&Tobago, người hâm mộ đã chứng kiến một màn chào hỏi vô cùng hài hước khi Messi được cầu thủ bên đội khách vái lạy liên tục thay vì cái bắt tay chào hỏi. Ở đó, người ta thấy hành động “vái lạy” này như  một sự ngưỡng mộ giữa những người đồng nghiệp dành cho nhau.

Gần đây, các khán giả lại được thấy giám khảo vái lạy thí sinh và có những biểu cảm trên hàng ghế của mình một cách “cuồng nhiệt” trong loạt chương trình “Gương mặt thân quen”. Cái tên Hoài Lâm để người ta nhớ đến một phần vì giọng hát, một phần vì cách thể hiện xuất sắc và đặc biệt, không thể thiếu những cái vái lạy, những câu nói “hùng hồn” của các vị giám khảo.

Hình ảnh Hoài Lâm vào vai cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã khiến giám khảo Mỹ Linh phải vái lạy và thốt lên: "Cụ nhận của con một lạy. Cụ giỏi quá" hay “Cụ Hà Thị Cầu, có anh thì anh bắt chiếc được, chứ tôi đã bảo tôi lạy anh rồi mà. Tôi chịu”.

Thành công vang dội từ ca khúc được nhận xét hát live hay hơn cả bản gốc “Em của ngày hôm qua” do Sơn Tùng MTP thể hiện, Hoài Lâm đang là một cái tên khá nổi đặc biệt là sau màn hóa thân thành công cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Quay trở lại câu chuyện giám khảo vái lạy thí sinh, hay thí sinh vái lạy giám khảo cho thấy một hiện tượng đang “nóng” lên trên các show truyền hình và thu hút được đông đảo lượt xem của khán giả. Nếu thí sinh vái lạy giám khảo thì có thể thấy đó là một hành động không mấy đẹp mắt bởi nó thể hiện năng lực yếu kém của thí sinh, chưa chuẩn bị tốt cho một cuộc thi. Nhưng hình  ảnh giám khảo vái lạy thí sinh lại thể hiện được tài năng của thí sinh hay điều đó để lại ấn tượng trong lòng khán giả bởi người ta dường như nhận thấy giữa giám khảo và thí sinh không còn khoảng cách, áp lực từ một cuộc thi đem lại. Từ đó, show truyền hình sẽ trở nên thú vị, thu hút nhiều khán giả xem hơn là việc chỉ trích, hoặc cố tìm ra những điểm sai sót của thí sinh để thấy được năng lực, trình độ của giám khảo.

Cộng đồng mạng đã từng xôn xao trước phần trình diễn của cô bé 8 tuổi Chelsea Fontenel với ca khúc Girl on Fire trong vòng giấu mặt The Voice Kids Germany 2013. Cô bé đã được hai vị giám khảo nam lên sân khấu vái lạy thậm chí còn mời lên chiếc ghế nóng. Điều đó càng chứng tỏ tài năng không phân biệt tuổi tác, một giám khảo với nhiều năm kinh nghiệm vẫn có thể “vái lạy” trước một cô bé tài năng (video trên).

Tài năng không đợi tuổi, không phân biệt kinh nghiệm ít hay kinh nghiệm nhiều…  điều quan trọng là người đó phải chứng tỏ cho phần đông thấy rằng mình là người có tài, có tâm. Từ những câu chuyện về sự vái lạy của giám khảo với thí sinh, cầu thủ vái lạy trọng tài… người ta nhận ra rằng trong cái “vái lạy” hàm chứa những trạng thái cảm xúc thật tâm, và đầy đủ nhất - dù ý nghĩa mỗi cái vái lạy có thể khác nhau. Và cho đến thời điểm hiện tại người ta vẫn chọn cách bộc lộ cảm xúc bằng hành động khác lạ bởi đôi khi, nó mang lại hiệu quả nhiều hơn lời nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Thị Lệ Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN