Tốt nghiệp tiến sĩ tuổi 24, chàng trai được bổ nhiệm thành phó giáo sư

Sự kiện: Giới trẻ 2024

TRUNG QUỐC - Với những thành tựu đạt được, sau tốt nghiệp tiến sĩ 1 tháng, Hầu Đào Cương được Đại học Giao thông Bắc Kinh (Trung Quốc) bổ nhiệm trở thành phó giáo sư ở tuổi 24.

PGS Hầu Đào Cương (SN1996) hiện là giảng viên tại Đại học Giao thông Bắc Kinh (Trung Quốc). Năm 2012, anh trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông Trung Quốc, khi trở thành tân sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí tại Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh (gọi tắt là Đại học Bắc Hàng, Trung Quốc). 

Bước chân vào đại học ở tuổi 16, Đào Cương nhanh chóng thể hiện tài năng. Ngay từ năm nhất, nam sinh đã giành giải Nhất Cuộc thi Khoa học và Công nghệ (gọi tắt là cuộc thi giành cúp Phùng Như) dành cho sinh viên do Đại học Bắc Hàng tổ chức. Thành tích này giúp Đào Cương có cơ hội trở thành sinh viên trao đổi 1 năm Đại học Tsukuba (Nhật Bản).

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng Xuất sắc năm 2016, Đào Cương được tuyển thẳng lên học tiến sĩ. Trong thời gian này, anh thể hiện khả năng nghiên cứu ấn tượng. Đào Cương là tác giả của 9 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín. Những công trình nghiên cứu này đánh dấu sự đóng góp của Đào Cương trong lĩnh vực Khoa học Máy tính và Trí tuệ Nhân tạo.

Đây cũng là lúc anh tiếp tục nhận được sự quan tâm của giới học thuật và truyền thông Trung Quốc. Nhiều trang báo uy tín của Trung Quốc thời điểm này đã góp phần lan tỏa những nỗ lực và thành quả của Đào Cương đến với cộng đồng. 

16 tuổi đỗ đại học, sau 8 năm, Hầu Đào Cương được bổ nhiệm trở thành PGS. Ảnh: Baidu

16 tuổi đỗ đại học, sau 8 năm, Hầu Đào Cương được bổ nhiệm trở thành PGS. Ảnh: Baidu

4 năm học tiến sĩ, Đào Cương còn thành lập được ISET - nhóm nghiên cứu và phát triển ứng dụng robot thông minh. Sau khi đi vào hoạt động, Đào Cương và nhóm nghiên cứu thiết kế thành công hệ thống dây chuyền sản xuất trong nông nghiệp. Thiết kế cũng được đưa vào thử nghiệm và giành giải Ba Cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp dành cho sinh viên Trung Quốc (khu vực Bắc Kinh) lần thứ 5.

Tháng 8/2020, Đào Cương tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện Công nghệ cao cấp thuộc Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh. "Ban đầu tôi dự định sẽ trở thành nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Tuy nhiên, dịch bệnh diễn ra khiến dự định của tôi không thể thực hiện".

1 tháng sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Đào Cương nhận được thư chiêu mộ của Đại học Giao thông Bắc Kinh (Trung Quốc). Theo đó, trường bổ nhiệm tiến sĩ Đào Cương trở thành Phó giáo sư của Viện Kỹ thuật Thông tin Điện tử ở tuổi 24. 

Chia sẻ quyết định đầu quân về Đại học Giao thông Bắc Kinh (Trung Quốc), PGS Đào Cương cho hay, đây là sự lựa chọn ngẫu nhiên và phù hợp ở thời điểm đó.

"Để có được thành quả này, tôi phải cảm ơn sự kiên trì của bản thân cùng với việc được phát triển trong một môi trường nền tảng tốt như Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh".

Tiến sĩ Hầu Đào Cương được bổ nhiệm trở thành PGS ở tuổi 24. Ảnh: Baidu

Tiến sĩ Hầu Đào Cương được bổ nhiệm trở thành PGS ở tuổi 24. Ảnh: Baidu

Hướng nghiên cứu của PGS Đào Cương là cảm biến thông minh, kỹ thuật điều khiển, cảm biến hệ thống giao thông và trí tuệ nhân tạo. Với vai trò là phó giáo sư, những năm qua anh chủ trì nhiều dự án nghiên cứu khoa học cấp quốc gia. Trong đó, có dự án được tài trợ bởi Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc. 

Sau những nỗ lực không ngừng, PGS Đào Cương được đền đáp xứng đáng. Hồi tháng 3/2023, anh là một trong ba giảng viên trẻ của Đại học Giao thông Bắc Kinh góp mặt trong chương trình Thanh niên tài năng do Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (CAST) tổ chức lần thứ 8. Chương trình vinh danh 729 nhà khoa học trẻ ở Trung Quốc có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực. 

Hiện tại, PGS Đào Cương chủ yếu nghiên cứu và phát triển robot thông minh. Anh cho rằng, tương lai robot sẽ thay thế lao động thủ công, do đó đây là hướng nghiên cứu triển vọng. PGS Đào Cương đang là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi đầy triển vọng với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực robot thông minh.

Nói về bí quyết thành công, PGS Đào Cương tiết lộ, xoay quanh trong 6 từ: Tính tự giác và sự kiên trì. "Về mặt kỷ luật tự giác, tôi làm khá tốt. Thời trung học tôi hay chơi game nhưng lên đại học tôi dừng lại hoàn toàn". 

Khác với tưởng tượng của nhiều người, anh không sở hữu kết quả học tập nổi trội suốt 12 năm. Thậm chí, trong mắt phụ huynh, anh là đứa trẻ nghịch ngợm, ham chơi và lười học. Có thời điểm, thành tích của anh tụt từ vị trí đầu lớp xuống cuối cùng. 

"Lúc đó, bố mẹ không cho tôi chơi bất cứ thứ gì, kể cả đồ chơi điều khiển từ xa do tôi làm. Vì vậy, đến năm lớp 8, tôi quyết tâm học tập chăm chỉ và thành tích vươn lên đầu lớp", PGS Đào Cương nhớ lại. Đối với PGS Đào Cương, để đạt được hiệu quả cao nhất trong học tập, tính tự giác và sự kiên trì đóng vai trò quan trọng.

Nguồn: [Link nguồn]

Dù giỏi hơn các bạn về kiến thức nhưng Lưu Lộ lúc nào cũng đứng "đội sổ" của lớp vì làm bài đúng nhưng quá trình giải bài không phù hợp với nội dung học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thắm Nguyễn ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN