Tội ngoại tình có tha thứ được không?

Bố có vẻ khó chịu, có lẽ vì vợ chồng cũng đã có thời kỳ phải xa nhau đến mấy năm nhưng chưa bao giờ bố thấy mẹ xúc động đến thế!

Mặc dù bố mẹ đã chuẩn bị ly hôn nhưng hình như cái tin đó vẫn làm cho bố vô cùng đau đớn. (Ảnh minh họa)

Mặc dù bố mẹ đã chuẩn bị ly hôn nhưng hình như cái tin đó vẫn làm cho bố vô cùng đau đớn. (Ảnh minh họa)

Từ ngày mẹ đi học cao học ở nước ngoài, nhà chỉ có ba bố con Tùng sống với nhau. Buổi tối, có hôm cơm nước xong, ba bố con ngồi nói chuyện. Những chuyện của bố anh em Tùng nghe mãi đến gần thuộc lòng.

Chuyện về những ngày bố du học ở Liên Xô cũ, nhiều khi thiếu tiền mua sách phải đi bán quần áo thuê cho người ta. Trời rét căm căm, tuyết rơi trắng xóa, bố vẫn phải đứng ở cửa ga tàu điện ngầm, vắt mấy cái quần bò trên tay chào mời người qua lại. Tối khuya về mới bật đèn lên học. Thế nhưng bố vẫn bảo vệ xuất sắc luận án Phó tiến sĩ. Nhưng tối nay, vẻ mặt bố trầm ngâm hơn mọi ngày. Bởi vì đúng ngày này 24 năm trước, bố mẹ kết hôn. Cái Hạnh ngây thơ hỏi: "Thế hồi ấy bố mẹ làm đám cưới ở khách sạn nào?”. Bố bật cười: ”Tiền đâu thuê khách sạn. Lúc ấy bố mẹ dạy cùng một trường. Cả hai cùng là giáo viên, nghèo lắm!”.

Bây giờ ba bố con đang sống trong ngôi nhà bốn tầng mới xây hai năm nay, trong thời gian mẹ đi nước ngoài.

Hôm mẹ ở Pháp về, cả nhà đi ô tô ra đón ở sân bay. Bố mẹ ôm choàng lấy nhau. Hai đứa con cao gần bằng bố mẹ ôm vòng lấy cả hai người, nghẹn ngào trong những nụ hôn và nước mắt. Thật khó có gia đình nào hạnh phúc hơn thế! Bố là Tiến sĩ tốt nghiệp ở Nga. Mẹ là Thạc sĩ bảo vệ ở Pháp. Hai đứa con, một trai một gái, đang học trung học, đều là học sinh giỏi.

Ngồi trên xe, bố cầm tay mẹ nói với giọng hân hoan: ”Thôi từ nay, bố mẹ chấm dứt những ngày xa cách. Đến lượt các con học giỏi vào, thích đi du học nước ngoài, bố sẽ cho đi!”. Cả hai đứa như đồng thanh: "Chúng con không đi đâu cả, ở nhà với bố mẹ”. Làm cả nhà cùng bật cười.

Nhưng nỗi bất hạnh giáng xuống mỗi gia đình chẳng bao giờ giống nhau. Nó bắt đầu từ một buổi tối, sau khi mẹ về nước được nửa tháng. Cơm xong, cả nhà đang ngồi uống nước, nói chuyện vui vẻ thì có tiếng chuông điện thoại. Bố cầm máy lên nghe rồi bảo: "Hình như nói tiếng Pháp”. Mẹ chìa tay nói: "Chắc là điện thoại của em!”. Mẹ cầm máy trả lời cũng bằng tiếng Pháp. Bố học ở Nga nên chỉ biết tiếng Nga. Cả nhà đều ngơ ngác chẳng ai hiểu mẹ nói gì? Nhưng nghe giọng nghẹn ngào, biết là mẹ xúc động lắm.

Mẹ cầm điện thoại đi ra ban-công. Tiếng nói mỗi lúc càng nhỏ dần, độ nửa tiếng sau chỉ còn nghe tiếng sụt sịt. Mẹ khóc. Các con đoán là mẹ đang nói chuyện với người bạn nào chắc là phải thân lắm! Chỉ riêng bố biết người đó là đàn ông vì bố nghe được mấy câu đầu. Bố có vẻ khó chịu, có lẽ vì vợ chồng cũng đã có thời kỳ phải xa nhau đến mấy năm nhưng chưa bao giờ bố thấy mẹ xúc động đến thế!

Khi mẹ từ ban-công đi vào thì bố đã đi lên gác. Chỉ còn hai đứa con ngơ ngác nhìn đôi mắt mẹ vẫn còn ngấn lệ. Tùng hỏi nhưng mẹ không nói gì, chỉ lấy mùi-xoa thấm nước mắt.

Từ hôm đó, Tùng nhận thấy một đám mây u ám bao phủ gương mặt đầy tâm trạng của bố. Vẻ mặt mẹ lại có cái gì nửa như đau khổ, nửa như bất cần đời. Bỗng một hôm Tùng nghe “choang” một tiếng rất to trong phòng bố mẹ. Có lẽ cái bình hoa bị đập vỡ. Hai anh em vội vàng chạy xuống tầng hai. Từ trong vọng ra tiếng bố gay gắt: "Lá thư này không phải bằng chứng hiển nhiên à? Cô còn quanh co gì nữa?”. Tiếng mẹ vẫn từ tốn: "Em chỉ yêu cầu anh đừng làm ảnh hưởng đến các con!”.

Tùng lờ mờ hiểu là bố đã tìm thấy một lá thư bằng tiếng Pháp của ai đó gửi sang trong máy tính. Bố phải nhờ Google dịch ra mới biết nội dung là thế nào? Có lẽ bố đau đớn lắm, bởi vì trong đó không phải chỉ tình bạn mà là một tình yêu. Hai anh em nghe bố mẹ lời qua tiếng lại chỉ biết gục đầu vào nhau khóc ngoài cánh cửa ...

Một tháng sau có giấy mời bố mẹ ra tòa để giải quyết việc ly hôn. Buổi tối, mẹ đi đâu chưa về, lại chỉ có ba bố con ngồi bên mâm cơm. Bố giải thích rất ngắn gọn: "Bố mẹ không hợp nhau nên phải chia tay. Các con muốn ở với ai cũng được!”. Tùng định hỏi thêm nhưng bố đã đứng dậy đi về phòng mình.

Từ ít lâu nay, bố mẹ sống riêng mỗi người một phòng. Ngôi nhà trở nên lạnh lẽo, hoang vu như không có người ở. Hai đứa con bắt đầu chệch choạc muốn bỏ học có lẽ vì chúng không chịu được cảnh chia ly như một định mệnh không có cách nào cứu vãn được nữa.

Một hôm, mẹ bảo với anh em Tùng rằng cơ quan lại cử mẹ đi Pháp lần nữa để tiếp tục đề tài nghiên cứu của mẹ. Mặc dù bố mẹ đã chuẩn bị ly hôn nhưng hình như cái tin đó vẫn làm cho bố vô cùng đau đớn. Có đêm đã gần sáng, Tùng vẫn nghe tiếng chân bố đi đi lại lại trong phòng. Có lẽ cả đêm bố không ngủ. Tùng thương bố nhưng không biết làm thế nào? Nó cũng thương cả mẹ nữa. Mẹ gầy rộc hẳn đi. Hình như mẹ cũng suy nghĩ nhiều lắm.

Có hôm mẹ ôm cái Hạnh vào lòng, không nói gì, chỉ thầm lặng lau nước mắt. Mẹ bảo sau này dù mẹ có ở đâu cũng đem Hạnh đi theo. Tùng thì đi về cả hai nơi. Bố mẹ không thể chung sống với nhau được nữa. Bởi vì như thế, cuộc sống sẽ rất nặng nề, làm khổ cả bố lẫn mẹ, làm khổ cả các con. Mẹ bảo hai anh em tha thứ cho mẹ. Không bao giờ mẹ bỏ các con. Tùng muốn nói với mẹ điều gì nhưng cổ họng cứ nghẹn tắc lại không nói được. Chỉ có nước mắt cứ trào ra. Mẹ bảo: "Con trai đừng khóc thế!”.

Một buổi tối, bố đi đâu về rất muộn. Hai tay bố xách các thứ túi to, túi nhỏ. Tùng hỏi bố mua gì đấy? Bố chỉ ừ, không trả lời. Tùng lạ lắm để ý theo dõi. Đến khuya, có lẽ đợi các con đi ngủ, bố xách những cái túi sang gõ nhẹ vào cửa phòng mẹ. Không dám xỏ chân vào dép, Tùng cứ chân đất rón rén rất nhẹ đến cửa phòng mẹ ghé mắt nhìn vào. Bố bày các thứ ra giường, lấy từ một chiếc túi to ra chiếc áo da đen bóng đưa cho mẹ. Bố bảo: "Mùa này ở bên Pháp rét lắm. Em đem theo chiếc áo này đi kẻo lạnh”. Mẹ đứng ngây người nhìn bố. Nhưng bố lại cúi xuống mở chiếc túi thứ hai: "Em mặc thử chiếc áo măng-tô này xem có vừa không? Anh định mua số nhỏ hơn nhưng nhỡ sang đấy em béo ra thì sao? Họ bảo nếu không vừa thì đem đến đổi”.

Mẹ ngồi xuống nhìn sâu vào mắt bố:

- Sao tự nhiên anh lại đối với em chu đáo thế? Thời gian gần đây, anh có quan tâm gì đến em đâu!

Bố ngồi lặng đi một lát mới trả lời rất nhỏ và ngập ngừng. Tùng phải nín thở mới nghe được:

- Bởi vì anh nghĩ lần này có thể em sẽ ... không trở về với bố con anh nữa. Anh muốn dù em có lấy ai đi nữa cũng đừng quên rằng em từng có một người chồng rất quan tâm đến em và lúc nào cũng vẫn... yêu em – Bố ngừng lại nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của mẹ.

- Cả các con cũng rất yêu em và rất sợ... mẹ đi mất!

Mẹ bỗng bật khóc nức nở như nỗi lòng bị kìm nén bấy lâu:

- Em thương các con lắm... Sao anh không tha thứ cho em?

Bố sẽ sàng đặt một bàn tay lên vai mẹ:

- Thực ra, anh đã tha thứ cho em rồi. Bởi vì chuyện đó xảy ra trong thời gian mình ở xa nhau hàng vạn cây số. Vả lại từ khi em về nước, vì ghen tuông, giận dỗi, anh đã đối xử với em không ra gì. Em có... bỏ qua cho anh không?

Như không làm chủ được mình nữa, mẹ gục đầu vào bố òa khóc. Bố âu yếm vuốt tóc mẹ. Tùng run lên vì sung sướng như không tin ở mắt mình. Nó định chạy đi gọi em nhưng cái Hạnh đã nấp sau lưng nó từ lúc nào. Hạnh đẩy nhẹ cánh cửa kéo tay anh đi vào trong phòng. Bố mẹ giật mình buông nhau ra. Hai đứa con sà đến mỗi đứa cầm một bàn tay mẹ:

- Mẹ đừng đi! Mẹ ở nhà với chúng con!

Tiếng mẹ nghẹn ngào trong nước mắt:

- Mẹ không đi nữa! Không bao giờ đi đâu nữa!

Bố gật đầu như xác nhận những lời của mẹ. Tùng chợt nhận ra hai mắt bố đỏ hoe. Một giọt nước mắt lăn dài trên má bố. Nó ôm chầm lấy bố như chưa từng yêu bố thế bao giờ.

Nguồn: [Link nguồn]

Tôi có nên đi bắt quả tang mẹ ngoại tình?

Khi đọc được những lời lẽ yêu đương, tình tứ mà mẹ dành cho người đàn ông ấy khiến tôi bị tổn thương và đau đớn vô cùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trịnh Trung Hòa ([Tên nguồn])
Ngoại tình của phụ nữ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN